Âm hưởng Điện Biên
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, cái tên Điện Biên Phủ đã như một dấu mốc luôn hiện lên sừng sững mỗi khi nhắc đến. Ai cũng rưng rưng xúc động bởi máu xương của cha anh, của nhân dân đã đổ xuống để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là không thể đo đếm hết được.
Nhà thơ Chính Hữu, trong bài thơ "Giá từng thước đất" đã viết:
Năm mươi sáu ngày đêm mưa dầm pháo giội
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội
Đồng đội ta
là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.
... Khi bạn ta
Lấy thân mình
Đo bước
Chiến hào đi
Ta mới hiểu
Giá từng thước đất...
Từng câu thơ đã trên nửa thế kỷ vẫn luôn găm sâu vào trí óc chúng ta mỗi khi nhắc tới Điện Biên Phủ. Ở đó, tinh thần và ý chí chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, không quản ngại hy sinh, ai cũng sẵn sàng lấy thân mình đo bước chiến hào chính là vẻ đẹp của đoàn quân chính nghĩa đã đem tất cả sức lực và trí tuệ, máu thịt và niềm tin để làm nên chiến thắng lịch sử. Âm hưởng của Điện Biên Phủ tới hôm nay vẫn không một chút suy suyển mà càng được nâng cao trong vị thế mới của dân tộc Việt Nam.
Thật thú vị khi được tiếp xúc với tiểu thuyết "Mùa hoa ban đẹp mãi" của tác giả Nguyễn Thiện Thuật. Ông đã trở về với thế giới của người hiền, nhưng văn chương của ông, các tác phẩm của ông, trong đó có "Mùa hoa ban đẹp mãi" vẫn ở lại, từng trang sách vẫn sống trong lòng bạn đọc. Đó chính là vẻ đẹp của văn chương!
"Mùa hoa ban đẹp mãi" là tiểu thuyết viết trực tiếp về cuộc chiến đấu ở Điện Biên, về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm..". ("Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" - Tố Hữu) chính là khoảnh khắc đặc biệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, nhân dân ta.
Đặt trong bối cảnh ấy, "Mùa hoa ban đẹp mãi" lấy cảm hứng từ cuộc chiến đấu của nhân dân ta, những người dân vừa mới giành quyền độc lập, tự do đã phải dùng súng đạn để chống lại thực dân, đế quốc như lời Bác Hồ kêu gọi trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Lời kêu gọi cũng là lời hịch non sông ấy đã ngấm sâu vào trong trái tim và trí óc của mỗi người chiến sĩ Điện Biên.
"Mùa hoa ban đẹp mãi" luôn tuân thủ lối viết hiện thực. Những câu văn giản dị, chân thành đã tạo dựng môi trường thẩm mỹ của tiểu thuyết, vừa nhất quán vừa đưa ra những thông điệp nhân văn từ cuộc sống chiến đấu vô cùng quả cảm của bộ đội ta ở Điện Biên Phủ. Các trường đoạn trong "Mùa hoa ban đẹp mãi" được liên kết với nhau chặt chẽ theo diễn biến gay cấn, quyết liệt, căng thẳng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Không khí có lúc như đông đặc lại trong các trận đánh quyết liệt, giành giật từng tấc chiến hào.
Nổi bật nhất là tinh thần chiến đấu ngoan cường và sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, vì Tổ quốc. Các chiến sĩ Điện Biên - "Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt" đã lấy máu xương mình tạc nên tượng đài lịch sử hiện ra bằng xương bằng thịt trong tiểu thuyết của Nguyễn Thiện Thuật. Họ thậm chí lạc quan, tếu táo trước bom đạn mịt mùng và cái chết luôn kề cận. Không khí trong tiểu thuyết chính là không khí của chiến trận với những câu thoại rất tự nhiên:
"Sau khi phổ biến nhiệm vụ cho anh em, Kỳ len lỏi tới từng người. Ngồi cạnh Tuấn, Kỳ hỏi:
- Có cậu nào đau bụng, đau bão gì không? Ăn uống phải cẩn thận nhé!
Tuấn đáp:
- Dạ. Chúng em còn "tốt bụng" lắm anh ạ.
Kỳ mỉm cười:
- Ừ, được. Phải giữ sức khỏe cho tốt. À này Tuấn! Chuẩn bị làm bài thơ cho báo tường nhé!
- Dạ. Em chỉ biết ngâm mấy bài thơ cũ thôi ạ. Làm thơ thì khó lắm...
- Làm ca dao có được không?
- Dạ, em sẽ làm ca dao...".
Cuộc sống đời thường của người lính Điện Biên trước những giờ nổ súng là như thế đấy.
