Âm nhạc truyền thống của người S'tiêng
Bài cuối:
ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT MÚA
BPO - Trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng S’tiêng, múa không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là cách thức giao tiếp với thiên nhiên, đất đai và tổ tiên. Múa thể hiện cảm xúc, cầu khấn trong nghi lễ và đôi khi kể những câu chuyện qua động tác, âm nhạc và trang phục đặc trưng. Các nhạc cụ như cồng, chiêng, sáo, chập chọe luôn đồng hành trong mỗi điệu múa của người S'tiêng.
Đắm say điệu múa S’tiêng
Múa S’tiêng được chia thành 3 loại chính: múa sinh hoạt, múa lao động và múa tín ngưỡng, mỗi loại mang một ý nghĩa và giá trị riêng. Đặc biệt, các động tác múa dân gian của phụ nữ S’tiêng thường xuất hiện trong lễ hội với sự kết hợp linh hoạt giữa tay, chân và thân thể, qua đó thể hiện tình cảm, tinh thần giao lưu cộng đồng, giúp kết nối mọi người gần nhau hơn.
Múa lao động là nét đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người S’tiêng, phản ánh sinh động nhịp sống lao động gắn bó với núi rừng. Trong quá trình lao động, để quên đi mệt nhọc, họ đã sáng tạo nên những điệu múa mô phỏng động tác sản xuất hằng ngày như múa chọc lỗ, tỉa hạt, múa gùi, múa xà gạc, múa giã gạo… mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người. Tiêu biểu là múa chọc lỗ và tỉa hạt, người biểu diễn dùng chính cây chọc lỗ làm đạo cụ múa, mô phỏng thao tác gieo hạt trên nương rẫy. Theo nghệ nhân Thị Mương ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, múa tỉa hạt có nhiều góc độ cao thấp khác nhau, kết hợp giữa nam chọc lỗ và nữ bỏ hạt tạo thành một điệu múa tập thể sinh động. Đội hình múa thường đi theo hình so le bậc thang, có thể chuyển đổi linh hoạt, phản ánh nhịp sống lao động của người S’tiêng trên nương rẫy.

Múa trong sinh hoạt của người S’tiêng xã Thanh An, huyện Hớn Quản
Ngoài múa mô phỏng trong lao động thì múa sinh hoạt là nét văn hóa đặc sắc của người S’tiêng, thường diễn ra trong các dịp lễ hội, vui chơi cộng đồng. Khi men rượu cần lan tỏa và tiếng cồng, chiêng vang lên, mọi người hòa mình vào những điệu múa dân gian như múa đêm nay lửa sáng, múa mừng đi hội, múa chim cúc cu, múa trống xa gơ…
Khác với múa nghi lễ hay lao động, múa sinh hoạt mang tính tự do, ngẫu hứng. Người múa thể hiện cảm xúc cá nhân qua động tác sáng tạo, không rập khuôn, nhằm giao lưu và tạo không khí vui tươi. Múa thường theo nhịp một hoặc nhịp đôi, giai điệu thay đổi theo nội dung bài hát. Bà Thị Chanh ở xã An Khương, huyện Hớn Quản cho biết, nhiều điệu múa có đông nữ giới tham gia. Một số động tác chịu ảnh hưởng từ múa Khmer nhưng đã được biến tấu phù hợp với phong cách S’tiêng như: chân nhún giật, đi ngang, tay úp mở uyển chuyển theo vòng tròn. Những động tác ấy góp phần tạo nên nét duyên dáng, đậm bản sắc trong múa sinh hoạt của người S’tiêng.

Tiết mục múa bà Bóng kết hợp với đánh trống, cồng, lập là tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh
Bên cạnh múa sinh hoạt mang tính tự do, vui tươi và gắn kết cộng đồng, người S’tiêng còn có loại hình múa tín ngưỡng mang nhiều yếu tố thiêng liêng, đặc biệt phổ biến trong cộng đồng người S’tiêng Bù Dêh. Đây được xem là một trong những biểu hiện đặc sắc nhất của nghệ thuật múa dân gian mang màu sắc tín ngưỡng. Tâm điểm của loại hình múa này là bà Bóng, người đóng vai trò kết nối giữa con người và thế giới thần linh, thay mặt cộng đồng hoặc gia đình dâng lời cầu nguyện, mong ước đến các đấng siêu nhiên. Trong tiếng S’tiêng Bù Dêh, bà Bóng hoặc thầy cúng được gọi là “Mê Prah” hoặc “Gru”, thể hiện sự kính trọng và thiêng hóa đối với người làm nhiệm vụ tâm linh trong nghi lễ.
