Am Tiên linh thiêng và huyền thoại
Am Tiên một sáng mùa xuân. Nắng dịu dàng trải lên cảnh vật sắc màu sự sống tươi mới, hân hoan. Nằm trên điểm cao Ngàn Nưa – dãy núi được ví như bức tường thành khổng lồ nằm vắt ngang đồng bằng xứ Thanh và dòng Lãn Giang tựa 'giấc mai bừng tỉnh mặt trời lưng không' – Am Tiên linh thiêng và huyền thoại luôn là điểm đến hấp dẫn du khách mỗi độ xuân viên mãn.
Am Tiên tĩnh lặng những ngày vãn khách tham quan.
Theo tiết xuân ấm áp, dường như, chồi non lộc biếc cũng đang tận lực tách mình ra khỏi lớp vỏ nặng nề để bắt đầu một sinh mệnh mới. Xuân ươm mầm sự sống và lòng người như càng hân hoan hơn trước sức sống rạo rực, căng tràn của thiên nhiên. Với những người đã quen nếp đầu năm đi lễ đền, lễ chùa thì chắc hẳn nên một lần về Am Tiên. Miền đất “xa chốn bụi trần” – có thể hiểu theo cả hai nghĩa - xứng đáng là chốn sơn thủy kỳ thú, nhờ bởi vẻ đẹp thiên nhiên bao quanh và những điều linh thiêng, huyền bí chưa thể lý giải. Về Am Tiên những ngày nắng xuân phơi phới mới cảm nhận hết vẻ đẹp của Ngàn Nưa quanh năm “mây trắng nhởn nhơ vờn đỉnh núi”.
Am Tiên huyền thoại. Trên đỉnh Ngàn Nưa còn ẩn giấu không ít truyền thuyết từ quá khứ, với cuộc chống chọi giữa người với ma quỷ; những câu chuyện về cuộc sống ẩn dật, vui thú với trời đất, cỏ cây, hoa lá của những ẩn sĩ từ thời Trần – Hồ, hay những bậc danh nho thời Lê – Nguyễn như Nguyễn Dữ, Phan Huy Ôn, Nguyễn Thượng Hiền... Thắng cảnh Ngàn Nưa, với Am Tiên trên đỉnh và đền Nưa dưới chân, là nơi hội tụ của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng như đạo Giáo, đạo Phật, đạo Mẫu ở vào thời cực thịnh. Từ đó, có sức ảnh hưởng, lan truyền sâu rộng đến nhiều vùng miền trên đất Thanh Hóa. Tách biệt với bụi trần, lại có cảnh sắc tươi đẹp, điểm cao nhất trên đỉnh Ngàn Nưa là nơi giao hòa âm dương trời đất, nơi chung đúc linh khí thiêng liêng làm nên nhiều điều kỳ lạ. Bởi vậy, ngày nay, nơi giao hòa tâm linh này được con người truyền tụng là huyệt đạo và tìm về như cuộc hành hương về miền đất thiêng!
Am Tiên linh thiêng. Tĩnh tại giữa không gian mênh mang, cả lịch sử và giả sử đã hòa vào nhau, ẩn hiện trong từng cái tên, từng địa danh và những câu chuyện giăng mắc màu thần bí về cuộc sống của các tiên nhân, đạo khách, ẩn sĩ thời phong kiến. Ngàn Nưa – Am Tiên cũng là chứng nhân của sự kiện lịch sử khiến “toàn Châu Giao chấn động”. Khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 là cuộc thử chí, thử sức của Nhân dân ta trước kẻ thù hung bạo; cũng đồng thời để thỏa khát vọng “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ” của bậc anh thư Triệu Thị Trinh. Gắn mình với cuộc khởi nghĩa, Ngàn Nưa đã đi vào lịch sử ở một dấu mốc chói sáng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đã hơn 1.700 năm kể từ cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Những địa danh gắn với sự kiện lịch sử ấy như hang Cắc Cớ, trang Thu, trang Đồng, làng Các, làng Vẹo, bái Áng, u Chiêng, mau Bưu, bùng Voi Đằm, bằng Yên Ngựa, khe Đá Bàn, chợ Bụa, ao Hóp...; rồi những di tích có niên đại hàng trăm năm như đền Tu Nưa, bàn cờ tiên, vườn đào tiên, vườn thuốc tiên, Am Tiên... phần lớn đã không còn dấu vết. Rồi thắng cảnh Ngàn Nưa cũng một thời rơi vào lãng quên, do con người khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên động, thực vật, đốt phá rừng. Để tìm lại diện mạo và vị thế cho di sản, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gắn với phát triển du lịch, đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện trong vài năm trở lại đây.
Những kết quả bước đầu trong đầu tư hạ tầng, quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm du lịch... đã và đang mở ra triển vọng phát triển mới cho khu di tích tâm linh. Để Am Tiên sẽ là chốn tìm về của những cuộc hành hương mùa xuân...