Ấm tình người trong biển lửa

Trong biển lửa, lửa đùn sau lưng, lửa chồm trước mặt, lửa trùm tứ phía, tiếng kêu cứu trong hoảng loạn khẩn thiết hơn bao giờ hết. Sau cơn bão lửa, thiệt hại, tang thương, nỗi đau hằn lên bao phận người. Thế nhưng, điều an ủi và đọng lại là tình người trong cơn hỏa hoạn.

“Động lực nào khiến mình có sự can trường, xông vào biển lửa cứu người?”, những người hùng Đồng Văn Tuấn, Hoàng Văn Tuấn, Phạm Quốc Luật trong vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính mới đây; Nguyễn Đăng Văn (Bắc Ninh) trong vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (Hà Nội); và trong vụ cháy kho đông lạnh tại một doanh nghiệp ở Phú Yên, đoàn viên Nguyễn Văn Chức, Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đều trả lời đơn giản: “Chỉ là hành động của người bình thường/ Nếu là người khác cũng sẽ hành động như tôi/ Vì muốn cứu người/ Vì nghe tiếng kêu cứu…”.

Hơn ai hết, họ phi thường trong cái gọi là bình thường. Trong tình cảnh tiếp cận nạn nhân càng gần, họ càng thấy sự khẩn thiết, càng thúc giục hành động nhanh nhất, dứt khoát nhất. Bởi cứu người trong hỏa hoạn, thời gian được tính bằng phút, bằng giây.

Họ là những người hùng. Xông vào biển lửa cứu người không quen biết, lao vào để cứu cháu gái trong đám cháy, hay là thực hiện nhiệm vụ - họ đã vượt qua bản năng giữ an toàn cho chính mình trong tai ương, lao vào chỗ hiểm nguy, nêu cao tinh thần vì người khác và chấp nhận hy sinh. Họ đã cứu hàng chục người, giảm thiểu thiệt hại về của, nhưng vẫn day dứt, đau đáu vì nếu có sức hơn, có sự hỗ trợ của phương tiện hiện đại hơn, chắc chắn họ sẽ làm được nhiều hơn thế.

Từ năm 2018-2023, cả nước xảy ra hơn 20.000 vụ cháy, làm chết 579 người. Còn trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 1.555 vụ cháy nổ, làm chết 28 người; đằng sau thiệt hại cũng ánh lên những tia sáng của tình người. Khi yêu thương và trách nhiệm cộng hưởng, cộng đồng, người dân, những người hùng, lực lượng chức năng, các đoàn thể, chính quyền địa phương… làm ấm lên tình người trong cơn hoạn nạn.

Trong khó khăn, hoạn nạn mới biết lòng người. Nhiều người ngỡ, lòng người như nguội lạnh trong thực tế cuộc sống hiện nay, ở chốn đô thị, người với người, nhà cách nhà có khi hàng ngày, hàng tháng không giáp mặt nhau. Thế nhưng, trong cơn bĩ cực, vượt lên trên tất cả là tinh thần “thương người như thể thương thân”, sẵn sàng lao vào hiểm nguy, ra sức hỗ trợ, dang tay giúp đỡ thiết thực nhất.

Dễ nhận thấy sự quả cảm, nhưng cũng sẽ dễ nhận ra sự xót xa của cộng đồng trước tai nạn thương tâm của người khác, để rồi âm thầm cứu giúp cái còn trong cái mất. May mắn thoát chết hay vĩnh viễn mất đi trong biển lửa, thì trong cuộc chiến sinh tử, họ không đơn độc, không bị bỏ lại phía sau.

“Nhất thủy, nhì hỏa”, “giặc lửa” không trừ một ai. Mùa nắng càng nóng chuyện bão lửa. Thực tế, nguyên nhân các vụ hỏa hoạn đôi khi chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa, một sự cố chập điện, hay bất cẩn nhỏ của con người, nhưng hậu quả lại cực kỳ nghiêm trọng khi cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của con người.

Do đó, cộng đồng trách nhiệm trong phòng chống cháy nổ không phải của riêng cá nhân, đơn vị nào, mà là cả cộng đồng xã hội, trong đó đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân. Và chúng ta hy vọng, tình người không chỉ ấm lên trong cơn hoạn nạn mà những điển hình, những việc tốt sẽ được nhân lên để cuộc sống tốt đẹp hơn.

NGỌC DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/316924/am-tinh-nguoi-trong-bien-lua.html