Ðám cưới ở quê
Từ bao đời nay, tình làng nghĩa xóm khi 'tối lửa tắt đèn có nhau' luôn đầy ắp trong từng con người, ở mỗi làng quê Việt Nam. Ở quê tôi, một vùng quê thuần nông, trong các đám cưới vẫn chan chứa tình nghĩa của bà con chòm xóm. Mỗi khi nhà nào có đám cưới, hàng xóm lân cận vui như chính nhà mình có đám, mọi người sẵn sàng gác lại công việc cá nhân để đến hỗ trợ, làm giúp.

Ảnh minh họa: VĂN BÌNH
Ðám cưới quê được gia chủ chuẩn bị trước hàng chục ngày, từ lên danh sách khách mời, in thiếp cưới, đi mời khách, mua nguyên liệu nấu cỗ... Mấy ngày trước cưới, người thân trong gia đình, bà con xóm giềng cứ rảnh việc là chạy qua, chạy lại nhà chuẩn bị có đám cưới hỏi han đủ chuyện, nào là: Ðám cưới đãi những món gì? Mời bao nhiêu khách? Mấy giờ thì đón dâu? Ðón dâu đi bằng phương tiện gì? và nhiều nữa những câu hỏi đại loại như thế. Chủ nhà trả lời câu được, câu không nhưng cái miệng thì lúc nào cũng cười bởi được bà con chòm xóm quan tâm, họ hàng thương mến.
Thời nay, khi nhà có đám cưới không còn cảnh đóng cọc, căng bạt như xưa để dựng rạp mà thuê từ dịch vụ cho thuê rạp cưới nhưng vẫn cần người của chủ nhà giúp một tay để mọi thứ hoàn thiện một cách nhanh gọn. Chuyện nấu nướng cũng thế, tuy gia chủ có thuê dịch vụ nấu cỗ nhưng mọi người ở quê tôi vẫn thích tham gia giúp đỡ gia chủ. Buổi chiều hôm trước ngày diễn ra đám cưới, người thân trong gia đình, hàng xóm xúm tụm lại, mỗi người mỗi việc hỗ trợ gia chủ, người thì nhặt rau, bóc hành, người kê bàn ghế, người thịt gà, người nấu cỗ “dựng rạp”, người lau dọn ban thờ bày mâm quả… Từ nhà ra sân đều rộn rã tiếng cười, tiếng nói bởi đây là cơ hội để làng xóm có dịp tụ họp lại "tán chuyện", hỏi thăm nhau về công việc, cuộc sống, gia đình, con cái… Và trong tâm thức mỗi người, ai cũng có chung suy nghĩ “nhà nào cũng có công việc, nay việc nhà họ, mai việc nhà mình, mình giúp họ lúc này, mai mốt nhà mình có việc họ giúp lại” nên ai cũng nhiệt tình, hào hứng giúp đỡ gia chủ.
Ðám cưới ở quê bao giờ cũng có một bữa cỗ vào buổi chiều trước hôm cưới, gọi là cỗ “dựng rạp”. Là bữa đầu tiên, lại ăn lúc còn nóng nên cỗ “dựng rạp” dù chỉ có đĩa lòng lợn, đĩa thịt lợn luộc, món nấu, xào, nước xáo luộc lòng nhưng ai ăn cũng thấy ngon. Ăn bữa cỗ “dựng rạp” hầu hết là người nhà và hàng xóm. Nhiều ông bố bà mẹ đến làm giúp đám đều mang theo con, vì vậy, trong các đám cỗ “dựng rạp” ở quê tôi luôn có mâm trẻ con và gần như lúc nào cũng được sắp xếp cho ăn trước bởi lo chúng hiếu động, cho chúng ăn no để người lớn rảnh tay giúp đám. Mâm trẻ con vừa ăn vừa chí chóe, nhiều lúc phải cử một người lớn ngồi vào “chỉ huy”.
Sau bữa cỗ “dựng rạp”, buổi tối, người thân trong gia đình, hàng xóm được mời đến uống nước chè, ăn bánh kẹo và thưởng thức các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” trong tiếng nhạc “xập xình” đặc trưng của đám cưới quê. Và nếu nhà nào gia đình cô dâu, chú rể gần nhau thì đám nam thanh, nữ tú bạn bè chú rể sẽ sang gặp gỡ, giao lưu với bạn bè ở nhà cô dâu. Ðây là một trong những nét đẹp đã được gìn giữ từ bao đời nay ở mỗi đám cưới quê tôi mà bây giờ đám cưới ở thành phố không có. Từ những lần gặp gỡ, giao lưu đó, ông tơ, bà nguyệt đã xe duyên cho biết bao những đôi uyên ương về chung một nhà.
Sau khi đám cưới tổ chức xong, bao giờ gia chủ cũng làm thêm mấy mâm cỗ mà ở quê tôi gọi là cỗ “tráng xoong, tráng chảo” để cảm ơn những người thân cận, bà con chòm xóm ở gần đã đến làm giúp, hỗ trợ gia chủ lúc có đám.
Ðám cưới ở quê có mời là có đến và lắm khi không mời cũng có mặt. Ðến một chút thôi cũng được, đến cho vui cửa vui nhà và để mừng hai trẻ đã thành vợ thành chồng. Mỗi lần đi đám cưới ở quê luôn mang đến cho tôi cảm giác ấm áp tình làng nghĩa xóm. Với những thế hệ sinh ra và lớn lên ở quê như tôi, sau này dù có đi đâu, làm gì, trong ký ức tuổi thơ tươi đẹp của mình luôn có những kỷ niệm yêu thương, nhớ mãi về những lần theo mẹ, theo bà đi ăn cỗ đám cưới.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/dam-cuoi-o-que-3180208.html