Ẩm thực đồng bào các dân tộc thiểu số - một 'kênh' thu hút khách
Cùng với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí tại các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng, ẩm thực là một trong những điểm nhấn đặc sắc, một 'kênh' thu hút khách du lịch có niềm đam mê ẩm thực khi đến với miền Tây xứ Thanh.
Địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Thanh thường gắn với núi non, sông suối, nơi họ có thể dựa vào thiên nhiên để mưu sinh. Chính vì thế, văn hóa ẩm thực nơi đây cũng được “chiết xuất” từ tự nhiên, qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng, phong phú, sinh động của con người mà thành nét độc đáo, riêng biệt.
Nếu bạn đã từng một lần đến với các bản, làng ở miền Tây xứ Thanh, được ngủ lại ở những nếp nhà sàn xinh xắn, thưởng thức mâm cơm do chính người dân bản địa chế biến sau ngày dài khám phá bản làng, hẳn không thể nào quên được hương vị rất riêng của món cơm lam, canh đắng, cá hấp, vịt Cổ Lũng, xôi ngũ sắc, thịt nướng... Và đặc biệt, rượu cần là một trong những thức uống không thể thiếu trong các cuộc vui của đồng bào dân tộc Thái.
Ở miền Tây, mỗi bản làng, mỗi cộng đồng dân tộc như: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao... đều có những món ăn đặc trưng, chế biến theo cách khác nhau, thế nhưng món cơm lam, xôi đồ vẫn là những món đặc trưng nhất của khu vực này. Cơm lam miền Tây thu hút khách bởi cách chế biến độc đáo, với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, gạo được cho vào ống nứa tươi được nướng trên lửa than cho đến khi chín. Để có được ống cơm lam thơm dẻo, người dân ở đây phải chọn lựa loại nếp ngon, đãi sạch trộn chung với ít muối rồi mới đổ vào ống nứa. Giữa tiết trời se lạnh đặc trưng của miền Tây vào mỗi sáng sớm hay buổi chiều tối, cùng nhau thưởng thức món cơm lam chấm với muối vừng, hay ăn kèm thịt gà đồi, thịt lợn nướng chấm muối mắc khẻn thì quả thật không du khách nào có thể chối từ.
Cùng với món cơm lam, canh cũng là một trong những món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người dân miền Tây. Với nhiều món canh ngon như canh lóng, canh đắng, canh uôi, canh cá sông nấu măng... Trong đó, món canh đắng là một trong những món ngon đặc trưng thường được người dân bản địa chế biến để đãi khách. Được biết, thành phần cơ bản trong món canh là nội tạng trâu, bò, gà, lợn... Cùng với đó, thứ quan trọng là lá đắng, kèm thêm chút gia vị như sả, gừng, mẻ, ớt... Vị sả sẽ giúp món canh thêm thơm nồng, mẻ chua chua làm dịu bớt vị của lá đắng và canh thêm thanh ngọt hơn. Tuy nhiên, món ngon này không phải ai cũng có thể mê ngay từ lần đầu thưởng thức, bởi hương vị thơm ngon rất riêng, rất đắng.
Khi đến với miền Tây, trong mâm cơm “thịnh soạn” đãi khách, thường sẽ có thêm món cá nướng. Và món “pa pỉnh tộp” (cá nướng ngập) của người Thái đã làm hài lòng nhiều du khách gần xa, kể cả những thực khách khó tính. Nguyên liệu chính là các loại cá ở sông, suối, được làm sạch vảy, mổ dọc theo sống lưng, bỏ xương sống, sau đó nhồi gia vị vào bên trong (bao gồm gừng, sả, rau thơm, hạt mắc khẻn, mầm măng cây sa nhân...) để khi nướng gia vị ngấm vào thịt cá. Đặc biệt, bí quyết của người Thái để có món cá nướng ngập thơm ngon đó là không rửa lại cá sau khi mổ. Khi thưởng thức món ăn này, chắc chắn du khách sẽ khó quên bởi thịt cá nướng săn chắc, mùi thơm, vị chua, cay, đắng, mặn, ngọt của các loại gia vị tạo nên vị ngon rất riêng mà không phải địa phương nào cũng có.
Và nếu du khách là tín đồ của du lịch cộng đồng Bá Thước, hẳn không thể bỏ qua món vịt Cổ Lũng. Để được thưởng thức món ăn này tại các bản du lịch như: bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường, bản Báng... du khách thường phải đặt trước. Bởi đây là giống vịt bản địa quý hiếm, được người dân gìn giữ và phát triển, nuôi tự nhiên với số lượng hạn chế, thường được thả trên dòng suối Nũa - một con suối sạch, nước chảy thường xuyên và có rất nhiều ốc, sinh vật. Khi được chế biến thành các món như vịt luộc, vịt quay hay vịt nướng thì vịt đều có vị ngọt, săn chắc, nhiều nạc, thơm nhưng không hề bị ngậy.
Ngoài những món ăn trên, miền Tây xứ Thanh còn để lại ấn tượng cho du khách bởi nhiều món ngon khác như: măng đắng, sâu măng, thịt gác bếp, khâu nhục, rượu siêu men lá, rượu cần, rượu ngô,... được chế biến cùng với các nguyên liệu tự nhiên, sẵn có tại địa phương mà tạo nên những hương vị mang tính đặc trưng, riêng biệt.
Hướng đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng một cách chuyên nghiệp, bền vững, tại một số huyện như: Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Quan Hóa, Quan Sơn, Như Xuân,... các địa phương đã chủ động phối hợp với các trường dạy nghề, cơ sở đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch. Cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Đến nay, 100% các hộ kinh doanh dịch vụ homestay, nhà hàng ăn uống tại các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng miền Tây xứ Thanh đã trải qua các chương trình đào tạo, tập huấn về chế biến món ăn. Qua đó, không chỉ mang đến cho du khách những món ăn ngon mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.