Ấm tình người trong mưa bão

Chiều tối 7-9, sau khi quét qua một loạt tỉnh, thành phố, bão số 3 đã hướng về Hà Nội. Cây cối đổ ngả nghiêng, mát tôn bị thổi bay ở nhiều nơi... Để ứng phó với trận bão mạnh nhất trong 30 năm qua, người dân Hà Nội đã chủ động gia cố nhà cửa, dự trữ lương thực, thực phẩm, hạn chế ra đường. Chính trong thời khắc thiên nhiên gieo gió bão khủng khiếp, tại Thủ đô đã xuất hiện rất nhiều những hành động, hình ảnh ấm áp tình người.

Kết đoàn, bao bọc nhau trong gió bão

Ngay từ đêm 6-9, trước khi bão vào, thực hiện yêu cầu của Thành ủy Hà Nội về di dời các hộ dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân, UBND quận Hoàng Mai đã triển khai di dời 48 hộ dân với 160 nhân khẩu ở khu tập thể cũ A7, phường Tân Mai sang Trường Tiểu học Tân Mai. Nhà A7, tập thể Tân Mai được xây dựng từ năm 1984, hiện đối mặt với tình trạng nguy hiểm ở mức độ C. Ngôi trường cách khu tập thể gần 500m, kèm các nhu yếu phẩm như mì ăn liền, nước uống, chăn, chiếu cho người dân. Phần nào an tâm cùng gia đình tránh bão, ông Nguyễn Quang Gánh tâm sự, khu nhà A7 xuống cấp nghiêm trọng mà chưa lần nào phải di dời. Lần này, trước những cảnh báo về mức độ tàn phá của bão số 3, chính quyền địa phương đã quyết định di dân, đây là hành động rất đúng đắn, kịp thời và nhân văn. Mọi người ai cũng cầu mong cơn bão sớm qua, không gây ra thiệt hại lớn, để người dân sớm ổn định cuộc sống.

 Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm phối hợp cùng UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) xử lý cắt cây bị gãy đổ. Ảnh: BẢO LONG

Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm phối hợp cùng UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) xử lý cắt cây bị gãy đổ. Ảnh: BẢO LONG

Từ sáng 7-9, Hà Nội bắt đầu có gió mạnh. Càng về chiều tối, trời Hà Nội càng mưa lớn, kèm gió giật mạnh. Đại đa số người dân Thủ đô lựa chọn việc ở nhà để bảo đảm an toàn trước sự càn quét của siêu bão Yagi.

Khác với sự bình yên sau cánh cửa của nhiều ngôi nhà, trên các tuyến phố, vì những lý do bất khả kháng, một số người vẫn phải ra đường. Mưa nặng hạt với gió thổi mạnh khiến người tham gia giao thông bằng xe máy chao đảo. Vì thế, đã xuất hiện rất nhiều hình ảnh cảm động khi người dân Thủ đô dìu nhau từ mặt đường vào nơi tránh trú. Trên cầu Nhật Tân, các xe ô tô đã đi chậm, nối thành đoàn để chắn gió, “dìu” cho những chiếc xe máy lưu thông an toàn. Trong cơn cuồng phong của đất trời, thay vì chỉ lo cho an toàn của bản thân, chủ những chiếc ô tô ấy đã kết đoàn để bảo vệ đồng bào mình đang trong cơn hoạn nạn. Một hình ảnh đẹp, ấm lòng trong gió bão!

Bảo đảm an toàn, cung ứng đủ nhu yếu phẩm cho người dân

Bão số 3 khi vào Hà Nội đã quật ngã nhiều cây cối, hàng loạt mái tôn, biển quảng cáo bị thổi bay, quán hàng tốc mái. Trên các tuyến phố, lực lượng chức năng nhanh chóng huy động lực lượng dọn dẹp các cây đổ gãy. Cùng với gió mạnh là mưa rất to. Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mưa tại khu vực Hà Nội sẽ phổ biến ở mức 200-300mm, có nơi lên tới 400mm. Nguy cơ xảy ra ngập úng ở đô thị và sạt lở đất ở các vùng đồi núi, lũ quét ở khu vực các huyện ngoại thành Hà Nội là rất lớn.

Đối với ngành điện, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã huy động 100% lực lượng ứng trực, sẵn sàng triển khai các phương án để bảo đảm an toàn cho người dân và cung cấp điện liên tục, ổn định trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, vẫn có những địa bàn xảy ra sự cố, mất điện trong khoảng thời gian nhất định. Sở Công Thương Hà Nội cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng, siêu thị bảo đảm dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, bảo đảm thực hiện phương châm "4 tại chỗ"... Sở Công Thương Hà Nội cam kết, trong bất kỳ tình huống nào, hệ thống siêu thị và chợ truyền thống của Hà Nội cũng có đủ lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân Thủ đô.

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn... Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước. Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, phó mặc công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/am-tinh-nguoi-trong-mua-bao-793049