Âm vang Chiến thắng Cổ Cò

Chiến thắng Cổ Cò là trận phục kích tấn công đoàn xe quân sự của quân Pháp, lập chiến công xuất sắc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 2001, Di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia.TỰ HÀO TRANG SỬ VẺ VANG

Cuối năm 1946, thực dân Pháp bội ước, trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Từ đó, cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã trở thành cuộc chiến tranh nhân dân trên phạm vi toàn quốc.

Cựu chiến binh, đoàn viên ôn lại truyền thống vẻ vang tại Khu di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè.

Cựu chiến binh, đoàn viên ôn lại truyền thống vẻ vang tại Khu di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè.

Tại Nam bộ, ngày 22-1-1947, Tiểu đoàn Ne-on của Pháp đang cùng quân địa phương càn quét dài ngày ở Chợ Mới, Long Châu Tiền (nay thuộc tỉnh An Giang), trên đường hành quân rút về Sài Gòn, đi qua địa phận xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã bị Chi đội 18 do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến làm Chi đội trưởng cùng Chi đội 17 và Đại đội học viên Trường Quân chính Khu 8, Quốc vệ Đội và du kích địa phương tiến hành phục kích.

Đúng như kế hoạch tác chiến, đoàn xe quân sự của Pháp bị đánh bất ngờ, chống trả yếu ớt, sau 2 giờ chiến đấu, đại bộ phận tiểu đoàn binh cơ giới thiện chiến của Pháp thiệt mạng 170 tên, 15 tên địch bị bắt, 14 xe quân sự bị phá hủy (trong đó có 8 xe thiết giáp), ta thu hơn 130 khẩu súng các loại…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 cho biết, Chiến thắng Cổ Cò không chỉ gây một tiếng vang lớn trong nước mà vang ra khắp cả Đông Dương lúc bấy giờ. Từ Chiến thắng Cổ Cò, khắp nơi trên đất nước ta sục sôi phong trào đánh thực dân Pháp ngay cả trong các đồn trú và trên chiến trường của quân và dân ta.

76 năm đã trôi qua kể từ đêm Mùng 1 Tết Đinh Hợi (năm 1947), Chiến thắng Cổ Cò mãi âm vang khúc quân hành để chúng ta ôn lại quá khứ, cảm nhận sâu sắc hơn về sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, thêm tự hào và tiếp bước để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Với phương châm “lấy ít đánh nhiều, lấy thô sơ thắng trang bị hiện đại”, quân và dân ta, đặc biệt là Chi đội 17, Đại đội học viên Trường Quân chính Khu 8, Quốc vệ Đội và du kích địa phương đã phát huy tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng chiến đấu đánh địch bằng vũ khí thô sơ như súng trung liên, lựu đạn... đã đánh thắng và tịch thu vũ khí của địch tại trận địa để tiếp tục tiêu diệt địch. Đó chính là nghệ thuật quân sự mưu trí, linh hoạt trong chỉ đạo về mặt tác chiến của quân ta.

Yếu tố nổi bật trong trận đánh này là quân và dân ta đã rất thành công trong việc tổ chức cách đánh phục kích giao thông, hệ thống quân báo nhân dân và quân báo vũ trang (còn gọi là tình báo) đã nắm rất chắc thông tin. Từ đó đã lên kế hoạch, tổ chức, triển khai trận địa phục kích, tập trung hai bên lộ là chính để đánh địch trên một đoạn đường dài nhưng tính bí mật rất cao khiến địch hoàn toàn không phát hiện được.

Trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến, thắng lợi trong trận đánh Cổ Cò là trận phục kích thắng lợi đầu tiên trên chiến trường Khu 8, mở đầu cho những chiến thắng liên tiếp với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG, XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Năm tháng đã đi qua, Chiến thắng Cổ Cò vẫn mãi là niềm kiêu hãnh không chỉ riêng của quân và dân xã An Thái Đông, mà còn là niềm tự hào của cả nhân dân Nam bộ và cả dân tộc Việt Nam. Đó còn là niềm tin và động lực để Đảng ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, thanh niên xã An Thái Đông luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao để vươn lên xây dựng, kiến thiết quê hương, phấn đấu xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2021.

Quang cảnh khu Di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò.

Quang cảnh khu Di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò.

Chủ tịch UBND xã An Thái Đông Nguyễn Thanh Sang cho biết: “Xã An Thái Đông có vị trí địa lý thuận lợi, đường thủy có sông Cổ Cò, đường bộ có Quốc lộ 1, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đường tỉnh 861... nên rất thuận tiện cho việc giao lưu, lưu thông hàng hóa. Đồng thời, phát triển nông nghiệp, chủ yếu là vườn cây ăn trái như: Sầu riêng, mít… cũng là một lợi thế của xã nhà để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dựa trên những điều kiện thuận lợi, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã An Thái Đông luôn chung sức, đồng lòng, vượt khó để xây dựng, phát triển xã nhà ngày càng văn minh, hiện đại. Trong đó, gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con địa phương. Hằng năm, Đảng bộ và chính quyền xã tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM để phấn đấu, thực hiện thành công các tiêu chí NTM nâng cao vào năm 2024”.

“Hằng năm, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể, trong đó có Hội Cựu chiến binh xã An Thái Đông thường xuyên quét dọn, chăm sóc khu di tích, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương, đất nước.

Di tích Chiến thắng Cổ Cò là “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, do đó, Hội Cựu chiến binh xã còn phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tuyên truyền, giáo dục học sinh tại các trường học tại địa phương về những chiến công oanh liệt của ông cha ta ngày trước để phát huy sức trẻ góp phần xây dựng quê hương” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thái Đông Trần Ngọc Lợi cho biết.

Được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp đó, thế hệ trẻ hôm nay càng biết ơn, trân trọng những công ơn to lớn ấy, càng ý thức được trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và quê hương, đất nước. Đoàn viên xã An Thái Đông Võ Hoàng Gia Nghi chia sẻ: “May mắn khi được sống trong thời bình, chúng em càng trân trọng và biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập hôm nay. Thanh niên chúng em luôn ra sức học tập, làm việc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào do đơn vị, địa phương tổ chức và không quản ngại gian khó để tiếp sức mình xây dựng quê hương, xứng danh là người con của quê hương anh hùng”.

HẢI ĐĂNG - HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202406/am-vang-chien-thang-co-co-1012039/