Ấm tình người trong những ngày giãn cách xã hội

Trong những ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tình người lúc khó khăn càng lan tỏa mạnh mẽ. Những phần cơm, bánh mì, ATM gạo miễn phí luôn sẵn sàng san sẻ với người cần.

Tủ bánh mì miễn phí trên đường Bình Phú, quận 6.

Tủ bánh mì miễn phí trên đường Bình Phú, quận 6.

Trong những ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tình người lúc khó khăn càng lan tỏa mạnh mẽ. Những phần cơm, bánh mì, ATM gạo miễn phí luôn sẵn sàng san sẻ với người cần.

Ngay khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, hệ thống MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể ở thành phố đã tiến hành quyên góp, trao tặng hàng nghìn phần quà gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm như gạo, mì, trứng, sữa, khẩu trang... cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cùng với đó, nhiều hoạt động thiện nguyện cũng được các cá nhân, nhóm cộng đồng khởi xướng theo nhiều cách khác nhau. Nhóm thì mua thực phẩm, gạo, mì để gửi vào cho người dân ở các khu cách ly, khu phong tỏa. Nhóm thì nấu cơm và mang đến trao tặng cho các chốt chống dịch. Nhóm thì tổ chức phát cơm, phát bánh mì cho người lao động nghèo, bị mất việc do dịch.

Cả tuần nay, cứ từ 7 giờ sáng đến chiều muộn, tủ bánh mì 0 đồng tại địa chỉ 119, đường Bình Phú, phường 11, quận 6 luôn có người đến nhận. Tủ bánh không hạn chế số lượng cũng như số lần nhận trong ngày, ai cần cứ lấy đủ dùng. Ý tưởng làm tủ bánh do anh Nguyễn Hữu Lộc khởi xướng. "Đây là lần thứ hai tôi thực hiện tủ bánh mì này. Khi thành phố giãn cách xã hội, tôi cùng các bạn mua bánh mì, cá hộp, mì gói… để trong tủ, ai cần cứ lấy đủ dùng. Khi nhiều người biết tủ bánh này đã đóng góp thêm nước uống, khẩu trang… Vậy là tủ bánh thêm phong phú, có nhiều món cho người cần", anh Lộc cho hay.

Tủ bánh "Thạch Sanh" này chưa khi nào vơi, không ai cần mà phải về tay không. Nhận bánh đa số là những người khuyết tật, bán vé số, chạy xe ôm... bị mất nguồn thu nhập do dịch. Khi triển khai mô hình, anh Lộc cũng đã tính toán để thực hiện một cách an toàn, bảo đảm phòng, chống dịch. "Những phần quà này đã giúp tôi vượt qua những ngày khó khăn, không lo đói khi mất việc làm", bà Tâm, 58 tuổi, một người lao động tự do, xúc động cho biết.

Tại con hẻm 293, đường Quang Trung (quận Gò Vấp), những ngày qua, không khí lao động tại gian bếp của anh Dương Thiện Chơn (38 tuổi) trở nên tất bật hơn. Người nhặt rau, người vo gạo, người nấu nướng để chuẩn bị cả trăm suất cơm nóng gửi những người đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. "Ban đầu, chúng tôi dự tính làm các suất cơm để gửi đến hộ dân gặp khó khăn. Sau khi trao đổi với chính quyền, nắm bắt tình hình thực tế, nhóm thống nhất tặng cả cơm trưa cho chiến sĩ đang trực tại các chốt kiểm soát dịch ở Gò Vấp", anh Chơn cho biết. Cũng theo anh Chơn, hai năm nay, quán cũng nhiều lần phải đóng cửa do dịch, gia đình anh cũng phải rất cố gắng để duy trì quán. Nhưng anh vẫn muốn được chia sẻ với những người gặp khó khăn hơn mình.

Còn anh Nguyễn Thế Mỹ, chủ một quán chay trên đường Nguyễn Chí Thanh, phường 2, quận 10, ngày nào cũng chế biến từ 300 đến 500 suất cơm tặng người khó khăn. Mọi thành viên trong gia đình đã gác lại mọi công việc cùng nhau dậy sớm đi chợ, mua đồ và nấu nướng. Sau khi nấu chín, cơm được đóng gói và phát cho người cần. Để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, chính quyền địa phương đã cử người đến hỗ trợ gia đình.

Anh Mỹ cho biết, mội phần quà trị giá khoảng 40 nghìn đồng do các nhà hảo tâm tài trợ. Mọi người chia thời gian phát cơm từ 10 giờ đến 10 giờ 30 phút hằng ngày có sự hỗ trợ của UBND phường, ai cũng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách... Mọi người đến đây đều nhận được phần quà gồm hộp cơm, chai nước suối, bánh ngọt và thay đổi mỗi ngày như bún, bánh, trái cây hoặc sữa.

"Gian hàng 0 đồng chia sẻ cùng khu cách ly" tại hẻm 17, đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú nhận được sự đồng tình của nhiều người. Gian hàng gồm hơn 100 ký rau, củ với 12 loại; hàng trăm gói mì; 500 quả trứng; 160 ký thịt heo; 40 chai dầu ăn; 100 đồ hộp các loại được sắp đặt ngăn nắp trên quầy kệ. Mỗi ngày, gian hàng phục vụ cho hơn 300 nhân khẩu của 73 hộ gia đình khu vực này. Chủ tịch UBND phường Tân Quý Nguyễn Quốc Huy bày tỏ, mô hình gian hàng 0 đồng này giúp người dân trong khu vực cách ly cảm thấy ấm lòng hơn, người dân có thể tự chọn lựa những sản phẩm cần thiết theo nhu cầu của gia đình mình để thực hiện tốt chuỗi ngày cách ly phòng dịch.

Mới đây, ATM gạo đầu tiên trong làn sóng dịch thứ tư cũng đã rót gạo tại phường Thạnh Lộc (quận 12), nơi đang cùng quận Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người được nhận 2 ký một lần trong ngày.

Người sáng chế ATM gạo Hoàng Tuấn Anh cho biết, chương trình lần này được Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đứng ra tiếp nhận và kêu gọi ủng hộ gạo. Trước tình hình nhiều người lâm cảnh khó khăn, thất nghiệp vì dịch bệnh kéo dài, được sự ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành và toàn thể cộng đồng, ban tổ chức ATM gạo hy vọng sẽ huy động được thêm vài trăm tấn gạo phục vụ người dân vượt qua đại dịch Covid-19.

Việc điều hành quy trình lấy gạo sẽ do chính quyền địa phương, Quận đoàn quận 12 tổ chức thực hiện. Phó Bí thư Quận đoàn quận 12 Lê Thành Đạt cho biết, phường Thạnh Lộc có nhiều lao động tự do, nhiều hộ khó khăn, Quận đoàn hỗ trợ các tình nguyện viên hướng dẫn người dân đến nhận gạo bảo đảm an toàn, giãn cách phòng dịch Covid-19.

Còn nhiều, rất nhiều những điểm tặng thức ăn, thực phẩm miễn phí ở hầu hết các quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong những lúc khó khăn, người dân thành phố càng thể hiện tinh thần hào hiệp, sẻ chia, cùng dìu nhau qua lúc cao điểm của dịch bệnh.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/am-tinh-nguoi-trong-nhung-ngay-gian-cach-xa-hoi-649678/