Ấm lòng những 'bữa cơm cho em' ở bản biệt lập vùng biên
Những đóng góp từ tiền lương và tiêu chuẩn ăn của cán bộ chiến sĩ cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng đã được mang đến cho trẻ em tại các bản biệt lập thuộc xã miền núi vùng biên Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong nhiều năm qua.
Bản Bạch Đàn nằm trên địa bàn xã miền núi vùng biên Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Bản làng này gần như biệt lập so với trung tâm xã. Theo đường chim bay, khoảng cách chỉ khoảng 7-8 km, nhưng do đường vào bản hiểm trở, chông chênh và vòng vèo nên dù gần mà lại hóa xa xôi.
Bản Bạch Đàn có hơn 300 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào Bru – Vân Kiều. Giao thông cách trở, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản vật rừng, nương ngô và ruộng lúa, khiến đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, với địa hình nhiều đồi núi và khe suối, bản làng thường bị chia cắt trong mùa mưa lũ do nước suối dâng cao và sạt lở.
Nơi bản nghèo này hiện có một điểm lẻ của trường mầm non, học sinh phần lớn là con em đồng bào Vân Kiều. Điều kiện sinh sống khó khăn nên điều kiện học tập của các con cũng khó để trọn vẹn.
Biết về điều kiện sinh sống và học tập khó khăn của các cháu học sinh ở bản vùng cao này, từ tháng 10/2014, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy đã phát động chương trình "Bữa cơm cho em".
Hơn 10 năm qua, mỗi tháng 3 lần, những suất ăn trưa của các em học sinh ở điểm trường Bạch Đàn được cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy cẩn thận chuẩn bị. Kinh phí để nấu những suất ăn này được đóng góp từ cán bộ, đảng viên, nhân viên đơn vị và vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn chung tay góp sức. Từ tiền lương và tiêu chuẩn ăn của cán bộ, chiến sĩ, các em học sinh có thêm những bữa ăn ngon và đảm bảo dinh dưỡng.
Từ khi phát động đến nay, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy đã tổ chức hơn 460 bữa cơm cho hàng nghìn lượt học sinh tại nhiều bản làng biên giới thuộc 3 xã Lâm Thủy, Kim Thủy và Ngân Thủy. Mô hình này nhận được sự đánh giá cao từ giáo viên, phụ huynh học sinh và Nhân dân trên địa bàn.
Cô Hà Thị Phương, giáo viên mầm non cắm bản Bạch Đàn cho biết, trong điều kiện học tập và giảng dạy khó khăn, những bữa ăn ngon từ cán bộ, chiến sĩ giúp học sinh có thêm động lực đến lớp.
"Nhờ có cán bộ chiến sĩ hỗ trợ những bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng, việc huy động con em đồng bào đến lớp cũng bớt khó khăn. Hiện điểm trường duy trì sĩ số 100%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm nhiều. Những điều này khiến chúng tôi có thêm động lực bám trường, bám lớp nơi vùng cao này," cô Phương tâm sự.
Thượng tá Trần Văn Ngọc, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy cho biết, nhìn các em học sinh háo hức khi ăn cơm do chính tay các cán bộ, chiến sĩ nấu, trong lòng ai cũng cảm thấy vui.
"Việc cung cấp những bữa ăn không chỉ giúp cải thiện dinh dưỡng và tinh thần hứng khởi cho các em học sinh vùng cao, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của cả cộng đồng, là động lực cho học sinh vùng cao đến trường. Chúng tôi vui mừng khi được đóng góp vào xây dựng môi trường học tập tốt đẹp cho các em nhỏ ở vùng biên giới, nơi mà điều kiện sống đặc biệt khó khăn" Thượng tá Ngọc chia sẻ.
Thượng tá Trần Văn Ngọc cho biết thêm, đơn vị luôn gần gũi, giúp đỡ bà con nhân dân đặc biệt các địa bàn gặp khó khăn. Cùng với hoạt động nấu cơm cho học sinh, từ nhiều năm qua đơn vị phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp tặng đồ dùng học tập, quần áo cùng nhiều món quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn.
Việc làm đầy ý nghĩa của những người lính Cụ Hồ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho các em học sinh vùng cao, giúp các em vững bước đến trường và thắp sáng cho tương lai. Đồng thời, hành động này còn củng cố lòng tin yêu và tình đoàn kết quân - dân ở vùng cao biên giới.