Âm thanh đường phố
Đã ở phố thì phải chấp nhận ồn ào. Đặc thù các thành phố ở nước ta, người dân hoạt động buôn bán khắp nơi, đã có đường thì có quán nên 'khu dân cư yên tĩnh' đúng nghĩa khá hiếm hoi. Một lần đến các nước phát triển, tôi thấy họ quy hoạnh đâu ra đó, muốn buôn bán thì ra khu thương mại, tuyệt nhiên không thấy một quán xá nào lọt vào khu dân cư. Muốn uống cà phê sáng ở tiệm thì phải đi từ vài dặm đến hàng chục dặm. Tôi kể để thấy cái khác biệt cơ bản ấy chứ chưa chắc cái này đã hấp dẫn dân ta hơn khi ở xứ mình thật quá tiện, chỉ vài bước chân là có thể mua những thứ cần thiết thông dụng cho mình. Vậy thì, phải chấp nhận tiếng ồn của phố.
Đọc cái tựa “Ngõ vắng xôn xao”-tên một ca khúc của nhạc sĩ Trần Quang Huy thì rõ, vắng mà vẫn không tĩnh. Cận chợ thì khỏi nói, nhà tôi có mấy năm ở ngay cổng chợ, đường Hoàng Văn Thụ, con phố ấy gần như hoạt động suốt đêm. Ra ngoại ô, mật độ dân cư thưa thớt vẫn chốc chốc lại nghe tiếng gầm của xe tải chạy đêm, dần dần rồi quen đi mà tự cảm nhận là nơi tôi sống thoáng đãng và yên tĩnh lắm...
Thính lực của con người chịu được cường độ âm thanh từ 16 đến 130 dB. Dưới 20 dB hơi khó nghe, ngóng lắm thì cũng tiếng được tiếng mất, trên 120 dB đã khiến người ta rơi vào tình trạng chịu đựng, thậm chí đau đớn, khoảng 130 dB trong thời gian dài sẽ bị điếc vĩnh viễn. Trên 130 dB thì bộ não sẽ gần như chết. Âm thanh phố thị bình thường nằm ở khoảng 50-80 dB. Tiếng lao xao nói cười, tiếng xe cộ, tiếng chó sủa, mèo kêu và vô vàn tiếng động khác của sinh hoạt đời thường là một phần không thể thiếu của phố. Tiếng ồn ào mua bán trong chợ, tiếng học trò ê a đọc bài trong một lớp tiểu học, tiếng ve kêu trưa hè là những âm thanh làm tôi thanh thản và dễ chịu giữa nhịp sống phố thị. Và tôi sợ nhất tiếng hét thất thanh đột ngột, tiếng hú còi xe cấp cứu, tiếng gầm rú của những chiếc xe máy độ chế...
Lại nói về khái niệm “ô nhiễm tiếng ồn”, các chuyên gia cho rằng, loại âm thanh nào gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người thì âm thanh ấy chính là ô nhiễm tiếng ồn. Tất nhiên, chuẩn của nó vẫn dựa vào cường độ dB đã nói ở trên. Hài hước một chút thì cái chuẩn khó chịu rất vô chừng, một bà vợ có giọng nói ngọt như mía lùi, cường độ âm thanh vừa đủ nghe, nhưng cứ kéo dài cả ngày với một đề tài cứ lặp đi lặp lại thì liệu có được xếp vào dạng “ô nhiễm tiếng ồn” không? Chắc phải tham khảo ý kiến các ông chồng, nhưng sự khó chịu chắc chắn là có.
Vấn nạn đang trở thành phổ biến trong vài năm trở lại đây là karaoke di động và tụng niệm có tăng âm. Các sinh hoạt tâm linh của cư dân trong cầu siêu, cầu an, đám tang, thanh minh, đám giỗ và cả cưới xin, sinh nhật... Cứ phải kèm theo hệ thống tăng âm, loa khủng khuấy động cả xóm. Vậy nên, mới tiếc lắm cái trầm mặc của tụng niệm thường đem đến sự thanh tịnh cho mọi người đã dần phai nhạt.
Manh nha cách đây khoảng vài năm, đến giờ thì hát karaoke thành một món kèm thêm khó thiếu trong những dịp tụ tập bạn bè, gia đình. Đâu cần phải sắm sửa cho tốn kém, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng, người ta chở đến phục vụ tận nơi, có cả màn hình LCD lớn, âm thanh đủ xài. Vấn đề vẫn nằm ở chuyện thời lượng và cái nút điều chỉnh âm lượng. Thường thường đã chơi thì hay bị... lún, nhất là đã có chút men thì thiên thượng thiên hạ chỉ tồn tại mỗi ta. Đúng ngọ ban trưa vẫn hát, quá nửa đêm vẫn say sưa khoe giọng với âm lượng tối đa. Người lớn tuổi, người bệnh, trẻ con bị tra tấn bởi âm thanh, giọng hát của đương sự đạt được kỹ năng độc lập với nhạc đệm thì đúng là... thảm họa.
Đô thị mà không có những âm thanh của nó thì còn gì là đô thị. Luật quy định cũng có đủ để hạn chế không để tiếng động vượt ngưỡng về cường độ và thời gian trong sản xuất và kinh doanh làm ô nhiễm môi trường sống, nhưng các biện pháp cần thiết đối với các hoạt động tự phát trong nhà, ngoài phố có tác động không dễ chịu cho cộng đồng vẫn chưa đủ cả về văn bản lẫn thực thi, còn thiếu lắm thì phải.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12383/202002/am-thanh-duong-pho-5670580/