Ấm no nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách (Kỳ 1)
Với những hộ gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo tại huyện Yên Minh (Hà Giang), nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là động lực lớn giúp họ vươn lên từ hai bàn tay trắng để vượt đói, thoát nghèo.
Kỳ 1: Vượt đói, thoát nghèo từ hai bàn tay trắng
Thoát nghèo nhờ mô hình kinh doanh trang trại
Nằm giáp biên giới Việt Nam – Trung Quốc về phía Đông Bắc, Yên Minh là một trong những huyện có nhiều hộ nghèo nhất tỉnh Hà Giang. Cuối năm 2024, huyện Yên Minh còn 8.080 hộ nghèo với 45.179 khẩu, chiếm 40,58%; hộ cận nghèo là 3.148 hộ, 17.894 khẩu, chiếm 15,81%. Dù vậy, vẫn còn đó những người dân đang cố gắng vươn lên thoát khỏi cái đói, cái nghèo, bất chấp khí hậu khắc nghiệt và đất đai khô cằn.
Tại thôn Bản Ké thuộc thị trấn Yên Minh (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang), Hà Văn Ngọc là một trong những thanh niên tiêu biểu về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Anh Ngọc hiện là Giám đốc của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thanh Niên và sở hữu một trang trại rộng 5 hecta, được ôm trọn bởi những cánh rừng phòng hộ xanh thẳm. Tại đây, anh trồng nhiều loại cây khác nhau như xoài, ớt gió, bồ kết…, với số lượng lên tới hàng ngàn cây. Bên cạnh đó, anh còn chăn nuôi trâu, bò, gà, ong trong những dãy chuồng, trại nằm ở độ cao hơn 1.000 mét. Tổng giá trị trang trại rơi vào khoảng 2 tỷ rưỡi, mang lại cho HTX của anh thu nhập khoảng 1,4 tỷ/năm. Ngoài ra, anh còn tạo được công ăn việc làm cho khoảng 10 người dân địa phương với mức lương từ 4,5 – 6 triệu đồng/tháng.
Anh Ngọc kể, ban đầu gia đình anh chỉ là hộ nghèo tại địa phương. Năm 2017, với 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Yên Minh và số tiền tự tích góp được, anh khởi nghiệp chăn nuôi chỉ với một đàn dê. Hồi đó, “nhà” của gia đình anh chỉ là một lán trại dựng tạm bợ trên thung lũng đá, nằm giữa lưng chừng trời. Những tháng ngày chăn thả dê giữa cái lạnh buốt xương chỉ giúp anh, vợ và con nhỏ có đủ 3 bữa ăn qua ngày. Rồi một ngày, khi ngắm những triền hoa bạc hà tím bung nở giữa núi đá, anh chợt nảy ra ý tưởng nuôi ong lấy mật. “Hoa bạc hà là loài cây đặc trưng của vùng núi đá Hà Giang, không cần chăm bón mà vẫn có thể sinh trưởng mạnh mẽ, nên rất thuận lợi để nuôi ong”, anh Ngọc cho biết.
Thu nhập của anh Ngọc tăng dần lên từ khi sản xuất được mật ong hoa bạc hà. Năm 2022, anh lại tiếp tục vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Yên Minh để đầu tư xây dựng trang trại rồi phát triển thành quy mô như hiện nay. Hiện trang trại của anh đã có 2 sản phẩm mật ong hoa bạc hà, 2 sản phẩm thịt gà và trứng gà đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP. Năm nay, anh Ngọc cũng vừa xây một ngôi nhà mới có 2 tầng, vừa làm nơi ở, vừa làm nơi trưng bày sản phẩm.
“Bên cạnh sự giúp đỡ của anh em, họ hàng và bạn bè, sự hỗ trợ từ phía ngân hàng chính sách xã hội là một nguồn động lực lớn để tôi đầu tư, phát triển”, anh Ngọc cho biết. Sắp tới, anh dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trang trại để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Động lực lớn từ nguồn vốn tín dụng CSXH
Một trường hợp vượt đói, thoát nghèo tiêu biểu khác tại huyện Yên Minh là anh Vùi Văn Nghiệp, sống tại thôn Đông Mơ, xã Đông Minh. Xuất phát điểm là hộ nghèo trên địa bàn, năm 2014, vợ chồng anh vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Yên Minh để mua 2 con trâu cày ruộng. Qua nhiều năm vừa làm ruộng, làm nương, vừa đi lái máy xúc thuê, anh có đủ kinh tế để phát triển đàn trâu của mình lên 6 con và mua được máy cày, máy bừa. Đầu năm nay, anh lại tiếp tục vay từ nguồn vốn tín dụng CSXH của huyện thêm 50 triệu đồng để mua một chiếc máy xúc trị giá 300 triệu đồng để đào ruộng, đào nương, tăng năng suất lao động. Hiện tại, anh đang duy trì nguồn thu nhập ổn định khoảng 12 triệu đồng/tháng. Ngôi nhà mới của anh và gia đình vừa được khởi công xây dựng vài tuần trước, đến nay đã xong phần đào móng và ép cọc bê tông. Với anh Nghiệp, đây là thành tựu đáng tự hào nhất.
“Căn nhà sàn gỗ ngày xưa của gia đình tôi đã xuống cấp từ lâu rồi. Gỗ thì bị mục, bị mối ăn mòn, mái thì dột quanh năm. Mùa đông, gió lùa vào trong nhà rét thấu xương. Giờ có điều kiện xây nhà mới cho bố mẹ, vợ con ở, tôi coi như thành tựu lớn của cuộc đời”, anh Nghiệp chia sẻ.
Dự định trong tương lai của anh là tiếp tục mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi để tiến tới mở trang trại riêng. Anh tâm sự, anh đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều phía, nhưng khoản vay 50 triệu đồng đầu tiên từ nguồn vốn tín dụng CSXH đã mang đến động lực mạnh mẽ nhất. “Nhờ có 2 con trâu đầu tiên ấy mà bây giờ tôi mới xây được nhà mới”, anh Nghiệp cười.
Tại thôn Đông Mơ, anh Nghiệp là tấm gương cho nhiều gia đình khác theo đuổi ước mơ vượt đói, thoát nghèo. Chẳng hạn như vợ chồng anh Hoàng Đức Dũng và chị Hò Thị Liên, hàng xóm của anh Nghiệp, cũng vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Yên Minh vài năm trước để khởi nghiệp với 2 con trâu. HIện nay, đàn trâu nhà anh chị đã có 4 con. “Chúng tôi thường hỏi em Nghiệp về kinh nghiệm vay vốn, trả lãi, đầu tư mua máy móc hỗ trợ cày bừa thế nào… Phải phấn đấu thêm nữa thì mới bằng được chú ấy!”, chị … nói.
Ông Trương Thế Phúc, Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho biết, tổng nguồn vốn CSXH dự trữ tại xã là 19,7 tỷ đồng, đang được phân bổ cho 370/599 hộ dân trên toàn xã vay để làm ăn, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn tín dụng CSXH của các hộ nghèo tại xã đạt 75%, của các hộ cận nghèo đạt 76%.
“Nguồn vốn tín dụng CSXH là động lực rất lớn để người dân trên địa bàn phát triển kinh tế. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã là 27,88%, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2023 (37,14%). Hằng năm, chúng tôi đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con vay vốn CSXH để tiến tới xóa đói, giảm nghèo”, ông Phúc cho biết.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/am-no-nho-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-ky-1-158872.html