Ấm lòng tuyến đầu chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhiều tổ chức, cá nhân ở huyện Đồng Phú đã vào cuộc chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng chống dịch. 'Bếp cơm 0 đồng' của phụ nữ thị trấn Tân Phú là một địa chỉ như thế. Đỏ lửa suốt hơn 2 tháng qua, bếp cơm đã hỗ trợ hàng ngàn suất ăn miễn phí, động viên các lực lượng tuyến đầu và nhân dân vùng dịch vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đã 2 tháng qua, chị Nguyễn Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Thắng Lợi, thị trấn Tân Phú luôn bận rộn với việc tuyên truyền, động viên người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch và tham gia “Bếp cơm 0 đồng” do Hội LHPN thị trấn tổ chức. Phụ trách việc tiếp nhận, phân loại, chế biến thực phẩm, bảo đảm từ 150-200 suất cơm mỗi buổi với đủ món: xào, mặn và canh… công việc của chị Thủy thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc chiều muộn. Chị Thủy cho biết: Bếp cơm thay đổi thực đơn hằng ngày, với những món ăn đa dạng, được chế biến từ nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ tuyến đầu chống dịch và những người khó khăn trên địa bàn.

Hội viên phụ nữ thị trấn Tân Phú chuẩn bị các suất cơm chuyển đến tuyến đầu chống dịch

Hội viên phụ nữ thị trấn Tân Phú chuẩn bị các suất cơm chuyển đến tuyến đầu chống dịch

Chị Dương Thị Giang, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Tân Phú cho biết: Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Hội LHPN thị trấn Tân Phú đã quy tụ một số chị em thành lập bếp cơm để hỗ trợ lực lượng trực chốt, khu cách ly, khu phong tỏa… trên địa bàn thị trấn. Lúc đầu bếp cơm đặt tại trụ sở Ban CHQS thị trấn, với 3-4 thành viên tham gia, mỗi ngày nấu từ 60-80 suất cơm. Sau khi thị trấn Tân Phú xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng, công tác phun thuốc khử khuẩn, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F1, F2… cần lực lượng đông nên bếp cơm được mở rộng. Hội LHPN thị trấn liên hệ một quán ăn đang tạm thời đóng cửa làm nơi nấu ăn với không gian rộng, dụng cụ chế biến, nấu ăn đầy đủ. Mỗi ngày bếp cơm phục vụ 2 bữa sáng và chiều, với khoảng 200 suất, ngày cao điểm gần 400 suất.

Thấy việc làm ý nghĩa, nhiều người dân trên địa bàn đã tình nguyện tham gia. Nhân lực nhiều hơn, công việc vì thế cũng nhịp nhàng, thuận lợi hơn. Mỗi người một việc, người chế biến thực phẩm, người nhặt rau, chuẩn bị bếp. Người không tham gia trực tiếp nấu thì vận động kinh phí, lương thực, thực phẩm… ai cũng muốn góp một phần công sức chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Đến nay, bếp cơm từ thiện của Hội LHPN thị trấn Tân Phú đã thu hút gần 20 thành viên tham gia và chia làm 3 nhóm thay phiên nhau nấu ăn.

Sau khi nấu, tình nguyện viên chia thành từng hộp rồi chuyển đến các lực lượng. Nhận được suất cơm, anh Hoàng Phước Diên, cán bộ trực chốt tại chợ Đồng Phú cho biết: Trong những ngày trực tại chốt, chúng tôi rất xúc động khi chứng kiến, cứ đúng giờ cơm trưa hoặc chiều tối, dù trời nắng gắt hay mưa dông, các chị tình nguyện viên lại chuyển những suất cơm ấm nóng đến tận tay các lực lượng đang làm nhiệm vụ. Chúng tôi rất cám ơn tấm lòng của các chị.

Để duy trì bếp cơm, hội viên phụ nữ thị trấn Tân Phú còn đi vận động nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ trên tinh thần “ai có gì góp đó”. Bà Dương Thị Lý, ngụ khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú là người luôn nhiệt tình vận động lương thực, thực phẩm hỗ trợ bếp cơm. Bà Lý cho biết: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi người đóng góp một ít công sức để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Thời gian qua, tôi đã vận động hơn 100kg gạo, thịt, đậu hũ. Nhà có vườn rau, tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ khi bếp cơm cần.

Chặng đường chống dịch Covid-19 thời gian qua cho thấy, càng trong khó khăn, tinh thần tương thân, tương ái của người Việt càng tỏa sáng. Dịch bệnh sẽ qua đi nhưng tình yêu thương, lòng nhân ái còn đọng mãi. Bởi, ở cả người trao và người nhận đều chung một quyết tâm đoàn kết, vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh.

Khắc Bảy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/127435/am-long-tuyen-dau-chong-dich