Âm nhạc tác động đến kinh doanh thế nào?
Hình ảnh một doanh nhân hát không có gì xa lạ với nhiều người, tuy nhiên, âm nhạc còn mang lại những lợi ích thiết thực khác cho việc kinh doanh chứ không đơn thuần để 'giải sầu'.
Từ lâu, người ta đã chứng minh được rằng, nếu biết cách liên kết hài hòa giữa âm nhạc (đặc biệt nhạc kinh điển) và tinh thần doanh chủ, doanh nhân sẽ có thêm cảm hứng tìm đến sự đổi mới và những thành tựu mới. Âm nhạc đóng vai trò đắc lực trong thế giới doanh chủ, đem lại con đường riêng cho sáng tạo, động lực và khả năng kết nối.
Giúp doanh nhân “lên tinh thần”
Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche (1844 - 1900) đã khẳng định: “Cuộc sống sẽ là một sai lầm nếu không có âm nhạc”. Dù ở thể loại nào, kinh điển, rock, jazz hay pop ballade, âm nhạc đều chạm tới tâm hồn người nghe, thúc đẩy động lực và truyền cảm hứng, hỗ trợ tư duy cho những nỗ lực kinh doanh. Nhạc rock hay pop sôi động có thể góp phần làm tăng năng lượng, giúp doanh nhân đối đầu với những thử thách, nghịch cảnh thường gặp trong kinh doanh. Trong khi đó, khí nhạc kinh điển, thanh nhạc với ca từ dễ đồng cảm sẽ làm giảm căng thẳng, thúc đẩy thư giãn, giúp lấy lại sự tập trung và nâng cao tinh thần của doanh nhân.
Nếu không chỉ nghe những loại nhạc ấy mà còn tham gia vào việc luyện tập, sáng tác nhạc, doanh nhân sẽ cảm thấy rõ mức độ giảm căng thẳng hơn. Xét về phương diện tâm lý, âm nhạc đã chứng tỏ giúp tập trung hơn, tăng năng suất và giảm mức độ căng thẳng, qua đó, trở thành một công cụ cho doanh nhân khi muốn tối ưu hóa hiệu suất công việc. Đã có nhiều thí nghiệm cho thấy nhạc kinh điển có thể cải thiện hiệu suất trong nhận thức.
Nâng cao khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề
Sáng tạo là một kỹ năng nhận thức quan trọng giúp con người duy trì năng lực. Trong nghiên cứu “Nghe nhạc vui tạo điều kiện cho tư duy khác biệt” (2017, Listening to happy music facilitates divergent thinking), Simone Ritter và Sam Ferguson đã chứng minh rằng, nghe nhạc trong khi làm việc có thể cải thiện tư duy khác biệt gắn liền với tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Từ hơn ba thập niên trước, chúng tôi đã chú ý điều này: Trên bàn làm việc của những doanh nhân, các nhân viên văn phòng tại Đức thường có máy phát nhạc và máy pha cà phê. Trong lúc làm việc họ nghe nhạc không lời và uống cà phê không đường.
Khi thưởng thức âm nhạc, bộ não được kích thích theo những cách độc đáo. Các lĩnh vực khác nhau liên quan đến khả năng sáng tạo sáng lên, khơi dậy trí tưởng tượng. Kết quả là tâm trí dễ dàng tạo ra những ý tưởng mới lạ, đưa chúng ta đến gần các giải pháp mong muốn hơn. Nghiên cứu trên đây đã chỉ ra rằng tư duy sáng tạo là chức năng nhận thức tiềm tàng và việc nghe nhạc có tác dụng kỳ diệu giúp phát huy hiểu biết, sáng tạo từ tiềm thức.
Tư duy sáng tạo không đơn thuần là tài năng bẩm sinh mà chỉ một số ít người mới có được. Tiếc rằng, cho đến nay, việc giáo dục âm nhạc ở nước ta vẫn chỉ chú trọng đến đào tạo nghề “làm ra” nhạc, dạy “biểu diễn” nhạc mà ít chú trọng đến hướng dẫn cách thưởng thức âm nhạc. Có lẽ vì vậy mà tính sáng tạo trong âm nhạc còn nhiều giới hạn.
Giúp nâng cao hiệu suất cá nhân và năng suất làm việc
Ngay từ đầu thế kỷ XIX đã có những bài viết, nghiên cứu về tính năng trị liệu của âm nhạc. Qua đó, chúng ta biết được rằng âm nhạc nâng cao hiệu suất cá nhân bằng cách tăng cường động lực, trí nhớ và cả chức năng miễn dịch. Âm nhạc dạy cho người học tầm quan trọng của kỷ luật và thực hành. Điều hành một doanh nghiệp đòi hỏi sự cống hiến, tinh thần kiên trì cũng như việc cải tiến liên tục và âm nhạc đem lại được những đòi hỏi đó. Nếu doanh nhân quan tâm đến việc học âm nhạc, điều đó có thể giúp họ trở nên ngăn nắp, kỷ luật, kiên nhẫn và biết lắng nghe hơn.
Đối với doanh nhân, không có gì quan trọng hơn việc thấy các nhóm của họ làm việc cùng nhau và mang lại kết quả. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên cân nhắc việc phát những bản nhạc phổ biến quen thuộc với thành viên nhóm trong phòng nghỉ và những bản nhạc sôi động nơi nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ lặp đi lặp lại. Trong không gian làm việc chung, nhạc cổ điển hoặc nhạc cụ được cho là giúp tăng năng suất.
Hỗ trợ xây dựng kết nối
Tuy không chung giới, địa vị xã hội hay dân tộc, chúng ta vẫn có thể nghe và yêu thích chung một loại nhạc, biểu diễn chung trong một sự kiện âm nhạc… Âm nhạc vượt qua các rào cản văn hóa và ngôn ngữ. Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã biết kết hợp âm nhạc vào cuộc sống để xây dựng kết nối, mạng lưới và thúc đẩy các mối quan hệ. Thông qua sở thích âm nhạc chung hay sử dụng nó như một công cụ kết nối, âm nhạc chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội mới và củng cố mối quan hệ nghề nghiệp, kết nối với khách hàng.
Trước hết, âm nhạc có sức mạnh gợi lên cảm xúc và tạo kết nối với khán thính giả. Doanh nhân khai thác sức mạnh này như đòn bẩy trong các cuộc vận động, chiến dịch thương mại, giới thiệu sản phẩm để tạo cho thông điệp kinh doanh có sức thuyết phục lâu dài. Âm nhạc làm con người gần nhau hơn và nuôi dưỡng ý thức cộng đồng. Doanh nhân có thể tổ chức những sự kiện có liên qan đến âm nhạc (những buổi hòa nhạc, lễ hội âm nhạc,…) để tạo ra không gian gắn kết các cá nhân phục vụ cho mục tiêu kinh doanh mà mình đang nhắm tới.
Về kỹ năng giải quyết vấn đề, Ritter và Ferguson cũng đã là
thí nghiệm và ghi nhận: Những người (tham gia thí nghiệm)
nghe loại nhạc ở âm vực cao thành công hơn trong việc giải quyết nhiệm vụ so với những người nghe nhạc có âm vực thấp.
Nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của cao độ đến hiệu suất
thấu hiểu ở những người tham gia thí nghiệm.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/am-nhac-tac-dong-den-kinh-doanh-the-nao-314591.html