Ấm lạnh nghề giăng câu cá bống sông Đồng Nai

Nghề câu giăng 'lấy lộc sông trả lại... đất liền' trên những khúc sông ở đây có hơn trăm năm nay. Trong đó, lối đánh bắt cá bống 'tập thể' tưởng dễ ăn nhưng khó nhọc trăm bề.

Cũng có người nối nghiệp cha từ lúc 12 tuổi, tảo tần bám nghề cho đến khi mái tóc phong sương như ông Đỗ Văn Hổ (Tư Hổ), 57 tuổi, ở phường Thạnh Phước (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Tất bật theo con nước

Như đã hẹn, khoảng 7g30 sáng, chú Tư Hổ tấp mũi xuồng vào bến cầu đá chỗ quán Làng bưởi Năm Huệ, sát nách cù lao Tân Triều, thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đón chúng tôi.

Do đêm trước mưa lớn, mực nước sông dâng cao thêm vài tấc, làm cho dòng thủy triều ngầu đục tuôn chảy mạnh hơn, bất lợi cho người giăng câu. Cho nên, chú Tư quyết định bơi xuồng đi thăm câu trễ hơn bình thường gần một tiếng. Mỏi mê giở dàn câu đầu gồm 500 lưỡi câu, dài khoảng 600m, chú Tư thu được cỡ 1,2kg cá bống các loại: bống cát (bống tre), bống dừa, bống mú sông.

Ông Tư Hổ ở Tân Uyên, hơn 40 năm ngược xuôi giăng câu cá bống sông.

Ông Tư Hổ ở Tân Uyên, hơn 40 năm ngược xuôi giăng câu cá bống sông.

Lom khom chèo, chống, thăm - gỡ cá mất cỡ một tiếng rưỡi. “Tụi cá bống sông thường đi theo bầy và rất ham ăn. Có khi, một con bống tre cỡ ngón tay út mắc câu rồi, lại bị con bống cát gần nửa cùm tay khác nuốt trọng”, chú Tư rù rì kể giữa những nhịp dầm xao động mặt rạch dưới ánh nắng hồng.

Xong, chú chui vào giữa khoang xuồng giật chiếc máy Honda lướt nhanh một đoạn gần 100m, rồi tấp vào bóng râm, để “làm mồi” lại. Do thường xuyên ngâm nước và rửa phèn chua nên cả mười đầu móng tay cùng đầu móng chân của chú không cái nào còn nguyên vẹn. Tay phải của chú quấn vài vòng dây câu bằng ni lông vào đầu ngón chân trái. Tay trái, lại kéo căng đầu kia cho sợi dây câu không bị rối. Tiếp liền, tay phải thò tay vào chiếc thùng nhựa đựng trùn (giun), thộp cổ từng con một.

Chú thoăn thoắt móc từng đoạn ngắn, trám bít bụng những chiếc lưỡi câu, thân cỡ cây kim may áo, hình chữ L, có cái đuôi dựng đứng và nhô ra một mảnh răng cưa mọc ngược sắc nhọn. Rít vài hơi thuốc lá bình dân, chú Tư cảm thấy ấm người và tươi tỉnh hơn. Nhờ vậy, bao chuyện thăng trầm về xóm ngư phủ sống dựa vào mấy khúc sông Đồng Nai uốn lượn được chú cởi mở dạt dào hơn.

Rụng dần xóm câu giăng

“Làm nghề này, ghét nhất là tụi chích điện, cào điện”, chú gằn giọng. Và hễ chưa thăm đến lưỡi cuối cùng thì vẫn còn hy vọng. Có lần, chú từng vuột tay một “cụ” cá tra dầu, mình lớn gần bằng miệng khạp loại trung, nặng không dưới 250kg, khi đang giăng câu tôm càng xanh đoạn gần đình Tân Uyên. Và mùa nắng, đám cá bống thường ăn câu mạnh hơn mùa mưa. Do mực nước sông cạn hơn, chúng cũng ít có thức ăn dặm hơn mùa mưa, nên luôn đói mồi.

