'Ấm lạnh pháp đình': Tiếng lòng của người luật sư
Làm thơ, viết văn về tình yêu, cuộc sống sao cho hay, sâu sắc đã khó. Nhưng làm thơ về nghề luật sư, hiện nay, có lẽ mới chỉ duy nhất 'Ấm lạnh pháp đình' của tác giả Nguyễn Minh Tâm. Toàn bộ tập thơ là tâm tình, cảm xúc sâu sắc của một thi nhân đang giãi bày các câu chuyện đậm tính nhân văn trong chốn pháp đình.
Hồn thơ nảy nở giữa chốn tụng đình
Nguyễn Minh Tâm nguyên Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư là một trong những luật sư và nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam. Ông được nhiều độc giả biết đến với các tập thơ như Lời ru thầm (2005), Tóc đất (2006). “Ấm lạnh pháp đình” là tập thơ thứ ba được xuất bản của luật sư Nguyễn Minh Tâm, đã gây được tiếng vang trong văn đàn Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm chia sẻ, ông vốn là người đam mê văn chương, nghệ thuật, nhưng vô tình “gặp gỡ” ngành luật. Đến với khoa Pháp lý, của Đại học Tổng hợp Hà Nội cách đây 47 năm, đối với ông là một cái duyên. Cơ duyên đó đã đưa ông đi theo ngành luật trong gần 50 năm cuộc đời và chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn.
Thơ và luật pháp giúp ông cân bằng cuộc sống. Thơ cho ông thấy vẻ đẹp, giá trị nhân văn, nhân đạo và tình yêu thương con người. Còn luật pháp là mặt lý trí, đạo lý, quy tắc nên sẽ có sự nghiêm minh, khô khan. Sau những “ấm lạnh” nơi pháp đình, ông quay trở về với gia đình, giãi bày cảm xúc thông qua các vần thơ “Mải mê với đống hồ sơ/Suốt ngày quên mất nàng thơ của mình/ Nàng buồn nên cứ lặng thinh/ Thơ ơi, ta chẳng vô tình thế đâu”.
Tập thơ “Ấm lạnh pháp đình” ngay từ tiêu đề đã có hai mặt đối lập ấm và lạnh, biểu thị cho tình yêu thương và trách nhiệm của những người làm trong ngành luật.
Phần Lạnh là lý trí, sự tỉnh táo của các luật sư, kiểm sát viên, điều tra viên. Đó cũng là sự khắc nghiệt, nghiêm minh của pháp luật đối với thân phận con người.
Còn phần Ấm là tình cảm của những người thực thi pháp luật, như luật sư, nhà thơ Nguyễn Minh Tâm đã xúc động chia sẻ, mỗi người đều xứng đáng được hưởng sự nồng ấm tình người của đạo lý, của chính những người thi hành pháp luật.
Tập thơ “Ấm lạnh pháp đình” là hành trình đi đến công lý của người luật sư. Mở đầu với bài thơ “Tìm” với mong muốn giữ gìn công lý của mỗi người hành nghề luật. Kết thúc là bài thơ “Vầng trăng” như một biểu tượng cho khát vọng về xã hội công bình, hạnh phúc dành cho người dân, mà mỗi luật sư hướng đến.
Trong bài “Tự vấn”, ông thảng thốt "Phiên tòa ở ngoài đời /Bị cáo đứng trước vành móng ngựa/ Khi phiên tòa lương tâm đã mở/Không biết bị cáo mình sẽ đứng ở đâu".
104 bài thơ trong tập “Ấm lạnh pháp đình”, là những rung cảm mãnh liệt của luật sư Nguyễn Minh Tâm thông qua chính câu chuyện có thực trong tố tụng. Đó là hơi “ấm” của người luật sư, của đương sự, như bài thơ có tên “Em xin”, tác giả Nguyễn Minh Tâm đã thay mặt người vợ xin được đoàn tụ trong một phiên tòa ly hôn. Bài thơ cất lên tiếng thổn thức của vợ với người chồng tàn tật, mong muốn anh sẽ quay trở về bên gia đình. Tình yêu thương ấy đã tác động mạnh đến luật sư Minh Tâm, để ông viết ra những vần thơ “Nào ngờ chỉ một thoáng qua/ Tai bay vạ gió anh ra phế tàn/Sợ em gánh nặng giữa đàng/ Thương em, anh mới vội vàng ly hôn?”.
