Ấm tình quân - dân trong bão lũ

Mặc dù được dự báo từ sớm, từ xa và cảnh báo thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng với sức gió quá mạnh, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đặc biệt, hoàn lưu sau bão đã gây ra trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Theo thống kê của các địa phương mà bão Yagi đi qua, tính đến 7 giờ ngày 16-9, có 330 người chết và mất tích; khoảng 2.000 người bị thương; khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều... Riêng trận lũ quét xảy ra tại thôn Làng Nủ, tính đến 11 giờ ngày 15-9, có 66 người chết và mất tích. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố ở miền Bắc, dự kiến GDP năm nay của cả nước sẽ thấp hơn 0,15% so với kịch bản đề ra.

Điều đáng mừng là những nỗ lực không ngừng nghỉ của các lực lượng vũ trang trong công tác cứu hộ, cứu nạn đã mang lại hy vọng và nhân lên niềm tin cho nhân dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ do bão Yagi gây ra. Quân đội đã huy động hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng công an, dân quân tự vệ có mặt tại những nơi nguy hiểm, xung yếu hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả nặng nề do bão Yagi gây ra. Sự có mặt kịp thời giúp nhân dân trong lúc khó khăn của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã để lại những tình cảm và hình ảnh cao đẹp trong lòng nhân dân.

Bão Yagi - cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong 30 năm qua đã tàn phá nặng nề các tỉnh, thành miền Bắc vừa đi qua, hơn 10.000 chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang Thủ đô và các đơn vị quân đội đã được huy động. Mỗi người một việc, ai cũng khẩn trương cưa cành, chặt cây, vận chuyển, tận tụy, miệt mài như đang dọn dẹp ở chính làng quê mình, giúp nhân dân như giúp chính người thân của mình. Hay như khi nhận được tin báo về trận lũ quét, sạt lở đất ở Làng Nủ, ngay trong đêm ngày 10, rạng sáng 11-9, Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 và 300 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2 đã có mặt tại hiện trường cùng các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân mất tích. Mới đây nhất, sáng 16-9, tại bến Ruộng, khu 5 Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã trở thành công trường bận rộn khi Lữ đoàn 249, Bộ Quốc phòng tiến hành kè bờ để phục vụ lắp đặt cầu phao, tạo điều kiện cho người dân tỉnh Phú Thọ đi lại thuận tiện sau sự cố sập 2 nhịp cầu Phong Châu do mưa lũ…

Cũng đã có những mất mát, hy sinh trong bão, lũ của lực lượng vũ trang khi làm nhiệm vụ. Đó là sự hy sinh của Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 khi đang cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân bản Đất, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Đó là sự hy sinh của Thiếu tá Tăng Bá Hưng công tác tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 653, Cục Hậu cần, Quân khu 3 trong lúc giúp địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng…

Những nghĩa cử cao đẹp được trao đi, cùng nhau vượt qua hiểm nguy, gian khó trong bão lũ cho thấy, với ý chí quyết tâm cao, những người lính bộ đội Cụ Hồ, chiến sĩ Công an nhân dân đã không ngại gian khó, hiểm nguy, đến nay vẫn dầm mình trong bùn đất để tìm kiếm những nạn nhân mất tích, hay len lỏi trong từng thôn cùng, ngõ hẹp để cứu giúp nhân dân vượt qua đau thương, mất mát. Bão lũ rồi sẽ qua đi, nhưng nghĩa đồng bào, tình quân - dân thì còn mãi và ngày thêm gắn kết, thêm tự hào về một dân tộc Việt Nam kiên cường, giàu lòng nhân ái.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/162796/am-tinh-quan-dan-trong-bao-lu