Ẩm thực đường phố của Nha Trang
1. Một lần, trên đường từ Sài Gòn về Nha Trang, trong lúc chờ ở sân bay tôi ngồi cạnh cặp vợ chồng là dân Nha Trang, cùng lứa tuổi thế hệ tôi.
Câu chuyện vòng vo thế nào rồi chuyển sang đề tài ẩm thực. Thật thích thú khi chúng tôi cùng nhau điểm lại những món ăn ngon ở Nha Trang, nơi nào bán, quán nào ngon, ăn sáng hay ăn xế…, chị vợ còn biết rõ tính tình người bán. Chị hỏi tôi có biết một con hẻm ở Nha Trang nổi tiếng nhiều món ăn ngon không? Anh chồng phụ họa: “Hẻm đó có đầy đủ bánh căn, bánh hỏi, bánh bèo, bánh xèo…, món nào cũng ngon”. Quả là ngạc nhiên khi tôi nghe nhận xét từ một người đàn ông về các món bột ăn với mỡ hành, nước mắm ớt tỏi. Anh còn khẳng định, ăn bánh căn phải húp nước mắm mới đã, ngon, đúng điệu.
Từ câu chuyện hôm ấy, tôi bỗng có ý định thử đi tìm bản đồ ẩm thực Nha Trang. Thật ra, bản đồ ẩm thực ở bất cứ nơi đâu thường không ổn định. Có những hàng ăn lâu đời làm nên thương hiệu cho con đường, nhưng rồi người chủ nghỉ bán, để lại luyến tiếc cho thực khách; hay cũng là món ấy nhưng đã thay chủ khác, quán xưa, món xưa nhưng thấy thiếu thiếu, khách chưa quen hương vị nay càng thêm luyến nhớ. Có những hàng quán đã hoàn toàn đổi mới. Một chút bỡ ngỡ, cảm giác tìm lại chốn xưa nhưng mọi thứ đã khác, không còn nhận ra…
Bắt đầu từ nhà ở Vĩnh Thạnh, tôi đi theo vùng dọc sông Cái Nha Trang, Hương lộ 45 rồi đường Lương Định Của. Con đường này phong phú các món ăn, từ những món đặc trưng Nha Trang như: Bánh căn, bánh bèo, bánh hỏi, bánh xèo, mì Quảng, phở, bún bò, cơm gà, nem nướng, bún thịt nướng… đến các món ăn vặt mới xuất hiện gần đây: Bánh tráng trộn, khoai tây lắc, gà rán, trà sữa, cá viên, xúc xích chiên… Không thiếu món gì của Nha Trang trên con đường này, như tập quán lâu đời từ hơn nửa thế kỷ nay của dân vùng ven sông. Ra đến đường 23 tháng 10, tôi rẽ vào con hẻm 274 theo lời giới thiệu của hai vợ chồng ở trên. Vào buổi chiều, ngay đầu hẻm thấy ngay một hàng bán các món từ vịt, đặc biệt là có gỏi cá mai. Vào bên trong, vài hàng bán các món mì Quảng, bún riêu…
Ra đến vòng xoay Nhà thờ Chánh tòa Nha Trang, tôi rẽ vào hẻm Núi Một. Chầm chậm vào bên trong, cơ man những hàng ăn. Cũng vẫn những món đặc trưng Nha Trang như: Bún bò, phở, bánh canh, mì Quảng, bún cá…, món nào cũng gợi thèm! Tôi đi tiếp ra đường Huỳnh Thúc Kháng, con đường ngắn thôi nhưng cũng là một thương hiệu cho ẩm thực Nha Trang khi có khá nhiều món xưa: Bún thịt nướng, bánh bèo ngọt, bún bò, bánh xèo… Ký ức còn giữ nguyên vẹn con đường xưa, món ăn ngày cũ nhưng bây giờ khang trang hơn với những cửa hàng làm mới, lại thêm nhiều món ăn mới hơn. Cắt ngang Huỳnh Thúc Kháng là đường Ngô Gia Tự, một con đường dài chưa đến cây số nhưng có đủ mọi thứ trên đời, lại thêm chợ Xóm Mới. Những hàng quán mới, món mới không thuộc “phạm trù” của Nha Trang như: Bánh canh tôm tít, cơm tấm sườn que, ốc xào… Và những hàng từ mấy chục năm trước vẫn còn: Xe hủ tiếu gõ, bún bò 100, bánh canh bún cá Nguyên Loan, cơm gà Hà…
Tôi đi tiếp qua đường Tô Hiến Thành, bánh mì chỉ với chả lụa và rắc muối tiêu Nguyên Hương hay bánh căn khẳng định tên cho con đường và các hàng ăn khác nữa với những món đặc trưng Nha Trang. Những con đường khu vực này như: Bạch Đằng, Hồng Bàng, Ngô Đức Kế, Trịnh Phong… nhộn nhịp hơn xưa nhiều nhờ “ăn theo” phố Tây, khách du lịch… Vòng ra đường Nguyễn Thị Minh Khai, tôi bắt đầu vào một “lãnh địa” khác của ẩm thực với nhiều món không phải của Nha Trang và nhiều nhà hàng phục vụ khách du lịch đa đạng thức ăn. Rẽ đường Nguyễn Thiện Thuật, lại thấy một “khung trời” ẩm thực khác với nhiều nhà hàng Trung Hoa, Hàn Quốc… bởi ở khu vực này và các con đường lân cận như: Hùng Vương, Biệt Thự, Trần Quang Khải… có tên gọi chung là phố Tây.