Dấu mốc chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã mở ra những trang sử mới thì không khí trong tiểu thuyết cũng chuyển động mới mẻ nhưng thống nhất giọng văn hiện thực. Những trang nhật ký mà Tuấn viết cho Dung, cho Lan như tiếng reo mừng của trẻ thơ trước chiến thắng lịch sử chính là một dụng công của tác giả đã thi vị hóa đời sống người chiến sĩ sau chiến thắng với những niềm vui bất tận, sự bay bổng, sự lãng mạn đầy chất thơ cũng là những dòng hay nhất trong "Mùa hoa ban đẹp mãi".
Nhà văn Nguyễn Thiện Thuật sinh ngày 12/9/1926, là con thứ sáu trong một gia đình nông dân ở thôn Thọ Bi, xã Tân Hòa, huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư), tỉnh Thái Bình. Là con trai út nên được cha mẹ ưu ái cho đi học ở thị xã Thái Bình. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia cách mạng và trở thành Thanh niên cứu quốc. Ông được cấp trên cử làm cán bộ tuyên truyền vì có khả năng viết lách và có chút vốn tiếng Pháp, 19 tuổi đã thoát ly gia đình lên Hà Nội làm cán bộ của Sở Thông tin Hà Nội, giúp việc cho nhà báo Hồng Lĩnh.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, ông cùng cơ quan sơ tán lên chiến khu hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cùng đơn vị bộ đội về tiếp quản thị trấn Phát Diệm (Ninh Bình), làm công tác vận động bà con công giáo không di cư vào Nam, sau đó chuyển ngành sang Công ty lương thực tỉnh Ninh Bình.
Nhà văn Nguyễn Thiện Thuật từng viết nhiều truyện ngắn và bút ký đã được in chung với các tác giả khác là bạn bè thân thiết cùng thời của ông như Hà Ân, Nguyễn Đức Mưu… trong tập ký "Hạt gạo nghĩa tình" - Nhà xuất bản Hà Nội, 1979. Ông có tập truyện ký được in riêng "Sắn về nhà máy" viết khi đi thực tế ở Vĩnh Phú những năm 1969-1970.
Tài sản lớn nhất mà nhà văn Nguyễn Thiện Thuật để lại còn lưu giữ được là hơn 20 cuốn tiểu thuyết mà ông đã miệt mài viết sau khi nghỉ hưu. Xuất phát từ nguồn tư liệu của cuộc đời qua hai cuộc kháng chiến và tư liệu của các vụ án lớn trong thời bình sau 1975, ông đã cho ra đời nhiều tiểu thuyết hình sự và tiểu thuyết lịch sử, trong đó có tiểu thuyết "Đường đi ra biển" được xuất bản năm 1997 nói về những ngày tháng hào hùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, và đặc biệt là cuốn tiểu thuyết "Mùa hoa ban đẹp mãi" được NXB Quân đội nhân dân ấn hành lần đầu năm 1994, được tái bản lần thứ nhất năm 2004 - năm ông đi xa - và tái bản lần thứ hai này nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
"Mùa hoa ban đẹp mãi" đã tái hiện bối cảnh lịch sử những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những ngày hòa bình đầu tiên sau Hiệp định Giơnevơ, sự hy sinh lớn lao của chiến sĩ và nhân dân, sự kiên trinh và thủy chung của họ khi trở về với cuộc sống hòa bình, đối mặt với bao cám dỗ và khó khăn, lại phải chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới ở phương Nam. Hình ảnh của những anh bộ đội Điện Biên như Tiểu đoàn trưởng Mai Cương, Tiểu đội trưởng Kỳ, các chiến sĩ Tuấn, Minh… đọng lại trong tâm trí người đọc như biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tấm gương chiến đấu hy sinh cao cả vì Tổ quốc và tình yêu vô bờ bến đối với gia đình, người thân và nhân dân.
Càng về những trang viết cuối, "Mùa hoa ban đẹp mãi" càng nhất quán và sẵn sàng trực diện với cả biểu hiện tha hóa đã bắt đầu phát sinh từ lòng tham, sự dao động của một số nhân vật như là một tất yếu trong cuộc sống. Song, những điều đó chỉ là những rạn nứt nhỏ, rồi sẽ mau chóng bị xóa đi bởi sự cao thượng và tấm lòng bao dung của con người bởi công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam vẫn còn đang ở phía trước.
Khi trang viết cuối cùng của "Mùa hoa ban đẹp mãi" khép lại cũng là lúc mở ra một trang mới của người chiến sĩ dưới tán phong lan rừng Trường Sơn hùng vĩ đang chung một trái tim, chung một con đường giải phóng miền Nam.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/am-huong-dien-bien-i729375/