Ấm tình đồng chí, nghĩa đồng bào
Những ngày này, dù cơn bão số 3 đã đi qua nhưng hoàn lưu của bão khiến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Thủ đô vẫn bộn bề công việc.
Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, nhiều người dân đã phát huy cao độ tinh thần “tương thân, tương ái” bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, góp phần “dệt” nên hình ảnh đẹp sau những cơn mưa dài…
Nghĩa tình còn mãi
Đã mấy ngày liên tục dầm mình trong mưa bão nhưng khi nước sông Hồng dâng cao ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân các xã ngoài đê, bắt đầu từ sáng 10-9, lực lượng vũ trang huyện Đan Phượng tiếp tục nhận nhiệm vụ di chuyển người và tài sản của nhân dân về nơi an toàn.
Với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, chỉ trong buổi sáng, lực lượng vũ trang huyện đã chuyển gần 2.000 con lợn, 7.740 gà - vịt, 41 con trâu và 10 kho lạnh của các gia đình đang sinh sống ngoài Đê sông Hồng thuộc xã Trung Châu đến nơi an toàn.
Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện vật lộn trong dòng nước để cứu từng con lợn cho gia đình, ông Nguyễn Văn Thế, thôn 7, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) xúc động: “Chúng tôi sống ở ngoài này đã gần 20 năm nhưng chưa thấy năm nào con nước lại lên nhanh như năm nay. Tưởng tài sản mất trắng nhưng may mắn được các cán bộ, chiến sĩ và bà con hàng xóm giúp đỡ di chuyển đồ đạc, vật nuôi, chúng tôi rất cảm ơn”.
Thượng tá Đinh Tuấn Anh, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng cho biết: “Xác định mưa lớn sẽ gây ngập úng trên diện rộng, Ban Chỉ huy quân sự huyện vẫn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm phối hợp cùng các lực lượng khác di dời người và tài sản nhanh nhất”.
Ngay từ sáng sớm 10-9, Ban Chỉ huy quân sự huyện Mỹ Đức đã huy động gần 80 cán bộ, chiến sĩ để thu hoạch lúa giúp bà con xã An Phú. "Sau một ngày khẩn trương, hơn 20ha lúa của bà con đã được thu hoạch xong", Thượng tá Luyện Minh Hồng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Mỹ Đức cho biết.
Hướng về bà con vùng bão lũ, đã 2 ngày nay, chùa Đình Quán, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) tổ chức cho phật tử gói bánh chưng gửi tặng nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng mưa bão. “Của ít, lòng nhiều”, phật tử cùng nhà chùa người góp gạo, người góp đỗ, người góp công thay phiên nhau thức từ 9h sáng 10-9 đến nay làm việc. Đã có gần 2.000 chiếc bánh chưng được nấu xong và hơn 1.000 chiếc kịp vận chuyển cho nhân dân tỉnh Yên Bái".
Chị Chu Thị Kim Oanh, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) trực tiếp tham gia cùng nhà chùa cho biết: “Hiểu và chia sẻ với những mất mát của nhân dân vùng thiên tai, chúng tôi thay nhau làm việc với mong muốn món quà của mình sớm đến tay đồng bào để tiếp thêm động lực cho bà con vượt qua khó khăn”.
Bão tan, dọc các tuyến đường ngập tràn cây đổ. Hòa với màu áo công nhân vệ sinh môi trường, màu áo lính là cả màu áo của những người dân Thủ đô. Anh Dương Thế Anh, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) là một trong những người như thế.
“Khi bão vừa tan, mưa còn chưa tạnh hẳn, tôi cùng bạn bè giúp địa phương dọn dẹp cây đổ. Gần 2 ngày miệt mài, chúng tôi đã cắt, dọn hàng trăm cây bị đổ”, anh Dương Thế Anh cho biết.
