Ấm lòng bóng sắc phục giúp người về bản quán

Những ngày qua, có hàng chục vạn người từ các tỉnh phía Nam đội nắng đội mưa trở về quê sau nhiều tháng khó khăn do giãn cách. Trong những đoàn người đó, có cả những cụ già 70-80 tuổi mong được gửi nắm xương nơi quê nhà, có cháu bé còn đỏ hỏn được mẹ bế trên tay, có phụ nữ chuẩn bị đến kỳ sinh nở...

Với mong muốn giúp người dân có chuyến hồi hương an toàn nhất, lực lượng Công an, nhất là cán bộ chiến sĩ CSGT các tỉnh, thành dọc tuyến quốc lộ 1A dường như không ngủ.

Chuyện cảm động dọc đường

Tối 6-10, tại chốt kiểm soát của thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, đoạn giáp ranh tỉnh Long An, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Trạm CSGT thị trấn Tân Túc đang làm việc thì thấy một cụ bà lưng đã còng rạp, chậm chạp đẩy chiếc xe nôi chất đầy đồ đạc lóc cóc đi trên đường. Thấy vậy, CBCS đã mời bà vào chốt nghỉ ngơi. Bà Ớt cho biết mình vào TP Hồ Chí Minh thăm cháu ngoại, không may bị kẹt lại hơn 4 tháng không thể trở về nhà. Nay nghe tin chồng trở bệnh nặng, bà quyết khăn gói lên đường về quê. được một người quen cho chiếc xe nôi cũ, bà chất toàn bộ "gia tài" của mình rồi lên đường. Trước đó, các con bà cũng đã đăng ký xe 0 đồng cho bà về quê nhưng vẫn chưa có suất. Do không muốn làm phiền các con, bà Ớt nói dối là mình đi xe đò về quê. Bà chia sẻ: "Bây giờ tôi ăn cơm không nổi, đường có xa gấp mấy tôi cũng phải về, ông nhà đang đợi tôi". Ánh mắt bà buồn rười rượi nhìn theo từng chiếc xe đang hướng về miền Tây.

Công an TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân về quê.

Để bảo đảm an toàn và giữ sức khỏe cho bà cụ, Trạm CSGT thị trấn Tân Túc đã phân công lực lượng tìm xe hỗ trợ. Khoảng 20 giờ cùng ngày, xe tải của anh Lê Hoàng Sơn đang di chuyển về tỉnh Đồng Tháp đồng ý chở bà Ớt về quê. Bà Ớt được dìu lên xe tải, chiếc xe nôi chở đồ đạc của bà được các chiến sĩ khiêng lên thùng xe. Bà xúc động: "Tôi mừng lắm, cuối cùng cũng có xe đưa về, nếu tôi đi bộ thì không biết bao giờ mới về gặp được ông nhà, cảm ơn mọi người rất nhiều”. Nhìn theo chiếc xe chở bà Ớt đi xa dần rồi khuất trong đêm, CBCS Trạm CSGT thị trấn Tân Túc mới yên tâm tiếp tục nhiệm vụ của mình.

Được biết, mấy tháng qua, CBCS CSGT Công an TP Hồ Chí Minh cùng các lực lượng khác của thành phố không ai được nghỉ ngơi, cũng không ai về nhà bởi công tác chống dịch của thành phố vẫn còn bộn bề. Cuộc sống của các anh gắn với các chốt trực. Hằng ngày, các cán bộ chia ca trực, ai không làm nhiệm vụ thì nghỉ ngơi tại chỗ hoặc tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người dân. Đặc biệt, những ngày gần đây, khi thành phố nới lỏng giãn cách, người dân ồ ạt về quê thì công việc của CBCS CSGT càng vất vả hơn bởi vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa nỗ lực tối đa để hỗ trợ, giúp đỡ bà con về tới nhà an toàn. Bên cạnh đó, CBCS CSGT Công an TP Hồ Chí Minh còn đóng góp tiền lương mua thực phẩm, nước uống tặng bà con, giúp họ vơi đi phần nào vất vả trên hành trình dài.

Ở Đắk Nông - một trong những tỉnh Tây Nguyên - những ngày qua cũng có hàng vạn người dân về quê tự phát bằng xe máy. Hầu hết những công dân này là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Để bảo đảm an toàn giao thông và an toàn về phòng, chống dịch, lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng lực lượng CSGT công an các tỉnh và công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đón và dẫn đường cho người dân đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về các tỉnh Tây Nguyên triển khai các phương án, bố trí trí lực lượng tại các vị trí trọng điểm, bảo đảm an toàn giao thông được thông suốt, không để ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh...

