Thành phố xứng tầm là đô thị trung tâm miền non nước

Trải qua thăng trầm của lịch sử, Thành phố hôm nay đã và đang từng ngày đổi mới, phát triển, xứng tầm một đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của non nước Cao Bằng.

Phường Hợp Giang là một vùng đất phì nhiêu, ngày xưa dưới thời phong kiến được gọi là “mục mạ” (bãi cỏ rộng lớn chăn thả ngựa), vùng này được sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “… Nằm về phía Nam tỉnh thành có địa thế phía Nam giáp núi, phía Đông có Hiến Giang, phía Bắc có Bằng Giang và phía Tây có sông Cổn” thuộc châu Thạch Lâm (Hòa An ngày nay).

Nhìn từ trên cao, vùng đất này là một bán đảo, xung quanh có các dòng sông uốn lượn như hình đai bạc. Trước đây, thời kỳ phong kiến, đường đi lại giữa các vùng rất khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu theo đường sông. Với lợi thế là nơi rất thuận tiện cho việc giao thương, nhất là đường thủy, Mục Mạ có đủ điều kiện để làm nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa. Những người dân ở vùng thượng lưu sông Hiến từ khu vực Cao Bắc, Tài Hồ Sìn thuộc Bạch Đằng (Hòa An) xuôi xuống vùng hạ du Hồng Nam, Chu Trinh, Tà Lùng…; đồng thời có thể ngược dòng Bằng Giang lên đến Mục Mạ dễ dàng. Đặc biệt là khu vực trung tâm trấn Cao Bằng (khu vực Cao Bình, Hòa An) xuôi theo dòng Mãng Giang xuống đây. Vì vậy, nơi này sớm trở thành trung tâm thương mại của cả vùng, trên bến, dưới thuyền tấp nập.

Thời kỳ nhà Lê, sau khi tiêu diệt hết dư đảng nhà Mạc vào khoảng năm 1692, triều đình cử quan Hoàng Triều Hoa trấn giữ Cao Bình, thấy được địa thế và vị trí quân sự trọng yếu trong việc bảo vệ khu vực trung tâm nên đã cho rời lỵ sở về thành Mục Mạ (khu vực pháo đài hiện nay). Đến năm Nhâm Tuất 1802, trấn thủ quân Tây Sơn là Hội Vũ Hầu bắt dân binh xây đồn, đắp thành Mục Mạ chống lại quân đối lập từ các châu Bảo Lạc, Thượng Lang, Hạ Lang.

Khi ấy, khu vực ngoại thành Mục Mạ vẫn còn hoang vu, rậm rạp, người dân chủ yếu sống ven khu vực sông Hiến, sông Bằng. Năm 1886, sau khi đánh chiếm Cao Bằng, thực dân Pháp mở rộng khu vực mục mạ xây dựng pháo đài, đồn, bốt và cơ quan hành chính của chính quyền thực dân. Mục Mạ chính thức được đặt là trung tâm hành chính của tỉnh.

Những cư dân được coi là gốc ở vùng đất này là khu vực làng Mục Mạ, phố Lương Mó (thuộc phố Cũ ngày nay), họ quần cư lập lên làng mạc ở khu vực bãi đất ven sông này vì đây là một khu vực đất đai màu mỡ do phù sa của con sông Hiến bồi đắp sau mỗi mùa nước lũ. Và dòng sông luôn là nguồn sống cho con người, nó không chỉ cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, trồng cấy mà nước còn đem lại cho họ nguồn thực phẩm hết sức dồi dào. Khi đó chưa có những cây cầu nối giữa đôi bờ, việc đi lại hoàn toàn phải dùng những chiếc bố, mảng bằng tre. Mỗi ngày chợ hàng trăm chiếc mảng chở nông sản của người dân vùng lân cận xuống tỉnh thành.

Thị xã Cao Bằng (nay là Thành phố) năm 1935. Ảnh: T.L

Thị xã Cao Bằng (nay là Thành phố) năm 1935. Ảnh: T.L

Trước đây, làng Mục Mạ là những con đường làng nhỏ có nhiều lối rẽ xuống bến sông, đây vừa là nơi để lấy nước sinh hoạt cũng là nơi giao lưu hàng hóa vùng sông nước. Vẫn còn những bến nước xưa in sâu trong tiềm thức của người dân Thành phố, gắn với tên đất và người trong khu vực này như: vực Voi, vực Xổ, bến ông Càng, bến bà Nghì, bến Xây, bến Lở...

