Ấm tình quân dân trong bão lũ

Do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày vừa qua đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập lụt trên diện rộng, khiến hàng nghìn hộ dân bị nước lũ cô lập, gi ao thông bị ách tắc... Đặc biệt, mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về, cầu Phong Châu bị sập một phần, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Giữa lúc nguy nan nhất, các lực lượng chức năng, Công an, Quân đội nhanh chóng có mặt, không quản ngại gian khổ để cứu người, cứu tài sản, trở thành điểm tựa vững chắc cho Nhân dân.

LLVT tỉnh triển khai công việc trong đêm tại Sở chỉ huy dã chiến đầu cầu Phong Châu sau khi xảy ra sự cố sập cầu.

LLVT tỉnh triển khai công việc trong đêm tại Sở chỉ huy dã chiến đầu cầu Phong Châu sau khi xảy ra sự cố sập cầu.

Ứng cứu nơi “tuyến đầu”

Vào hơn 10h sáng 9/9, cầu Phong Châu tại km18+200, QL.32C bị sự cố gãy trụ T7 và sập 2 nhịp từ trụ T6 đến trụ T8 khiến một số xe ô tô, mô tô đang lưu thông trên cầu bị rơi xuống sông, giao thông gián đoạn. Ngay khi nhận được tin báo, Bộ CHQS tỉnh đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Công an, các đơn vị của Quân khu 2 có mặt tại hiện trường cùng các trang, thiết bị xuyên đêm lập Sở chỉ huy, lên phương án tìm kiếm cứu nạn và khảo sát vị trí làm cầu phao dã chiến.

Cùng với Quân đội, Công an tỉnh nhanh chóng lên phương án phân luồng giao thông, thành lập Tổ tiếp nhận thông tin 24/24h xác minh người bị nạn và phân công trực bảo đảm ANTT. Đại tá Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin: Xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu, Công an tỉnh nhanh chóng huy động lực lượng ứng trực ở nhiều điểm, lập nhiều lều dã chiến ở các chốt kiểm soát. Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh xuyên đêm làm nhiệm vụ ứng trực bảo đảm ANTT. Mỗi khi khó khăn, khi Đảng, Nhà nước, Nhân dân cần, lực lượng Công an không quản ngày đêm, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Những ngày qua, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an vào những nơi mưa bão khốc liệt nhất, dầm mình trong mưa gió để giúp đỡ Nhân dân di chuyển người và tài sản về nơi tránh, trú an toàn đã trở nên quen thuộc với mọi người dân. Đặc biệt, tại huyện Hạ Hòa, ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, lượng nước thượng nguồn đổ về lớn làm mực nước sông Thao tại Ấm Thượng dâng cao nhanh, trên báo động III là 2,27m, nước ngập trên diện rộng, nhiều hộ dân ở các xã: Tứ Kỳ, Hiền Lương, Xuân Áng... bị nước lũ cô lập. Trước tình hình đó, từ ngày 9/9, các đơn vị Quân đội thường xuyên duy trì trên 500 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị: Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316), Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện Hạ Hòa và Kho K5 (Cục Kỹ thuật, Quân khu 2) cùng dân quân tự vệ địa phương phối hợp với lực lượng Công an hỗ trợ người dân ứng phó với bão lũ. Tại những điểm ngập úng, các hộ dân bị cô lập, cán bộ, chiến sĩ trằm mình trong mưa, trực tiếp tham gia sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi tránh, trú an toàn, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra...

Bà Nguyễn Thị Thoa, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, một trong những hộ dân phải di dời do nước lũ xúc động chia sẻ: "Tôi cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, Công an, Quân đội không quản khó khăn, vất vả đến giúp tôi cũng như những hộ dân trên địa bàn di dời tài sản, đảm bảo an toàn khi nước lũ về. Mong các đồng chí giữ gìn sức khỏe để tiếp tục đồng hành, giúp đỡ Nhân dân. Cảm ơn các đồng chí rất nhiều!".

