Ấm no nhờ nguồn nước thủy lợi

Toàn tỉnh hiện có 352 công trình thủy lợi (119 hồ chứa, 193 đập dâng và 40 trạm bơm) với tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411 ha cây trồng các loại. Nhờ nguồn nước từ các công trình thủy lợi, hoạt động sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, đời sống của bà con nông dân được cải thiện đáng kể.

Những ngày cuối tháng 8-2023, chúng tôi về xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông). Giữa cái nắng chang chang, những cánh đồng lúa ở đây vẫn xanh ngát. Đưa chúng tôi dạo quanh cánh đồng, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Ruộng đồng ở đây xanh tốt là nhờ nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Ia Mơr. Hiện một số tuyến kênh nhánh đã dẫn nước vào tận chân ruộng, đặc biệt là cánh đồng làng Klăh. Xã phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình mẫu 10 ha, đồng thời hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật trồng lúa nước 2 vụ.

“Vụ mùa 2022, năng suất lúa của 10 ha mô hình mẫu đạt 9 tấn/ha. Nhờ nguồn nước từ công trình thủy lợi, bà con trồng lúa 2 vụ cho năng suất cao, ổn định nên không còn cảnh thiếu đói như trước nữa”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho hay.

Công trình thủy lợi Ia Mơr có dung tích 177,8 triệu m3 hiện đang phục vụ cấp nước sản xuất cho người dân xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. Ảnh: H.P

Công trình thủy lợi Ia Mơr có dung tích 177,8 triệu m3 hiện đang phục vụ cấp nước sản xuất cho người dân xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. Ảnh: H.P

Đang bón phân cho 2 sào lúa tại cánh đồng làng Klăh, anh Siu Nghị cho hay: “Trước đây, ruộng lúa của gia đình tôi phụ thuộc vào nước trời nên thu hoạch chỉ được vài bao thóc. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi có hệ thống kênh mương dẫn nước về tận cánh đồng, tôi được cán bộ xã hướng dẫn trồng lúa 2 vụ. Với 2 sào lúa, năm vừa rồi, gia đình thu hoạch được 1,2 tấn. Giờ đây, gia đình tôi không còn thiếu gạo để ăn như trước nữa”.

Từ khi công trình thủy lợi Ia Mlah được đưa vào sử dụng với hệ thống kênh mương ngày càng hoàn thiện, hàng ngàn héc ta cây trồng ở các xã: Ia Mlah, Đất Bằng, Chư Gu, Chư Ngọc, Phú Cần và thị trấn Phú Túc của huyện Krông Pa đảm bảo đủ nước tưới, giúp người dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.

Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng mía hơn 5 ha của gia đình, ông Nguyễn Trọng Dương (buôn Dù, xã Ia Mlah) vui mừng cho biết: Từ khi có hệ thống kênh mương dẫn nước hồ thủy lợi Ia Mlah về cánh đồng, cây mía phát triển tốt, năng suất cũng cao hơn rất nhiều. “Trước đây, 1 ha mía chỉ thu hoạch được khoảng 50-60 tấn, nếu chăm sóc tốt cũng chỉ đến 70 tấn. Trong 3 năm trở lại đây, khi có nguồn nước dẫn về đến chân ruộng, cây mía phát triển tốt hơn rất nhiều, năng suất đạt 80-100 tấn/ha”-ông Dương bộc bạch.

Nguồn nước từ công trình thủy lợi tác động rất lớn đến đời sống của bà con nơi đây. Ảnh: H.P

Nguồn nước từ công trình thủy lợi tác động rất lớn đến đời sống của bà con nơi đây. Ảnh: H.P

Bên cạnh đó, công trình hồ chứa nước Ia Mlah còn góp phần điều tiết lũ cho vùng hạ lưu sông Ia Mlah, sông Ba và đảm bảo nguồn nước tưới cho hàng ngàn héc ta cây trồng của huyện Krông Pa. Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Những năm qua, địa phương đã khai thác tốt các công trình thủy lợi để mở rộng diện tích cây trồng. Nguồn nước dẫn tới tận ruộng giúp người dân giảm chi phí sản xuất rất nhiều.

Ông Lê Thanh Bình-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 352 công trình thủy lợi (119 hồ chứa, 193 đập dâng và 40 trạm bơm) với tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411 ha cây trồng các loại. Hiện nay, tỉnh đầu tư nâng cấp 6 hồ chứa nhỏ tại các huyện: Đak Pơ, Đức Cơ và thị xã An Khê từ chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.

“Nhằm đảm bảo cấp nước phát điện, cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phục vụ du lịch, điều hòa dòng chảy cho các dòng sông, ổn định dòng chảy vào mùa khô, bảo vệ môi trường nước, Chi cục phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa, công trình thủy lợi, cấp nước trên địa bàn. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để vận hành các hồ chứa thủy lợi theo đúng quy trình được cấp thẩm quyền ban hành; xây dựng kế hoạch cấp nước cho từng công trình và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt dựa trên nguyên tắc ưu tiên cung cấp cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi...), điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sửa chữa, bảo trì hạng mục công trình, tổ chức nạo vét kênh mương, cửa vào cống lấy nước để đảm bảo dẫn nước. Đối với công trình có khả năng thiếu nước, tổ chức lập kế hoạch tưới luân phiên cho cây trồng hợp lý; ưu tiên nước cho sinh hoạt, sản xuất chăn nuôi, công nghiệp, tưới cho cây trồng trong thời kỳ trổ bông, làm đòng, đảm bảo tưới tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí nước”-ông Bình thông tin.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/am-no-nho-nguon-nuoc-thuy-loi-post247662.html