Càng ngày khu vực phố Mục Mạ càng có nhiều dân cư đến sinh sống, một số ở mạn ngược xuống, một số ở dưới xuôi lên họ sống quây quần trong các xóm nhỏ sống chủ yếu bằng nghề trồng cấy và sông nước. Sau này người Hoa kiều xuất hiện, họ đã có kinh nghiệm trong việc buôn bán và các nghề thủ công như: rèn đúc, làm tương, đậu phụ, hàng ăn... Từ việc giao lưu mà Mục Mạ đã hình thành một cộng đồng dân cư khá đa dạng và mang dáng dấp một khu đô thị. Sự phân bố dân cư được thể hiện khá rõ nét, khu vực mặt phố là các dãy nhà xây có cửa rộng, có gác lửng dùng để giao lưu, buôn bán, còn phía trong là những ngõ phố khá đặc trưng ở vùng đồng bằng, không phải kiến trúc nhà sàn của làng bản người Tày, Nùng.

Một trong những điều dễ nhận thấy là bên cạnh những ngôi miếu thờ thổ công rất đặc trưng của người Việt thì khi các cư dân Hoa kiều đến đây đã tạo ra những nơi để sinh hoạt tín ngưỡng và ngôi chùa phố Cũ được các nhà buôn người Trung Quốc dựng lên để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng, cầu may, cầu lộc. Ngày 23/8/1945, tại nơi đây, Ủy ban khởi nghĩa Thị xã tổ chức mít tinh giành chính quyền ra mắt quần chúng nhân dân, đánh một dấu quan trọng trong lịch sử cách mạng của thị xã Cao Bằng.

Khi thực dân Pháp đặt bộ máy chính quyền ở tỉnh, phố Cũ có thêm nhiều khu nhà của các thương gia, những ông chủ người Việt. Hiện nay, ở phố Cũ vẫn còn ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 theo kiến trúc của Pháp, những ngôi nhà đã gắn bó với chủ nhân của nó từ đời cha ông.

Phố Cũ người xưa mặc dù trải qua nhiều biến cố thời gian, người dân nơi đây vẫn giữ được những nét truyền thống. Cuộc sống hiền hòa, nhẹ nhàng giữa cảnh xô bồ, gấp gáp có lẽ cái tên phố Cũ cũng nói lên sự thuần phác của người dân nơi đây. Từ một con phố ban đầu, dần dần phường Hợp Giang có thêm những làng, khu phố mới... Theo sự phát triển Thành phố có thêm những xã, phường mới. Các tên đường phố được đặt theo tên các danh nhân, tướng lĩnh: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Đình Giong, Hoàng Như, Bế Văn Đàn, Đàm Quang Trung, Nguyễn Du, Hồng Việt, Kim Đồng, Lý Tự Trọng… Hiện có 11 đơn vị hành chính với 8 phường (Hợp Giang, Sông Bằng, Tân Giang, Sông Hiến, Đề Thám, Ngọc Xuân, Duyệt Trung, Hòa Chung) và 3 xã: Chu Trinh, Hưng Đạo, Vĩnh Quang; tổng số 118 tổ dân phố, xóm (trong đó 95 tổ dân phố và 23 xóm).

Một góc thành phố Cao Bằng ngày nay.

Một góc thành phố Cao Bằng ngày nay.

Dẫu rằng cuộc sống có nhiều đổi thay, những ngôi nhà cũ cũng dần mất đi nhường chỗ cho những công trình mới hiện đại, lớp trẻ hôm nay nhiều người không biết đến những bến sông, con ngõ đã gắn lên mình những lớp bụi thời gian. Thành phố ngày càng mở rộng, cảnh sắc nhiều đổi thay nhưng trong lòng mỗi người dân Thị xã xưa dù có đi đâu về đâu vẫn không thể nào quên Mục Mạ xưa - trong lòng thành phố trẻ Cao Bằng.

Ngày 25/9/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ/CP về việc thành lập thành phố Cao Bằng thuộc tỉnh Cao Bằng, đây là một sự kiện mang tính lịch sử của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh. Phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung nguồn lực, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đang phấn đấu thực hiện các mục tiêu xây dựng Thành phố thực sự phát triển bền vững, phát huy tốt chức năng đô thị trung tâm vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Thành phố xác định tiếp tục đẩy mạnh nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, tập trung vào công tác quản lý quy hoạch, nâng cao chất lượng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một đô thị trẻ đang phát triển với vai trò kết nối giữa 3 trung tâm văn hóa, hành chính, thương mại, dịch vụ; công tác quản lý đô thị được chú trọng. Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hầu hết con đường, ngõ phố đang được mở rộng, nâng cấp. Đặc biệt, khu trung tâm hành chính tỉnh được quy hoạch khang trang, hiện đại; đường Võ Nguyên Giáp với 4 làn xe nối liền khu vực trung tâm thương mại, dân cư nội thành với khu hành chính. Hệ thống cây xanh, kè bờ sông, đèn chiếu sáng đô thị, Shops House, khách sạn cao tầng đạt chuẩn được xây dựng tạo nên một nét chấm phá tô điểm cho Thành phố trẻ miền non nước. Thành phố hôm nay đang từng ngày, từng giờ thay đổi để xứng tầm là đô thị trung tâm của một tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và trong xu thế phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việt Hùng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thanh-pho-xung-tam-la-do-thi-trung-tam-mien-non-nuoc-3173609.html