Ấm no về trên những mảnh vườn 'Xuân'

- Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững đã thổi “luồng sinh khí” mới vào đời sống người dân. Những mảnh đất cằn xưa kia nay đã đơm hoa, kết trái như những mảnh vườn Xuân tràn nhựa sống, mang lại ấm no cho đồng bào nơi mảnh đất biên cương.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và lãnh đạo các sở, ngành thăm mô hình cải tạo vườn tạp tại xã Cán Tỷ (Quản Bạ).

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và lãnh đạo các sở, ngành thăm mô hình cải tạo vườn tạp tại xã Cán Tỷ (Quản Bạ).

Với quan điểm cải tạo vườn tạp một cách thực chất, không chạy theo thành tích, các địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, kiện toàn và thành lập Ban Chỉ đạo; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách, giúp đỡ các hộ cải tạo vườn tạp; thành lập tổ thẩm định, hướng dẫn tư vấn, xây dựng phương án sản xuất và phê duyệt quyết định danh sách các hộ để tổ chức triển khai thực hiện. Đưa nghị quyết vào cuộc sống, các địa phương tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp xã, Đoàn thanh niên, phụ nữ, các hộ thực hiện cải tạo vườn tạp về quy trình trồng rau, đậu các loại, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong năm 2022, toàn tỉnh có trên 1.400 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện cải tạo vườn tạp với diện tích trên 1,1 triệu m2; các địa phương thẩm định chặt chẽ và giải ngân kịp thời vốn hỗ trợ các hộ đủ điều kiện.

Cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây ngắn ngày giúp người dân xã Tát Ngà (Mèo Vạc) có thu nhập ổn định.

Cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây ngắn ngày giúp người dân xã Tát Ngà (Mèo Vạc) có thu nhập ổn định.

Để từng bước vươn lên thoát nghèo từ chính mảnh vườn của gia đình, các hộ đã cải tạo vườn theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”, bảo đảm thu nhập thường xuyên. Từ nguồn vốn hỗ trợ, các hộ chủ yếu mua giống để trồng các loại rau, củ quả ngắn ngày; trồng cây dược liệu; cải tạo phát triển chăn nuôi lợn, dê, gia cầm; cải tạo nuôi trồng thủy sản giống cá Trắm, Chép, Rô phi. Các địa phương vùng cao núi đá thực hiện xếp đá, đổ đất tạo vườn gắn với cải tạo vườn tạp; một số huyện cải tạo cây ăn quả và cây trồng khác. Giúp đỡ các hộ, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp tiền và hỗ trợ hàng chục nghìn công lao động. Trên cơ sở Đề án cải tạo vườn tạp, năm 2022 các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và triển khai nhân rộng cho các hộ trung bình, khá và giàu thực hiện cải tạo, chỉnh trang vườn hộ, nhằm mục đích xây dựng vườn mẫu, nâng cao thu nhập, quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, gắn với xây dựng Nông thôn mới tại các vùng nông thôn với 1.059 vườn hộ thực hiện, cải tạo trên 718 nghìn m2 .

Người dân thị trấn Yên Minh cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây rau màu, mang lại thu nhập thường xuyên.

Người dân thị trấn Yên Minh cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây rau màu, mang lại thu nhập thường xuyên.

Chia sẻ với chúng tôi trong những ngày đầu năm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý phấn khởi cho biết: Đề án Cải tạo vườn tạp đã thực sự đi vào đời sống nhân dân, làm thay đổi đáng kể nhận thức người dân. Để đánh giá chất lượng các vườn được cải tạo và căn cứ vào các tiêu chí đưa ra theo đề án của UBND tỉnh, các địa phương đánh giá chất lượng 1.242 vườn trong năm 2022. Trong đó, số vườn đạt 4/4 tiêu chí 130 vườn, chiếm 10,5% tổng số vườn thực hiện; số vườn đạt 3/4 tiêu chí 151 vườn, chiếm 12,1%; số vườn đạt 1-2/4 tiêu chí 853 vườn, chiếm 68,7%; còn 108 vườn, chiếm 8,7% tổng số vườn thực hiện chưa đạt tiêu chí do mới cải tạo trồng trọt và chăn nuôi, chưa cho thu nhập nên chưa đánh giá được chất lượng vườn theo các tiêu chí. Sau khi thực hiện việc cải tạo vườn tạp, có nhiều mảnh vườn tại các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn đạt từ 3/4 tiêu chí trở lên; các hộ thực hiện cải tạo trồng cây ngắn ngày như rau, đậu, củ quả các loại và chăn nuôi gia cầm bắt đầu cho thu hoạch, cải thiện thực phẩm tại chỗ cho gia đình, một phần tiêu thụ sản phẩm ra thị trường và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế; sau khi trừ chi phí đầu tư bình quân đạt 1,3 triệu đồng/tháng.

Từ những mảnh vườn tạp không có giá trị kinh tế nay đã hiện hữu no ấm và giúp không gian sinh sống của các gia đình được sắp xếp lại hợp lý, khoa học, ngăn nắp, thuận lợi cho sinh hoạt; thôn xóm sạch, đẹp; tác động mạnh đến chương trình xây dựng Nông thôn mới tại các vùng nông thôn, miền núi của tỉnh. Điều đáng nói, nhận thức về tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp đã dần chuyển sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhiều hộ nghèo thực hiện cải tạo vườn tạp đã giải quyết được nguồn cung cấp thực phẩm xanh cho gia đình, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày, đời sống từng bước thay đổi rõ rệt.

Những mảnh đất cằn đã “nhả ngọc”, cho thấy Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh thực sự là Nghị quyết mang “ý Đảng – lòng dân”. Một mùa Xuân mới đang về, mang theo niềm hân hoan đến với người dân miền đá biên cương. Tin rằng, những mảnh vườn “Xuân” được tạo nên từ những mảnh vườn tạp sẽ luôn cho trái ngọt để đồng bào có cuộc sống ấm no.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202301/am-no-ve-tren-nhung-manh-vuon-xuan-2b24bd7/