Với lại, tỷ lệ cá lớn cũng nhiều hơn. Có hôm, trúng mánh, chú gỡ được cả chục ký cá bống đủ loại.

Mùa mưa, ít có cá bống lớn mắc câu hơn mùa nắng.

Mùa mưa, ít có cá bống lớn mắc câu hơn mùa nắng.

Tuy nhiên, mùa nắng chạy đi kiếm trùn ruộng cực hơn nhiều. “Phải bòn mót từng con nhỏ. Có bữa, chủ nhà hàng hối thúc giao cá vài ba bận, nhưng gom chưa đủ mồi, đành chịu trận!”, chú Tư nhăn mặt kể. Do vậy, mùa nắng chú “vô tiền” cỡ nửa tháng, còn sa mưa thì được 20 ngày/tháng. Thu nhập vô chừng. Có bữa vài ba ký, có hôm gần cả chục ký. Giá bán sỉ: 120.000 đồng/kg.

“Hễ có cá, mình vừa kéo lưới lên đã nghe giật đều tay. Giật nghe tăng tăng - nhẹ hơn tôm càng xanh. Còn tụi tôm ăn câu, búng nước mạnh hơn, nghe bựt bựt”, chú phả tiếp một làn khói trắng đậm, hào hứng chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của chú Tư, những đoạn sông chảy qua hàng quán thường có cá tôm tụ tập nhiều hơn, để “hưởng xái” thức ăn thừa do con người hất xuống. Cho nên, chọn giăng câu quanh đó dễ tóm chúng hơn. Và nay theo nhận định của chú, so với mười năm trước, trữ lượng cá tôm sông Đồng Nai từ mười phần đã giảm mạnh còn cỡ ba, bốn phần. “Hồi xáng cạp mới vét con rạch này, tui gặp cá bống cát lớn cỡ cổ tay, như con lóc cửng là chuyện thường. Cân 3 con đã dư một ký, thấy mà ham!”, ánh mắt chú vụt sáng khi kể về thời cá bống dừa cụ đớp mồi làm dân nhát gan phải giật mình, khoảng chục năm trước. “Còn nay, phải bòn mót từ 35 - 60 con “bống mén” mới được một ký, thấy phát mệt”, chú không nén nổi tiếng thở dài. Thời hưng thịnh của nghề câu giăng, hơn chục năm trước, xóm của chú có đến 30 chiếc xuồng câu. Nay, rụng dần còn 9 chiếc (kiểu xuồng vườn, “gốc gác” miệt Cần Thơ).

Tuy theo nghề hơn 40 năm, đến nay vợ chồng chú vẫn còn ở trong ngôi nhà tình nghĩa. Và được biết, những người bạn đồng câu một thời của chú, cũng không khá hơn là bao. Cho nên, cả hai người con của chú thà đi làm công nhân, chứ không theo nghiệp câu thời câu vận của cha mình.

Lúc này, dòng nước đục phớt xanh đã chảy lừ đừ, sắp “đứng” lần hai. Sợ không kịp con nước, chú Tư hối hả lái chiếc xuồng máy đuôi tôm chạy đi bủa câu. Rồi chú quay đầu xuồng lại, chạy gần 1km sông, dò tìm đường câu thứ nhì. Đường này, cá bống dính khá hơn, nhưng tỷ lệ cá nhỏ cũng nhiều hơn. Thỉnh thoảng, chú bặm môi, gồng người kéo lên cả những nhánh cây tạp mục bằng cổ tay người lớn. “Mấy thứ này là chuyện bình thường, có khi tui còn câu dính cả đồ lót người lớn nữa kìa. Nhiều người bây giờ, coi sông rạch là xe đổ rác miễn phí”, chú lắc đầu phàn nàn.