Cũng giống như hình tượng bà Bóng trong nghi lễ Bóng rỗi của người Việt ở Nam Bộ, bà Bóng S’tiêng mang dáng dấp của một nghệ sĩ - thầy cúng - người trung gian tâm linh. Tuy nhiên, điểm khác biệt nổi bật là bà không “nhập hồn” hay “thoát xác” mà thể hiện sự kết nối với thần linh qua những động tác múa uyển chuyển, nghi thức dâng lễ vật và lời khấn nguyện thiêng liêng, đầy cảm xúc. Không gian nghi lễ bao phủ bởi âm nhạc truyền thống - tiếng cồng vang vọng, tiếng trống rộn ràng, tiếng sáo pi réo rắt - hòa cùng âm thanh lục lạc đeo ở cổ tay, cổ chân của những người phụ nữ tham gia múa. Tất cả tạo nên một bản hòa tấu mang âm hưởng linh thiêng, sống động, vừa cổ kính vừa cuốn hút. Trong không gian ấy, từng động tác của bà Bóng và nhóm múa thấm đẫm tinh thần dân tộc, là sự kết hợp hài hòa giữa niềm tin - nghệ thuật - đời sống tâm linh của người S’tiêng.
Đáng chú ý, hình thức múa của bà Bóng khác nhau giữa các địa phương. Ở các xã Lộc Hòa, Lộc Thuận, Lộc An, Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh), bà Bóng chỉ múa trong các lễ cầu an, tạ ơn, chữa bệnh, tuyệt nhiên không múa trong các lễ mừng cơm mới, cầu mưa. Ngược lại, ở các địa phương như Thanh An, An Khương, Tân Khai (huyện Hớn Quản) hay Thuận Lợi, Đồng Tâm (huyện Đồng Phú), Tiến Thành (TP. Đồng Xoài), bà Bóng cũng tham gia múa trong lễ cúng mừng cơm mới, cầu mưa hay cúng lúa chửa.
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, giảng viên cao cấp Trường đại học Sài Gòn cho biết: “Múa ở huyện Lộc Ninh khác với Hớn Quản. Ở Hớn Quản, múa mang tính nghi lễ, thần khải, có biến tấu như múa con cò. Trong khi đó, múa ở Lộc Ninh lại đậm tính tập thể, động tác tuy đơn giản nhưng rất độc đáo. Người S’tiêng thường dùng cồng chiêng, trống cái điểm nhịp và chập chà nhỏ nhưng tạo âm thanh rộn ràng để các bài múa thêm sinh động, hấp dẫn. Riêng người S’tiêng Bù Dêh còn sử dụng sáo pi và trống pi (loại trống một mặt, thân thắt eo), góp phần làm phong phú thêm bản sắc âm nhạc trong nghệ thuật múa truyền thống của họ”.
Trong nghệ thuật múa của người S’tiêng, âm nhạc là yếu tố quan trọng làm nên thành công của lễ hội. Hầu hết các bài múa đều gắn liền với cồng, chiêng, tạo nên sự cộng hưởng, phản ánh tâm hồn tự do, bay bổng của dân tộc S’tiêng. Múa chính là cách để họ được trở về với chính mình, làm cho cuộc sống vui tươi và phong phú hơn.
Nỗ lực bảo tồn
Trải qua bao biến động lịch sử và đổi thay của xã hội hiện đại, nghệ thuật múa nghi lễ của người S’tiêng đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều nghi lễ nay chỉ mang tính tái hiện trình diễn, thiếu đi yếu tố thần khải, sự “thiêng” vốn có. Đáng lo hơn, thế hệ trẻ ngày nay ít có cơ hội tiếp xúc, thực hành hay hiểu rõ về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nếu không có những hành động bảo tồn kịp thời, những “vũ điệu thiêng” có thể sẽ dần chìm vào quên lãng.
Ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Bình Phước còn đẩy mạnh thực hiện Dự án 6 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 1719, nhằm tạo động lực cho việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các hoạt động cụ thể gồm: tổ chức lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, phục dựng lễ hội và nghệ thuật múa, hát dân gian. Đồng thời chú trọng việc truyền dạy nghệ thuật múa, hát cho thế hệ trẻ, từ đó gắn kết di sản văn hóa với các hoạt động du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Sự bảo tồn không chỉ là trách nhiệm của các nghệ nhân hay nhà nghiên cứu, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng và chính quyền. Chỉ khi người trẻ được truyền cảm hứng và thấy tự hào với văn hóa của dân tộc mình, thì những vũ điệu thiêng, tiếng cồng, chiêng mới tiếp tục ngân vang trên vùng đất Bình Phước.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/173047/am-nhac-truyen-thong-cua-nguoi-s-tieng