Chốt kiểm soát dịch COVID tại Cai Chanh, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp vào lúc 9h tối, mưa rất to, người dân đi xe máy chở theo hành lý ướt đẫm, nhiều gia đình chở theo con nhỏ và hành lý cồng kềnh, vượt chặng đường dài, nhìn ai cũng phờ phạc, mệt mỏi. Thấu hiểu được khó khăn, vất vả của họ, CSGT đã cùng các nhà hảo tâm chuẩn bị hơn 2.000 phần ăn, nước uống, mỗi phần gồm: bánh mì, bánh bao, trứng, sữa, nước suối cấp phát.

Tại chốt kiểm soát, CSGT Công an tỉnh Đắk Nông, Công an huyện Đắk R’lấp cùng lực lượng chức năng tiến hành rà soát phân luồng người dân theo khu vực cư trú và khai báo y tế. Trong số công dân trở về, phần đông cư trú tại tỉnh Đắk Lắk. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng tiến hành lập danh sách người dân theo từng tỉnh, liên lạc với địa phương để bàn phương án hỗ trợ đưa người dân về, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Quảng Ngãi, tối 6-10, chị Đinh Thị Phương Anh cùng chồng là Phạm Văn Quyết, con gái, mẹ chồng và em chồng dừng chân bên hiên nhà dân ở đường tránh TP Quảng Ngãi bởi chị Phương Anh chuyển dạ, đau bụng dữ dội. Chị mang thai gần 35 tuần tuổi, do dịch bệnh, thiếu thốn nên hai vợ chồng cùng con nhỏ 3 tuổi đi suốt 3 ngày đêm từ TP Hồ Chí Minh về Thanh Hóa nhưng đến Quảng Ngãi thì kiệt sức và chuyển dạ. Anh Quyết chạy đi tìm người giúp đỡ, rất may được tổ CSGT gần đấy đưa chị Phương Anh đi bệnh viện, các bác sĩ giúp chị sinh nở an toàn.

Hiện, các nhóm thiện nguyện ở Quảng Ngãi đã sắp xếp chỗ ở cho gia đình anh để đợi chị Phương Anh xuất viện. “Chúng tôi nghĩ sẽ ở ngoài đường thôi chứ không biết đi đâu, may có các anh công an, chính quyền phường và nhóm tình nguyện sắp xếp chuyển đồ đạc chúng tôi về nhà trọ ở chờ các con”, bà Lê Thị Bảy - mẹ anh Quyết rưng rưng.

CSTG tỉnh Thanh Hóa tổ chức đón, đưa người dân qua địa bàn.

“Phá lệ” đưa công dân trở về

Hầm Hải Vân nối giữa Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế những ngày này “phá lệ” mở cửa để bà con đi xe máy được qua an toàn mà không phải vượt đèo dốc nguy hiểm. Đây là lần đầu tiên hầm Hải Vân cho xe máy của người dân lưu thông. Nhận định việc này khá nguy hiểm nên CSGT Công an TP Đà Nẵng đã tập trung lực lượng, bám tuyến, hỗ trợ người dân, dẫn đoàn để hành trình của người dân được thuận tiện, an toàn.

Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết ngoài túc trực ngày đêm tại hầm để dẫn đoàn, đưa người dân đi xe máy an toàn qua địa bàn Đà Nẵng, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng thực hiện trung chuyển người đi bộ từ các tỉnh phía Nam về quê ngang qua thành phố. Chỉ trong 2 ngày, CSGT Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức 38 chuyến ô tô đưa 1.130 người từ chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Quảng Nam ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc và bàn giao về chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trong những ngày qua, tại chốt kiểm soát liên ngành khe Nước Lạnh, thuộc thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa - nơi giáp ranh với tỉnh Nghệ An, CBCS Công an Thanh Hóa, đặc biệt là CBCS Trạm CSGT quốc lộ 1A bám trụ địa bàn 24/24 giờ để phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm soát dịch tễ, thông báo tới các địa phương trong tỉnh đón, tiếp nhận công dân về địa phương, đưa những người ở các tỉnh khác đi qua địa bàn an toàn. Là phụ nữ nhưng những ngày qua, Trung tá Lường Thanh Quyết, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, hướng dẫn điều tra, giải quyết TNGT, Phòng CSGT Công an Thanh Hóa cùng các đồng đội bám trụ tại địa bàn từ mờ sáng đến đêm. Trời mưa, rét, mệt mỏi nhưng ai nấy đều cố gắng làm hết sức mình giúp đỡ bà con. Người thì cùng các nhà thiện nguyện phát đồ ăn, thức uống, người trợ giúp sửa xe, người thì dẫn đoàn, đưa bà con qua địa bàn an toàn.