Và cũng may, khúc rạch này có nước ra - vô hai chiều, nên không bị ô nhiễm như một số con rạch khác ở Đồng Nai.

Thoăn thoắt móc mồi câu.

Thoăn thoắt móc mồi câu.

Hễ chỗ nào ô nhiễm thì tụi cá bống sẽ không chịu ở. Gần 12 giờ trưa, chú uể oải tấp mũi xuồng vào bếp quen giao cá cho ông Năm Huệ. Tổng cộng được 2,8kg. Trừ chi phí ăn uống và tiền đổ xăng, chú bỏ túi cỡ 240.000 đồng. Bữa đó, chú thức dậy soạn mồi câu từ 3 giờ sáng cho kịp con nước. Đứng dựa thành lan can những chiếc sà lan “hết thời” mà còn vững chải, đã được thiết kế thành quán ăn nổi của ông Năm Huệ, không ít du khách thích thú chụp ảnh cảnh chú Tư khòm lưng rướn người thăm câu hoặc chậm rãi bơi xuồng lướt ngang quán.

Con bống có võ “gồng”?

Rồi họ háo hức gọi ngay các món cá bống sông kho tộ hoặc dĩa cá chiên vàng, loại phơi gần hai nắng. Do họ nghe nhân viên phục vụ ở đây rỉ tai: “Chỗ ông Năm, chuyên “bao mua” cá bống của ông giăng câu đó!”

Còn chú Tư lại gãi đầu cười gượng, khi nghe chúng tôi mời lên chiếc sà lan quen thuộc ấy dùng một bữa trưa thay lời cảm ơn. “Mặc quần đùi, người lem luốc quá nên tui ngại lắm!”, chú từ chối ngay. Chú chào kiểu “nhà binh” rồi đẩy vội mái dầm, hướng xuồng de ra dòng nước đang giật ròng mạnh.

Bữa nay, gặp toàn “bống mén”.

Bữa nay, gặp toàn “bống mén”.

Quay lại mâm cơm bình dị, có mấy con bống trứng đang cong đuôi, ửng hồng “vóc dáng” đợi chờ. Khi những đũa thịt cá trắng hồng, sánh đôi cùng nhúm rau vườn thập cẩm theo mùa vừa giòn mát vừa chan hòa chua - chát, rồi nhào lộn trong dòng suối dịch vị liền thăng hoa nên cung bậc ngọt bùi, mượt mà. Thử hỏi, bí quyết nằm ở đâu? Phải chăng, theo kinh nghiệm dân gian: “bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”? Tất nhiên, phải có ít hương hoa nhóm gia vị trợ tiêu, kích thích thèm ăn ấy rồi. Nhưng vẫn chưa phải là “bí kíp” để biến đám bống cát, bống tre lem luốc trở nên thơm ngon đến vét nồi được.

“Phải trở sống dao phay, dần đều cho con cá bầm dập hết mình mẩy, lúc mần cá. Làm vậy, thịt cá sẽ thêm săn chắc và mau thấm gia vị khi kho”, mẹ tôi từng dạy các chị như vậy. Bởi các loại cá bống sông vừa kể, vẫn sống khỏe ở hai môi trường nước lợ và ngọt. Riêng trong vùng nước chè hai, thịt cá luôn chắc và thơm hơn. Thế nên, nhiều bà nội trợ đảm miệt Gò Công, Cần Giờ, Cần Đước vẫn rành mẹo bắt “tụi” bống “học võ gồng” trước khi mang ướp kho “quéo”.

Đến đây, lại vỡ lẽ một nghĩa phái sinh sâu sắc từ câu ca dao đầu đời vừa nêu: muốn hưởng ngọt bùi, phải gồng mình nếm trải đắng cay trước đã!

Bài và ảnh: Tấn Tới

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/am-lanh-nghe-giang-cau-ca-bong-song-dong-nai-19411.html