Tại huyện Phù Ninh, ngày 10/9, mực nước sông Lô lên nhanh khiến hàng trăm nhà dân ngoài đê bị ngập. Nặng nhất là tại khu 5, khu Long Châu và khu Trung Dầu xã Bình Phú bị nước ngập cô lập hoàn toàn, buộc 200 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Lực lượng Quân đội, Công an huyện đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ và dân quân phối hợp với Tiểu đoàn 19 (Bộ Tham mưu Quân khu 2) cùng lực lượng tại chỗ ứng cứu kịp thời.

Thượng tá Đỗ Cao Cường - Chính trị viên Ban CHQS huyện Phù Ninh cho biết: Nhờ bám sát tình hình mưa lũ, khi nước trên sông Lô lên nhanh, Ban CHQS huyện Phù Ninh nhanh chóng huy động lực lượng bám trụ cùng Nhân dân tại những nơi có nguy cơ ngập úng để sẵn sàng ứng cứu. Một số hộ dân bị cô lập, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh huy động xuồng máy nhanh chóng đưa người, tài sản ra khỏi vùng ngập úng, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho Nhân dân...

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh giúp đỡ di dời người dân vùng ngập lụt về nơi tránh, trú an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh giúp đỡ di dời người dân vùng ngập lụt về nơi tránh, trú an toàn.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động lực lượng, phương tiện xuống các địa phương ứng phó, xử lý các sự cố thiên tai; hỗ trợ Nhân dân di dời tài sản, khắc phục hậu quả thiệt hại. Trong đó, lực lượng Công an huy động 100% quân số từ cấp tỉnh đến huyện, xã và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Lực lượng Quân đội huy động 1.560 cán bộ, chiến sĩ, 13.633 dân quân tự vệ, 59 ô tô, 7 xe thiết giáp, 17 xuồng cao tốc các loại để hỗ trợ người dân ứng phó với mưa bão.

Sự đồng hành, vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm của các ngành chức năng và lực lượng Công an, Quân đội đã nhận được sự cảm phục của người dân trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Vĩnh, khu 2, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa cho biết: "Khi nước dâng cao, rất may mắn chúng tôi có bộ đội đến giúp đã di chuyển được toàn bộ tài sản của gia đình, không bị thiệt hại do lũ. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến cán bộ, chỉ huy và anh em chiến sĩ".

Lực lượng Công an tham gia vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả do mưa lũ trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa.

Lực lượng Công an tham gia vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả do mưa lũ trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa.

Theo thống kê sơ bộ, tính từ ngày 7 đến ngày 12/9, các lực lượng chức năng, Công an, Quân đội đã hỗ trợ, di dời khẩn cấp hơn 7.000 hộ dân do bị ngập lụt và sạt lở đất. Nhiều nhất là huyện Hạ Hòa với 4.311 hộ, Cẩm Khê 773 hộ, Phù Ninh 708 hộ... cùng nhiều hoa màu, tài sản, nhà cửa bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 250 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại do sự cố sập cầu Phong Châu).

Hiện nay, nước lũ đang rút, các lực lượng chức năng tiếp tục huy động nhân lực vệ sinh trường học, trụ sở làm việc, giúp Nhân dân dọn dẹp nhà cửa, hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Đại tá Nguyễn Đình Cương - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Khi nước lên LLVT tỉnh đã huy động nhân lực, vật lực, trang, thiết bị giúp Nhân dân sơ tán đến nơi an toàn. Bây giờ, khi nước rút, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung xác định các địa điểm nước rút để đưa người, tài sản của Nhân dân trở về, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phục vụ đời sống, sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau...

Bão lũ đi qua để lại nhiều thiệt hại nặng nề, nhưng với sự có mặt kịp thời của LLVT cùng Nhân dân khẩn trương ứng phó với bão lũ sẽ mãi là những hình ảnh cao đẹp trong lòng cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những việc làm thấm đẫm tình người nơi bão lũ một lần nữa khẳng định tình quân - dân như cá với nước, luôn gắn bó keo sơn, bền chặt.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/am-tinh-quan-dan-trong-bao-lu-219084.htm