“Thương lắm chị ạ, thương nhất là trong đoàn đi bộ có cặp vợ chồng người Phù Yên, Sơn La mới sinh con được 12 ngày tuổi, người mẹ ốm yếu, đứa con nhỏ nằm lọt thỏm trong lòng mẹ. Người vợ không hiểu tiếng Kinh hoặc mệt quá nên không trả lời được, khi chúng em hỏi, chị ấy chỉ nhìn, không giúp được gì nhiều, cán cán bộ trực chốt và nhà thiện nguyện giúp đồ ăn, quần áo khô để chị ấy thay và chút tiền, đưa chị lên xe ô tô để đỡ vất vả” - Trung tá Lường Thanh Quyết cho biết.

Cũng như đồng đội của mình, suốt mấy ngày qua, Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng Phòng CSGT Công an Thanh Hóa cũng từ sáng đến đêm muộn đón xe từ Nghệ An đến, điều phối xe, sắp xếp đoàn người, tách số người Thanh Hóa ra riêng để kê khai y tế, test và báo cho CDC các huyện đón về. Còn số người ngoài tỉnh thì xếp ô tô tải cho số xe hỏng, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ và có xe CSGT dẫn đường cho số xe máy đi an toàn qua địa bàn tỉnh, bàn giao cho CSGT Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam đón ngoài dốc Xây. Đêm 7-10, anh em vừa chuẩn bị ăn cơm thì điện thoại từ Phòng CSGT Nghệ An báo chuẩn bị đón đoàn người đi bộ qua địa bàn. Mỗi người xúc vội vài thìa cơm rồi ra địa bàn để chuẩn bị đón đoàn. Theo đề xuất, chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau, hàng chục xe khách của các công ty xe khách được điều đến, đưa người dân cùng đồ đạc về quê.

Dọc đường về quê, người dân được CSGT các địa phương hỗ trợ, giúp đỡ.

Từ ngày 4 đến sáng 7-10, chốt kiểm soát liên ngành khe Nước Lạnh đã tổ chức tiếp đón, dẫn 5.694 công dân từ các tỉnh phía Nam hồi hương qua địa bàn tỉnh, trong đó có 885 công dân Thanh Hóa. Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Phòng CSGT, Công an Thanh Hóa, lực lượng trực chốt liên ngành tại khe Nước Lạnh và Sở Giao thông - Vận tải điều động, trưng dụng 18 xe ô tô chở người san tải, test nhanh và giám sát dịch tễ, tổ chức đón, dẫn đường và cấp phát nước uống, bánh mì, sữa tươi và nhu yếu phẩm khác phục vụ người dân về quê an toàn.

Tại Hà Nội, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: Phòng CSGT đã chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với Phòng CSGT Công an các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Phú Thọ để hỗ trợ số công dân trở về các tỉnh phía Đông Bắc, Tây Bắc đi qua địa bàn Hà Nội. Ở chốt cửa ngõ phía Nam, nơi tập trung phần lớn người dân ở các địa phương như TP Hồ Chí Minh và miền Nam đổ dồn về các tỉnh phía Tây Bắc, Đông Bắc, Thiếu tá Phùng Quang Hưng, Đội phó Đội CSGT số 14, cho biết, chốt chống dịch đã tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19, hỗ trợ tối đa về lương thực, thực phẩm, xăng dầu. Để đảm bảo an toàn, tổ công tác còn bố trí một tốp dẫn đường, khóa đuôi đoàn xe, đưa đoàn người về cầu Trung Hà sang đất Phú Thọ an toàn.

Tại chốt kiểm soát số 1 ở ngã ba Cầu Giẽ, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Đội phó Đội CSGT số 8, Phòng CSGT cùng CBCS trong đơn vị và các lực lượng phối hợp trong hai ngày qua gần như không ngủ. Chỉ trong ngày đầu tiên, có tới hàng trăm người dân đã được CSGT Công an tỉnh Hà Nam đón, dẫn về khu vực tiếp giáp giữa Hà Nội và Hà Nam, đi đến khu vực chốt kiểm soát của đơn vị phụ trách. Đối với những trường hợp người dân không đủ sức khỏe, tổ công tác bố trí xe nâng, xe tải chở giúp phương tiện cho dân, đồng thời mời những người này cùng với phụ nữ, trẻ em lên xe ô tô được các cơ quan chức năng bố trí để tiếp tục hành trình.

Tại các “điểm đích” của hành trình xa nhất gần 2.000km, CSGT Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang... không chỉ nhận nhiệm vụ đón dẫn người dân từ nơi giáp ranh về tỉnh mình, đưa họ về điểm xét nghiệm, phân vùng mà còn đưa những người già yếu, phụ nữ, trẻ em về tận nhà, tạo được niềm tin, yêu, trân trọng của người dân...

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/am-long-bong-sac-phuc-giup-nguoi-ve-ban-quan-i630986/