Tôi ra đường Trần Phú, chạy một lèo qua cầu để rẽ xuống Cù Lao. Con đường Tháp Bà nổi tiếng với các món hải sản từ hơn nửa thế kỷ. Những món đặc trưng làng chài có mặt đầy đủ ở đây như: Bún cá, bánh canh, mì Quảng… Những tên quán: Bà Ngoại, Chị Bé, bánh xèo Cô Tám… khẳng định thương hiệu bởi độ ngon nức tiếng gần xa…
Rời khu Tháp Bà, tôi đi theo đường 2 tháng 4, ngay đầu đường xuống Cồn Dê có quán bún thịt nướng nổi tiếng nửa thế kỷ nay. Tiếp tục đi, lại nhớ món vịt quay cũng nổi tiếng từ mấy chục năm trước. Rồi sang đường Trần Quý Cáp có bánh căn mà đa phần khách du lịch đều biết. Từ đây, tôi rẽ xuống đường Phan Đình Giót lại lạc vào một “thủ phủ” khác nữa của những món ăn hẻm Nha Trang. Phố ăn đêm của những cô cậu trẻ, món gì cũng có từ đặc trưng cho Nha Trang xưa đến những món ăn mới sau này của giới trẻ.
Quay ra theo đường 23 tháng 10, tôi chú ý đến bánh canh cá lóc Huế, kế bên đó là bánh ướt, nem chả, thịt nướng… Đọc tên thôi đã gợi thèm. Trên cầu vượt nhìn xuống Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, dưới ấy đa phần là những tiệm ăn các món “nhập cư” như: Bánh canh cua, bún đậu mắm tôm, bún chả Hà Nội… và đa dạng các món ăn vặt của giới trẻ. Trên đường tôi về nhà, có những vùng khẳng định tên món mấy chục năm nay như: Vịt Cầu Dứa, bánh ướt, cuốn, đập Vĩnh Thạnh, mì Quảng Bình Cang…
2. Chỉ là một buổi chiều, tôi đi chưa hết một phần nhỏ của trung tâm TP. Nha Trang và chắc chắn thiếu sót nhiều món ăn nhưng đã khiến tôi lan man nghĩ về trăm năm trước, khi Nha Trang chỉ là một làng chài nhỏ ven biển. Làm sao tôi biết ẩm thực Nha Trang khi ấy có gì, nhưng tôi chắc chắn một điều, ẩm thực Nha Trang bây giờ có khá nhiều món ăn xuất phát từ làng chài chế biến với hải sản vừa đánh bắt lên.
Trong quá trình di dân đã làm cho Nha Trang hiện nay có một “bản đồ” ẩm thực khá phong phú và đặc biệt ngon: Món cũ cho người yêu Nha Trang, món mới chế biến hợp khẩu vị Nha Trang từ nguyên liệu của Nha Trang, chinh phục khách đến, dù chỉ một lần. Bạn bè tôi ra đây ngoài đi chơi, ẩm thực là điều họ luôn nhắc đến phải ăn món này, món kia… Với nhiều người Nha Trang, vì món ăn quá phong phú mà đôi khi xách xe chạy một vòng thành phố, món nào cũng ngon, cũng thèm, không biết ăn món gì!
Người xa quê, về đến Nha Trang đã “thủ” sẵn một danh sách món sẽ ăn cho thỏa cơn thèm!
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN