Âm nhạc và tình yêu
Âm nhạc và tình yêu cái nào có trước? Điều chắc chắn rằng, tình yêu có trước âm nhạc.
Như trường hợp nhạc sĩ Lê Hoàng Long thất tình cô T. H nên mới viết được “Gợi giấc mơ xưa”. Và thường thì âm nhạc có sau tình yêu như nhạc sĩ Tô Hải với “Nụ cười sơn cước” vì thương cô P., nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với mối tình cô Gina ở Honolulu mới có “Nhớ một chiều xuân”, nhạc sĩ Huỳnh Anh viết Mưa rừng cho nghệ sĩ Thanh Nga và rất nhiều nhạc sĩ khác… Nếu không có tình yêu thì sẽ không có Sérénata của Tosselli. Và cũng có trường hợp âm nhạc và tình yêu đến cùng một lúc như “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Âm nhạc và tình yêu không thể tách rời nhau. Có âm nhạc là có tình yêu và ngược lại. Nhưng cũng có một trường hợp “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam là “Có âm nhạc, nhưng không có tình yêu”, đó là: “… Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn/ Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…” (Nhạc phẩm Đời tôi cô đơn – Đài Phương Trang).
Ngày xưa, âm nhạc là tiếng lòng, nghe trước rồi đi vào lòng sau. Cho nên những bài hát cũ dù trải qua bao năm tháng, nhưng là những bài hát khó quên.
Tình yêu và âm nhạc không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Tình yêu thì không nói làm chi, nhưng có ai trong suốt cuộc đời mà không nghe một bài hát, hay hát lên một vài câu?
Có những bài hát nó cứ quanh quẩn bên tôi, đôi khi muốn thay đổi không khí, nhưng nhạc của Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn, Cung Tiến, Phạm Mạnh Cương, Phạm Thế Mỹ, Lam Phương, Trúc Phương, Hoàng Trọng, Trường Sa, Hoài Linh, Lê Dinh, Anh Bằng, Minh Kỳ, Từ Công Phụng, Thanh Trang, Văn Phụng, Y Vân… là những ca khúc gặp hàng ngày. Đôi lúc nghe nhiều quá rồi cũng chán, nhưng thú thật rằng tôi đã đi tìm, muốn tìm nghe nhạc mới của những nhạc sĩ mới, nhưng có một số hát mới, hay nhưng ít quá, lại nghe một lần trên VT mà không thấy phát lại.
Còn nhạc cũ, thì nhiều và có nhiều bài hay. Nhưng có một bài hát nó đến với tôi từ năm 1958, đó là nhạc phẩm Ngỡ ngàng của Hoàng Trọng và Hồ Đình Phương. Lúc bấy giờ tôi chưa biết tình yêu là cái chi chi, chỉ là một đứa trẻ, những ngày “biển động” thì chăn trâu, “biển êm” thì hôi cá, đi học dưới một mái trường làng trên một gò đất gọi là “Gò cây Cốc”, nay là xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, trường 4 lớp, năm, tư, nhì, nhứt, gần mé rừng, ngồi trong lớp có thể nhìn thấy những con chim làm tổ trên cây cổ thụ, và những tia nắng ban mai rọi ngay vào lớp học. Ngày ấy, tôi không ngỡ ngàng vì trường lớp, bạn học, mà ngỡ ngàng vì một bài hát, và nó nhập tâm tôi từ dạo ấy cho đến hôm nay sống giữa Sài Gòn. Bây giờ nghe lại, tôi hỏi rằng, hình như nhạc hay, là những bài hát gieo vào lòng người nghe, rồi nảy mầm, kết trái, nở hoa, mà không cần mảnh đất ấy có đủ điều kiện thổ nhưỡng?
Tôi xin lỗi nhạc sĩ Hoàng Trọng và thi sĩ Hồ Đình Phương, xin hỏi nhỏ hai ông rằng, có phải Ngỡ ngàng là một nhạc phẩm có sau tình yêu?
“… Lòng muốn trao bằng tiếng nói/ Bằng lá thư màu giấy mới/ bằng muôn cánh hoa tươi/ bằng môi hé duyên cười/ bằng đôi mắt lả lơi…/ Ngàn khúc ca tìm nhớ mãi/ từng ý thơ hòa luyến ái/ Chờ trao đến bên ai/ cùng xây giấc mơ dài/ rồi đi về tương lai…/ Nào ngờ đâu tâm tư khi gặp duyên đưa lối/ ngỡ ngàng sao im vắng tiếng nói/ Âm thầm nghe hơi gió ngàn dư âm xa xôi/ đưa chiều về cuối trời…/ Lòng vẫn như bờ suối vắng/ Tình vẫn nguyên tờ giấy trắng/ dù chưa thấm giấc mơ/ thời gian xóa mong chờ/ lòng ta còn vương tơ…”.
Trong Tango Ngỡ ngàng, có một chút ngỡ ngàng, có một chút ngập ngừng… và lòng thì muốn trao bằng tiếng nói.
Một bài viết để tỏ lòng tri ân nhạc sĩ Hoàng Trọng và thi sĩ Hồ Đình Phương.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/am-nhac-va-tinh-yeu-117180.html