Ảm đạm thị trường máy tính để bàn

Lượng khách đến mua máy tính để bàn tại các cửa hàng, siêu thị điện máy giảm sút rõ rệt phần nào cho thấy thời hoàng kim của thiết bị này đã xa.

Các gian hàng máy tính để bàn luôn vắng khách

Các gian hàng máy tính để bàn luôn vắng khách

Quá khứ sôi động

"Giờ chẳng mấy ai còn dùng máy tính để bàn nữa. Gia đình tôi đã ngừng sử dụng loại này từ nhiều năm nay", anh Trần Bá Nam ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) chia sẻ. Không chỉ anh Nam, 10 người được hỏi thì đến 8 người đã chuyển sang dùng máy tính xách tay (laptop) thay thế những bộ máy tính để bàn cồng kềnh.

Khoảng 10 năm trước, máy tính để bàn trở thành thiết bị không thể thiếu phục vụ cho công việc, thậm chí dành để vui chơi, giải trí. Nhờ máy tính để bàn, người dùng được giải phóng khỏi những đống giấy tờ cồng kềnh, những cuốn album ảnh nặng nề, cuốn sổ tay, danh bạ hay thậm chí cả những cuốn sách dày cộp.

Sự xuất hiện của internet càng khiến máy tính để bàn có thêm nhiều tính năng mới mẻ và tiện dụng như tra cứu thông tin, thư điện tử, trao đổi dữ liệu…

Thời điểm đó, những công ty kinh doanh máy tính và thiết bị văn phòng mọc lên như nấm, doanh số bán máy tính để bàn tăng nhanh. Dù có quy mô nhỏ nhưng thời điểm đó mỗi tháng Công ty CP Công nghệ Song Minh (TP Hải Dương) có thể bán 17-20 bộ máy tính để bàn.

Anh Đinh Ngọc Thanh ở phố Nguyễn Quý Tân (TP Hải Dương) từng làm việc tại bộ phận kỹ thuật của công ty này kể lại: "Ngày đó, chúng tôi không chỉ sửa chữa, bảo dưỡng máy tính cho khách mà còn lắp đặt những bộ máy tính mới, nhiều lúc phải kiêm luôn cả giao hàng. Công việc bận rộn, có thời điểm tối muộn vẫn có khách gọi điện đặt hàng".

Đó là câu chuyện đã lùi vào dĩ vãng. Cùng với Song Minh, rất nhiều công ty máy tính khác như Bạch Đằng, Đại Phát… phải đóng cửa hoặc chuyển hẳn sang kinh doanh sản phẩm thay thế do thị trường ế ẩm. Những người như anh Thanh vốn đã quen với cài phần mềm, lắp ổ cứng cho máy bàn cũng phải học thêm nghề mới để thay đổi công việc.

Thiết bị hiện đại hơn thay thế

Laptop ra đời đánh dấu bước phát triển của các sản phẩm công nghệ cũng là lúc máy tính để bàn dần bị thay thế. Doanh số bán ra của thiết bị này luôn vượt xa so với máy tính để bàn.

Anh Nguyễn Văn Thoại, quản lý ngành công nghệ thông tin và thiết bị di động tại siêu thị điện máy HC Hải Dương (TP Hải Dương) cho biết: Mỗi tháng, siêu thị bán từ 5-10 bộ máy tính để bàn, thường là đơn hàng của công ty trong các khu công nghiệp Đại An, Tân Trường... rất hiếm khách hàng là cá nhân còn mua loại máy này.

Trong khi đó, doanh số bán laptop lại cao hơn gấp từ 6-7 lần, khách hàng rất đa dạng. Thậm chí trước mùa nhập trường của sinh viên, cao điểm siêu thị HC có thể bán ra gần 100 chiếc laptop.

Không khó để bắt gặp người dùng laptop ở bất kỳ đâu, từ trong nhà đến trụ sở làm việc hay quán cà phê. Trên cả hai phương diện giá cả và hiệu quả, laptop có tính cạnh tranh cao hơn so với máy tính để bàn.

Khả năng truy cập internet không dây tại nơi công cộng, sự tiện lợi khi di chuyển là những đặc điểm mà máy tính để bàn không thể đáp ứng. Giai đoạn đầu mới xuất hiện, chi phí để mua một chiếc laptop khá cao, có thể gấp đôi, gấp ba so với máy tính để bàn. Thế nhưng hiện nay, giá laptop không còn quá chênh lệch so với máy tính để bàn.

Công nghệ không ngừng phát triển, dòng máy tính bảng (tablet) đang là đối thủ cạnh tranh không chỉ với máy tính để bàn mà ngay cả laptop. Đặc biệt, tablet nổi tiếng thế giới mang tên iPad ra đời năm 2010 được đánh giá cao về khả năng cạnh tranh với laptop, càng làm cho thị phần máy tính để bàn thu hẹp rõ rệt.

Để duy trì thị phần vốn ít ỏi, các hãng sản xuất máy tính lớn buộc phải tìm cách hạ giá bán sản phẩm, nâng cấp tốc độ xử lý cùng chiến lược "nhỏ hóa" các bộ máy tính để bàn đời mới.

Thêm vào đó, loại máy này có thể hoạt động liên tục cả ngày, thậm chí nhiều ngày liền do có hệ thống xử lý tản nhiệt tốt. Xét về bộ vi xử lý, mặc dù cùng chung tên gọi (như bộ vi xử lý Core i3…) nhưng hiệu năng của máy tính để bàn cao hơn so với laptop. Do bộ vi xử lý của laptop được thiết kế nhằm tiết kiệm điện năng và ít tỏa nhiệt khiến sức mạnh xử lý bị hạn chế.

Giá bán của máy tính để bàn vẫn có phần rẻ hơn laptop, tablet hay các thiết bị di động khác. Đây chính là những đặc điểm sống còn giúp máy tính để bàn tồn tại và được các công ty, cơ quan, trường học hay những trung tâm trò chơi (quán game) ưa chuộng.

Sau hàng chục năm chiếm lĩnh thị trường, máy tính để bàn dần lùi xa trước những thiết bị công nghệ nhỏ gọn, hiện đại như laptop, tablet hay điện thoại thông minh. Dù sức mua giảm sút, khách hàng không còn đa dạng song máy tính để bàn vẫn là sản phẩm công nghệ chưa thể biến mất.

HÀ KIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/thi-truong/am-dam-thi-truong-may-tinh-de-ban-117532