Người luật sư đau đáu với nghề
Luật sư PGS.TS Chu Hồng Thanh chia sẻ: “Tôi đã may mắn được nghe luật sư, nhà thơ Nguyễn Minh Tâm đọc thơ nhiều lần, nhưng tôi chưa bao giờ chán mà luôn tự hào khi được nghe. Không chỉ bởi chất thơ điêu luyện, chất nghề nghiệp sâu sắc, mà chính con người Nguyễn Minh Tâm – người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho nghề luật”.
Giống như nhà văn Nguyễn Tuân đã định nghĩa về người nghệ sĩ không cứ là những người làm thơ, viết văn mà cả người làm nghề chẳng mấy liên quan tới nghệ thuật cũng được coi là nghệ sĩ, nếu việc làm của họ đạt đến trình độ tinh vi và siêu phàm.
Nhà thơ, luật sư Nguyễn Minh Tâm đạt được cả hai yếu tố trên, ông vừa có khả năng cảm thụ nghệ thuật, lại vừa đạt đến “trình độ điêu luyện” trong chính công việc của mình. Vì vậy, những vần thơ của tác giả Nguyễn Minh Tâm, là sự hòa trộn hài hòa giữa chốn pháp đình và vẻ đẹp ngôn từ.
Điều này, bắt nguồn từ chính quan niệm của luật sư Nguyễn Minh Tâm về công việc: “Muốn trở thành luật sư thực sự, đúng như lương tâm thì phải giữ được đạo đức nghề nghiệp”, Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho biết, nghề luật dạy cho mỗi luật sư cách làm người. Đa số những luật sư bị kỷ luật, phần lớn đều do vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đau đớn nhất của người luật sư, là khiến cho các thân chủ của mình mất niềm tin. Mỗi khách hàng tìm đến luật sư với hy vọng, mong ước tốt đẹp, nhưng họ lại phản bội lại bởi chính người mình tin tưởng nhất.
Đối với luật sư Nguyễn Minh Tâm, một luật sư giỏi, nghĩa là có uy tín, được mọi người kính nể vì kiến thức sâu sắc, kỹ năng điêu luyện. Nhưng hơn cả, đó là thái độ, cách hành xử của luật sư, họ phải tôn trọng các điều tra viên, tất cả các chủ thể, thẩm phán và những bộ luật.
Đặc biệt, với ngành thẩm phán, đạo đức lại càng được nhấn mạnh. Vì một thẩm phán không phải là đại diện cá nhân, mà cho chính quyền lực của Nhà nước: “Nhà nước đã trao cho thẩm phán quyền lực, thì họ phải sử dụng để tạo nên sự công bằng, khiến cho công lý được hiển hiện trong các bản án”. Những vị thẩm phán nhân danh quyền lực nhà nước, sẽ phải gạt bỏ được cái cá nhân khi xử án: “Nếu một thẩm phán làm mất uy tín, đó là uy tín của nhà nước và hơn cả là uy tín với nhân dân”.
Chính vì vậy, đạo đức là một phần không thể thiếu trong ngành Tư pháp, một luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên giỏi,… là người giữ được cái đầu lạnh và trái tim nóng. Để họ không đi vào “bến mê”, như những vần thơ: “Chỉ cần tâm sáng đầu trong/ Là câu hỏi sẽ hết lòng vòng thôi/ Mọi người ai cũng thấy rồi”.
Tối 10/4, Tọa đàm “Ấm lạnh pháp đình” – Một cách nhìn về nghề luật qua lăng kính thơ, được tổ chức tại khoa Luật Hiến pháp & Luật Hành chính, Trường Đại học Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Với diễn giả chính là luật sư, nhà thơ Nguyễn Minh Tâm tác giả cuốn “Ấm lạnh pháp đình”, mục đích của tọa đàm hướng đến các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên của Khoa nói riêng và của Trường Đại học Luật nói chung được lắng nghe những chia sẻ về nghề luật qua lăng kính thơ, qua đó góp phần xây dựng, hình thành những giá trị tốt đẹp và nhân văn của nghề luật.