Cũng giống thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay khi mưa bão đang ở giai đoạn căng thẳng, anh Thế Anh vẫn công khai số điện thoại để sẵn sàng hỗ trợ mọi trường hợp cấp cứu, ốm đau… phải đi viện nhưng không gọi được xe cấp cứu. Hiện nay, khi mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc diễn ra phức tạp, anh lại kêu gọi bạn bè và tiếp tục hành trình mang gần 4 tấn hàng bao gồm gạo và các nhu yếu phẩm lên đường về với bà con vùng lũ…
Ấm áp tinh thần tương thân, tương ái
Hai ngày nay, khi nước các sông trên địa bàn dâng cao, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội và các địa phương vừa trực tiếp xuống địa bàn để chỉ huy giải quyết các việc phát sinh với mong muốn mọi người dân đều được an toàn.
Tại quận Bắc Từ Liêm, từ chiều 10-9 đến 2h ngày 11-9, đã hoàn thành việc di dời gần 1.000 người dân đến nơi ở an toàn tại 17 điểm thuộc nhà văn hóa phường, tổ dân phố, các trường học và bố trí đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho bà con.
Xúc động trước sự quan tâm kịp thời của các ủy, chính quyền các cấp, chị Phạm Thu Hường, tổ dân phố phường Đông Ngạc 1 cho biết: “Khi nước lũ dâng cao, từ tối 10-9, gia đình chúng tôi đã chuyển về nhà văn hóa của tổ dân phố để bảo đảm an toàn. Dù bão lũ, nhưng lực lượng hỗ trợ của địa phương đã cung cấp đầy đủ thực phẩm, đồ ăn ngon, vệ sinh cho các gia đình khiến chúng tôi rất xúc động”.
Cơn bão số 3 khiến ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Dung, ở cụm dân cư số 3, xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín) bị tốc mái. Ngay khi bão vừa tan, chính quyền địa phương đã rất kịp thời cử người đến dọn dẹp, sửa sang lại mái nhà cho chị. Đặc biệt, lãnh đạo huyện Thường Tín và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đến tận nhà thăm, trao quà động viên chị.
Xúc động trước sự quan tâm đặc biệt này, chị Nguyễn Thị Dung cho biết: “Đây là nguồn động viên rất to lớn đối với tôi, là động lực để tôi tiếp tục sống sau những mất mát do bão gây ra”.
Cũng ngay sau khi bão tan, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Mặt trận các cấp nắm bắt tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng vận động, tập hợp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Trong đó, Mặt trận các cấp đặc biệt chú trọng đến vận động nhân dân vệ sinh môi trường, thu dọn cây đổ, gãy, trồng lại cây xanh, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm mỹ quan đường phố, an toàn giao thông… để Thủ đô trở lại sáng - xanh - sạch - đẹp.
Mặt trận các cấp cũng khẩn trương rà soát, kịp thời có phương án hỗ trợ hoặc đề xuất hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, người neo đơn, ốm yếu, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để hộ gia đình nào gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão mà không được giúp đỡ.
Thực hiện sự chỉ đạo đó của MTTQ Việt Nam thành phố, đến thời điểm hiện tại, MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn mình 15,6 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa bão; tham gia cùng với chính quyền giúp dân di dời về nơi an toàn, nấu cơm đại đoàn kết cho các hộ dân thuộc diện di dời…
Sau 1 ngày ra “Lời kêu gọi”, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tiếp nhận 12 tỷ đồng ủng hộ các tỉnh bị bão lụt. Đến hết ngày 11-9, qua tài khoản ngân hàng, kho bạc và trực tiếp tại trụ sở, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp nhận gần 26 tỷ đồng ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do bão lũ...
Những khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 dù còn nhiều nhưng tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn của người dân vẫn luôn ngời sáng, ấm áp. Ngay tại những địa phương bị thiệt hại vẫn xuất hiện những tấm lòng hảo tâm luôn sẵn sàng hỗ trợ chỗ ăn ngủ miễn phí cho những gia đình phải di dời, bố trí nơi ở cho người vô gia cư, chia sẻ vật dụng thiết yếu cho những gia đình gặp khó khăn trong hoàn cảnh thiếu điện, thiếu nước.
Khó khăn rồi sẽ qua đi theo mưa bão nhưng tình người ấm áp trong những ngày gian khó vẫn luôn lấp lánh và còn mãi trong mỗi người dân Thủ đô…
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/am-tinh-dong-chi-nghia-dong-bao-677744.html