Ẩm thực Việt: Chạm tới giấc mơ bếp ăn thế giới
Những danh hiệu, giải thưởng quốc tế giúp nền ẩm thực Việt ngày càng được quan tâm, tìm kiếm nhiều hơn. Ẩm thực Việt thăng hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế, là một trong những bước đệm đưa Việt Nam trở thành bếp ăn thế giới. Tuy nhiên còn đó nhiều việc phải làm để hiện thực hóa giấc mơ này.
Món Việt mê hoặc khách quốc tế
Nhiều năm về trước, khi nhắc đến ẩm thực Việt Nam, khách quốc tế chỉ biết đến phở và nem. Tuy nhiên, gần đây, suy nghĩ này đã dần thay đổi. Mới đây, ẩm thực Việt Nam xếp thứ 22 trong bảng xếp hạng 100 nền ẩm thực ngon nhất thế giới năm 2023 của chuyên trang ẩm thực danh tiếng thế giới Taste Atlas, được đánh giá cao nhất ở các món như: phở bò, bún chả, bánh hỏi, bánh bèo, bánh xèo, cơm tấm, xôi, chè, nem rán, bún bò Huế, bò kho, nước mắm Phú Quốc…
Du khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ ấn tượng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà con người, ẩm thực cũng níu chân, đưa họ quay lại Việt Nam. Anh Alfie Mayuga Palo - du khách Philippines - khẳng định, Việt Nam là quốc gia có nền ẩm thực và thức ăn đường phố ngon nhất thế giới. “Bánh mì gà là món tôi thích nhất ở Việt Nam. Ẩm thực đường phố là điều không thể thiếu đối với bất kỳ du khách nào khi đến Hà Nội. Điều tuyệt vời là bạn có thể vừa thưởng thức các món ăn như phở, bánh mì, bún chả, cà phê trứng... trong khi tham quan, khám phá thành phố”, Alfie Mayuga Palo chia sẻ.
Du khách người Anh Grant Sanderson cùng vợ có chuyến du lịch dài ngày tại Việt Nam. Họ đi qua Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình, Hội An và TPHCM. Đối với họ, ẩm thực và các món ăn đường phố là những điều phải thử khi đến Việt Nam. “Chúng tôi có khoảng thời gian tuyệt vời với chuyến khám phá ẩm thực tại TPHCM. Chúng tôi đã thử rất nhiều món ăn ngon ở các quán ăn địa phương khác nhau, hơn 10 món chính từ thịt, hải sản khác nhau. Tất cả đều rất tuyệt. Ở mỗi địa điểm ăn uống, hướng dẫn viên đều giải thích rõ về lịch sử và văn hóa liên quan đến món ăn. Điều này thực sự thú vị”, anh Grant Sanderson cho biết.
Nhìn từ thành công của Hàn Quốc
Ẩm thực đường phố luôn giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa Hàn Quốc, phải kể đến sự tham gia của người đứng đầu đất nước hay tập đoàn lớn. Sự nổi tiếng của ẩm thực Hàn Quốc cũng được thúc đẩy bởi sự quan tâm ngày càng tăng của quốc tế đối với văn hóa Hàn Quốc, phần không nhỏ do làn sóng Kpop và phim ảnh. Bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực) lên sóng khiến món kẹo đường dalgona của Hàn Quốc trở nên nổi tiếng, được săn lùng dù nó chỉ là một món ăn vặt.
Danh tiếng của các nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội và TPHCM tăng lên sau khi được gắn sao Michelin - một giải thưởng danh tiếng về ẩm thực. Việc được gắn sao khiến thực khách đổ xô tới các nhà hàng, quán ăn này. Một số cửa hàng, quán ăn ghi nhận lượng khách tăng gấp 2, gấp 3 lần sau khi được gắn sao hoặc vào danh sách đề cử.
Không thể chỉ trông vào vài món đơn lẻ
Ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam khẳng định, ẩm thực là một phần không thể tách rời của văn hóa và lịch sử. Mỗi địa phương sẽ gắn với một món ăn nào đó và trở thành điểm nhấn, sức hút của mỗi điểm đến. Ví dụ, khi đến Hà Nội người ta phải ăn phở, bún chả, đến Huế phải ăn bún bò hoặc đến Hội An cần ăn cao lầu...
Thời gian gần đây, ẩm thực Việt Nam trở nên nổi tiếng thông qua sự đánh giá của các chuyên trang về ẩm thực, sự quảng bá của người có tầm ảnh hưởng, nghệ sĩ quốc tế... Tuy nhiên, nhìn chung ẩm thực Việt chỉ nổi bật trên thế giới với món phở, bún chả, nem, trong khi Việt Nam còn một nền ẩm thực phong phú chờ được thưởng thức, khám phá.
Muốn biến Việt Nam thành bếp ăn thế giới, ông Chiến đề xuất: “Khi tiến ra thế giới tức là chúng ta không chỉ phục vụ người Việt mà còn phục vụ cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, du khách quốc tế. Vì vậy, việc đa dạng hóa, phát huy tốt nhất tinh hoa văn hóa, tinh hoa ẩm thực của Việt Nam kết hợp với những tinh hoa quốc tế, chúng ta mới đến được với giấc mơ bếp ăn thế giới”.
Không thể không có một chiến lược cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Theo đó, Việt Nam cần kế hoạch phát triển du lịch ẩm thực, biến ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc thù, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ẩm thực nói chung và nghề bếp nói riêng để vừa phát huy tối đa tinh hoa ẩm thực Việt đồng thời đáp ứng tốt nhất xu hướng ẩm thực của khách quốc tế.
“Việc quảng bá ẩm thực Việt Nam ra quốc tế không chỉ xoay quanh phương pháp quảng bá qua các Youtuber nổi tiếng, hãng truyền thông quốc tế, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng quốc tế mà chúng ta cần đẩy mạnh tham gia cuộc thi về ẩm thực, hoặc lễ hội ẩm thực quốc tế, tổ chức lễ vinh danh các món ăn ngon, vinh danh người đầu bếp...”, ông Lê Đình Chiến đề xuất.
Nhân lực giỏi để hiện thực hóa giấc mơ bếp ăn thế giới không thể thiếu, đặc biệt là những người đầu bếp. Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam khẳng định: “Mỗi đầu bếp lúc này sẽ như một sứ giả quảng bá về ẩm thực Việt, khẳng định ẩm thực là điểm mạnh của du lịch Việt Nam, từ đó thu hút thêm ngày càng nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam”.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Liên chi hội Đầu Bếp Việt Nam cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch trong những năm gần đây, sự gia tăng số lượng các nhà hàng, dịch vụ ăn uống… đang tạo ra áp lực rất lớn đối với nhân sự, nhất là nguồn nhân sự chất lượng cao.
Đẩy mạnh quảng bá nhờ lễ hội ẩm thực
Lễ hội ẩm thực vừa diễn ra tại khu du lịch Văn Thánh (quận Bình Thạnh, TPHCM) với hơn 400 món ăn đã thu hút hơn 60.000 lượt khách tham quan. Lễ hội Văn hóa, Du lịch ẩm thực Quốc tế - Hà Giang lần thứ I được tổ chức vào cuối tháng 3, thu hút lượng lớn du khách quốc tế tham dự. Cả thảy 65 gian hàng giới thiệu ẩm thực và quảng bá văn hóa, du lịch đến từ 5 quốc gia: Trung Quốc, Azerbaijan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và một số tỉnh, thành nước ta.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/am-thuc-viet-cham-toi-giac-mo-bep-an-the-gioi-post1626924.tpo