Âm nhạc – Dưỡng chất cần cho thế giới hôm nay
Haruki Murakami là nhà văn Nhật của những cuốn sách bán chạy trên toàn cầu. Nhưng nói vậy thì chỉ đúng một nửa – một nửa mà ai cũng có thể biết. Vào năm 2011, Murakami đã làm một điều vô cùng thú vị khi ông tiết lộ về con người khắc kỷ và đầy khoảng cách của mình với đại chúng thông qua cuốn sách có thể nói là tác phẩm kén người đọc nhất trong sự nghiệp của ông: Bàn về âm nhạc – Haruki Murakami trò chuyện cùng Seiji Ozawa (Phương Nam dịch, Nhã Nam & NXB Dân trí, 2023).Âm nhạc, trong cách nhìn của Murakami, cũng là dưỡng chất cần cho thế giới hôm nay. Nhà văn viết rằng: 'Giống như tình yêu, 'âm nhạc hay' dù nhiều đến mấy cũng không bao giờ là đủ. Bởi trên thế giới còn vô số người cần hấp thụ âm nhạc như nguồn nhiên liệu quan trọng để tiếp thêm khát vọng sống'.
Với người đọc mê đắm thứ văn chương đầy nhạc tính trong những tiểu thuyết hiện đại của Haruki Murakami, có lẽ đa số đã nhận ra nguồn cảm hứng làm nên tác phẩm của ông là nhạc jazz. Thế giới tâm hồn của các nhân vật ông sáng tạo ra xoay quanh quỹ đạo của jazz.
Tình yêu âm nhạc thuần khiết
Đúng như Jay Rubin đã tóm lược trong cuốn sách biên khảo công phu Haruki Murakami và âm nhạc của ngôn từ (Y Khương dịch, Phanbook & NXB Hội nhà văn, 2022): “Murakami sở hữu một quán bar nhạc jazz trong bảy năm trời và không ngừng làm giàu thêm bộ sưu tập có hơn 10.000 đĩa nhạc của mình. Ông vẫn thường xuyên tham dự những buổi hòa nhạc, hoặc nghe nhạc từ các bản thu.
Quả là lạ khi chính ông không trở thành nhạc sĩ – dù theo một cách nào đó, ông đã là nhạc sĩ rồi. Nhịp điệu có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong văn của ông. Nhà văn yêu thích âm nhạc của ngôn từ, và ông cảm nhận sự gắn bó giữa nhịp điệu trong phong cách sáng tác với nhịp điệu của jazz…”.
Nhưng ở đây, cuộc trò chuyện với nhạc trưởng nổi tiếng Seiji Ozawa lại “trình hiện” một Murakami trầm lặng và bay bổng, am tường và kín đáo trong tình yêu nhạc cổ điển.
Ông bày tỏ tình yêu nhạc cổ điển trong lời vào sách rằng, việc nghe jazz đan xen với nhạc cổ điển trở thành nguồn xúc tác hoặc xoa dịu cho trái tim và tâm hồn ông. Và với ông, niềm vui thuần khiết được nghe thứ nhạc hay thì vượt trên vấn đề về dòng nhạc.
Trước một tượng đài, mà hẳn Murakami đã không quá lời khi gọi là maestro – nhạc trưởng thiên tài, như Seiji Ozawa (người đã từng là linh hồn của những dàn nhạc nổi tiếng như dàn nhạc giao hưởng Toronto, San Francisco hay Giám đốc âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng Boston trong 29 năm, sau đó là Giám đốc âm nhạc nhà hát Opera quốc gia Vienna), Murakami giữ một thái độ kính trọng, khiêm cung của kẻ “nghe nhạc nghiệp dư”.
Ông vừa đóng vai người hỏi chuyện âm nhạc nhưng lại vừa là người thưởng thức với những cảm nhận nghệ thuật rất độc lập. Đặc biệt, các cuộc gặp gỡ lại diễn ra vào những năm ông Seiji Ozawa xuống sức sau ca phẫu thuật ung thư thực quản và công việc liên quan tới âm nhạc đang tạm gián đoạn.
Mặc dù rất thần tượng Seiji Ozawa, Haruki Murakami cũng giữ được một tinh thần cởi mở trong cuộc đối thoại bình đẳng giữa người tiếp nhận âm nhạc với người thực hành âm nhạc, giữa một nhà văn coi âm nhạc làm nên nhịp điệu sống còn của văn chương với một nhạc trưởng xem âm nhạc là thứ “tổng phổ” của cuộc đời mình.
“Làm khó” người đọc, có thể nói là như thế, khi Murakami cứ đặt những chiếc đĩa than, CD và băng video vào máy để các bản ghi của Glenn Gould, Leonard Bernstein, Karajan… từ những năm 1960, 1970 trình diễn âm nhạc của Brahms, Beethoven, Schubert… được cất lên đồng thời với những bàn luận thấu đáo giữa ông và nhạc trưởng Ozawa.
Cuộc trò chuyện có khi tạo ra “quan ngại” tới mức nếu độc giả chưa từng nghe các bản ghi âm concerto hay giao hưởng đang được đề cập thì không thể theo dõi được câu chuyện giữa họ, khi họ bình luận ở giây thứ mấy, chương đoạn nào tiếng dương cầm, nhịp nghỉ lấy hơi của nghệ sĩ kèn cor hay tiếng trống chơi mạnh, yếu ra sao.
Chính điều này làm cho những trang sách trở nên thật khác thường, vượt trên bề mặt trang giấy và những câu chữ câm lặng. Những trang sách dường như tạo ra một nhạc – quyển của đam mê, có khả năng truyền tải thanh âm, như kéo người đọc vào một thính phòng để sống trọn vẹn cho âm nhạc.
Những ký ức âm nhạc
Trong sáu lần trò chuyện giữa Haruki Murakami và Seiji Ozawa (về concerto số 3 của Beethoven, về biểu diễn Brahms tại Carnegie Hall, về những chuyện xảy ra trong giới nhạc cổ điển những năm 1960, về trình diễn nhạc Gustav Mahler, về việc phụ trách âm nhạc ở nhà hát Opera hay về việc dạy âm nhạc), thì cuộc gặp thứ tư nói về nhạc Gustav Mahler có thể là cuộc gặp thú vị và truyền cảm hứng nhất, bởi cả hai đã đi sâu vào sự nghiệp phi thường của Mahler, một “lịch sử” thưởng thức và chơi nhạc Mahler từ Đông sang Tây rất sâu sắc.
Có thể ghép những trao đổi của Murakami và Ozawa trở thành một bản tiểu luận hay chuyên đề thú vị, ghi nhận đầy đủ giá trị vượt thời gian, đi trước thời đại của di sản âm nhạc Mahler.
Từ cách khai thác của một người thưởng thức hiểu âm nhạc từ các chiêm nghiệm văn chương, Murakami đã khơi gợi để sự nghiệp của nhạc trưởng Seiji Ozawa được tái hiện đầy những chương đoạn đẹp.
Ký ức về những buổi biểu diễn trong từng thời kỳ, cách nhìn về những người mà Ozawa gọi là thầy như Hideo Saito hay Karajan, từng buổi tập hay hòa nhạc và cả những ngày theo đuổi sự nghiệp âm nhạc trong “nỗi cơ cực giơ nanh vuốt” ở Mỹ và châu Âu của một nhạc trưởng gốc Á… được Ozawa kể lại thật thú vị trong cách dẫn dắt vấn đề tự nhiên và tinh tế của Haruki Murakami.
Cũng như những gì đã thể hiện trong bộ phim Nhạc trưởng Tár (do Todd Field biên kịch, đạo diễn) được giới phê bình đánh giá cao thời gian qua, thế giới nhạc cổ điển trong giai đoạn từ thập niên 1960 đến nay trong câu chuyện của Seiji Ozawa có quá nhiều những nan vấn. Một trong những khó khăn mà âm nhạc hàn lâm giai đoạn này gặp phải là sự phân hóa của những khuynh hướng chơi nhạc, điều này xuất phát từ sự phân hóa, can thiệp của yếu tố chính trị, văn hóa, xã hội vào âm nhạc.
Một thứ âm nhạc thuần khiết, chỉ-là-âm-nhạc, tôn trọng sáng tạo riêng là điều mà người chỉ huy dàn nhạc, người phụ trách âm nhạc của những dàn nhạc theo đuổi. Có những dàn nhạc của những nhạc công tự do và tự phát, thoát ra khỏi mô hình tập trung vì nhiều lý do, trong đó có lý do kinh tế và quản trị trong trình diễn nghệ thuật…
Người đọc cũng thoáng gặp trong cuộc trò chuyện giữa Murakami với Ozawa các tài năng nhạc cổ điển đương thời, vượt trên mọi rào cản của một môi trường văn hóa đang nuông chiều đại chúng. Như về nhạc trưởng, có Gould, Karajan, như Mitsuko Uchida, Peter Serkin…
Qua những tài năng đó, và qua trải nghiệm nghệ thuật cá nhân, trong vai trò nhạc trưởng, Seiji Ozawa nói về sự khổ luyện, việc đọc đi đọc lại tổng phổ để tìm ra một thế giới riêng. Haruki Murakami đã gọi đó là “xây dựng được thế giới của riêng mình và truyền đạt trực tiếp thế giới đó tới người nghe”.
Chính điều này, theo Ozawa, là điểm mấu chốt làm nên tầm vóc nghệ thuật âm nhạc, để phân biệt với thứ “âm nhạc thang máy”.
Nguồn nhiên liệu của khát vọng sống
Trong một chương nói về mối quan hệ văn chương với âm nhạc, ta lại thấy Haruki Murakami trình bày thật sâu sắc trước một Seiji Ozawa tự nhận ít đọc và ít nghiền ngẫm văn chương rằng: “Chẳng ai dạy tôi phương pháp viết văn hay cách viết cả, tôi cũng không học. Thứ quan trọng nhất là gì? Là nhịp điệu. Văn chương mà không có nhịp điệu thì chẳng ai đọc. Tính nhịp điệu nội tại thôi thúc người ta đọc tiếp…
Ông thấy sách hướng dẫn sử dụng máy móc rất khó đọc đúng không? Đó là ví dụ điển hình về văn chương không có nhịp điệu”.
Bàn về âm nhạc – Haruki Murakami trò chuyện cùng Seiji Ozawa là một cuốn sách có nhịp điệu, nhịp điệu của một cuộc đối thoại, dành cho số ít, nhưng nó cho người đọc hiểu điều gì làm nên sức hấp dẫn của những tác phẩm dành cho số đông của Haruki Murakami. Âm nhạc, trong cách nhìn của Murakami, cũng là dưỡng chất cần cho thế giới hôm nay.
Nhà văn viết rằng: “Giống như tình yêu, “âm nhạc hay” dù nhiều đến mấy cũng không bao giờ là đủ. Bởi trên thế giới còn vô số người cần hấp thụ âm nhạc như nguồn nhiên liệu quan trọng để tiếp thêm khát vọng sống”.
Với những người mê say văn chương Haruki Murakami mà không quá am hiểu nhạc cổ điển, cuốn sách này sẽ là một thử thách lớn. Tuy nhiên, đây lại là cuốn sách kỳ lạ, ở chỗ bản thân sự “xa cách” tự thân lại tạo cho những độc giả dù thất bại với việc đọc nó cũng cảm giác sẽ có lúc mình phải chinh phục cho bằng được.
Một ngọn núi ẩn chứa biết bao điều thú vị của cuộc hành trình lớn mãi ban tặng ta những giấc mơ, mặc cho ta ngại ngần về sức vóc bản thân.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/am-nhac-duong-chat-can-cho-the-gioi-hom-nay/