Âm vang trống hội ngày xuân

Mùa Xuân về, hòa trong không khí rộn ràng, tươi mới của đất trời là tiếng trống khai hội ở khắp mọi miền quê. Tiếng trống hội vừa âm vang, vừa thanh thoát như thúc giục, níu kéo, gọi mời khiến lòng người thêm háo hức, hân hoan.

Đội trống Lũy Tre Xanh, xã Yên Ninh (Ý Yên) biểu diễn khai mạc lễ hội Kỳ phúc, đình làng Vạn Điểm, thị trấn Lâm.

Đội trống Lũy Tre Xanh, xã Yên Ninh (Ý Yên) biểu diễn khai mạc lễ hội Kỳ phúc, đình làng Vạn Điểm, thị trấn Lâm.

Đình làng Vị Khê, xã Nam Điền (Nam Trực) ngày 12/1 âm lịch hàng năm, tiếng trống khai hội dồn dập, rộn vang. Đình làng Vị Khê hiện thờ Bản Cảnh Thành Hoàng Hổ Mang Đại Vương là tướng công Nguyễn Công Thành, người đã có công giúp Ngô Vương Quyền đánh giặc Nam Hán và thờ ông tổ làng nghề trồng hoa, cây cảnh là Tô Trung Từ. Theo sách nhà Trần, quan Thái úy Tô Trung Từ đã đến Nguyễn Gia trang, nay là làng Vị Khê, thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đồng màu mỡ, dân cư thuần phác và khéo tay nên ông đã lập hành cung để làm nơi đi về. Về sống tại đây, ngoài việc khuyến khích sản xuất, mở rộng nghề nông trang, ông còn dạy cho dân làng Nguyễn Gia trang nghề trồng hoa, cây cảnh. Để tri ân công đức to lớn của cụ tổ làng nghề, từ năm 2005, làng đã khôi phục tổ chức lễ hội truyền thống làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê (từ ngày 12 đến 16/1 âm lịch). Vào ngày khai mạc lễ hội (12 tháng Giêng), đội trống thôn Phú Hào, xã Nam Điền thường biểu diễn tiết mục múa trống khai hội với những động tác đan xen những hồi trống như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống... hấp dẫn người xem. Sau màn trống khai hội vừa dứt, mọi người hân hoan, háo hức dự lễ, chơi hội, ngắm các tác phẩm hoa, cây cảnh được tạo ra từ những đôi bàn tay tài hoa của những người con làng nghề.

Được thành lập từ năm 2014, đội trống thôn Phú Hào tập hợp các thành viên nam từ 16-55 tuổi trong thôn có niềm đam mê với trống. Sau 10 năm hoạt động, từ nguồn xã hội hóa và đóng góp của các thành viên, đến nay, đội trống có dàn trống 20 chiếc từ nhỏ, lớn, đại và 5 chập cheng, phục vụ biểu diễn các sự kiện văn hóa, thể thao trong và ngoài thôn. Trống được làm tại làng nghề trống Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Để có các bài biểu diễn đảm bảo về thẩm mỹ, đáp ứng yêu cầu về âm sắc, các thành viên trong đội trống tự tham khảo trên mạng internet, thành viên có kinh nghiệm truyền dạy cho các thành viên mới. Không chỉ tham gia biểu diễn tại lễ hội truyền thống làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, đội trống thôn Phú Hào còn tham gia biểu diễn trong các lễ hội của địa phương và các vùng lân cận như Hội kéo cõi làng Phú Hào (14/3 âm lịch), Lễ hội đình Quan Trạng (15/8 âm lịch); Lễ Phật đản chùa Phú Hào, cổ vũ các giải bóng đá trong xã, giải đua thuyền xã Nam Xá (6 đến 10/8 âm lịch), các trò chơi dân gian trong các lễ hội...

Trong ký ức của nhiều người dân các địa phương còn nhớ tiếng trống đêm Giao thừa ở đình làng không chỉ có ý nghĩa xua tan điều rủi trong năm cũ mà còn nhắc nhở các thế hệ con cháu tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Với các đội trống, biểu diễn trong đêm Giao thừa cũng mang những cảm xúc riêng trong thời khắc bước sang năm mới. Những ngày này, vào mỗi buổi tối, tiếng trống tập luyện từng nhịp lại vang lên ở nhà văn hóa La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). Ông Dương Văn Hòa, đội trưởng đội trống Lũy Tre Xanh, xã Yên Ninh cho biết: những ngày gần Tết Nguyên đán, dù ai cũng bận công việc riêng nhưng các thành viên trong đội trống vẫn sắp xếp cùng tập trung tập luyện để có những tiết mục đảm bảo về âm sắc, có tính thẩm mỹ, đồng đều. Năm 2014, đội trống được thành lập với 30 thành viên nam và nữ ở độ tuổi từ 45-65, đa phần là những người nông dân chăm lao động, sản xuất và yêu tiếng trống. Sau những ngày lao động vất vả các thành viên lại say sưa luyện tập các điệu trống. Đến nay, đội trống Lũy Tre Xanh đã biểu diễn ở nhiều lễ hội, sự kiện trong và ngoài xã cũng như các tỉnh lân cận như: Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình... Thời điểm này, đội đang gấp rút tập luyện các tiết mục để phục vụ trống hội đêm Giao thừa ở đình làng, các chương trình mừng thọ, khai hội kéo lửa làng Ninh Xá Hạ (mồng 5 Tết)...

Ở xã Hồng Thuận (Giao Thủy), Câu lạc bộ (CLB) Trống hội quê hương của hội viên phụ nữ xã tuy mới thành lập được gần 3 năm nhưng đã phát triển ổn định, biểu diễn trong nhiều sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương. Tháng 6/2023, dưới sự khởi xướng của thầy Thích Đàm Tín, chủ trì chùa Hà Cát cùng ủng hộ từ các nguồn lực, CLB Trống hội quê hương được thành lập với 40 thành viên là hội viên phụ nữ từ 35-50 tuổi. CLB đã mời giáo viên có kinh nghiệm âm nhạc, biểu diễn để sửa dáng cho từng thành viên, kết hợp với tự nghiên cứu, chọn chủ đề, biên đạo các bài biểu diễn từ cơ bản đến nâng cao, luyện tập cùng nhau đều đặn mỗi ngày. Không chỉ thể hiện kỹ năng đánh trống, CLB còn kết hợp sáng tạo giữa trống - âm nhạc - múa, tạo nên những màn múa vừa hiện đại vừa truyền thống. Từ nguồn xã hội hóa, đến nay CLB có 29 trống, 2 đôi thanh la, 1 chiêng cùng đầy đủ trang phục biểu diễn. Các chị em cùng nhau say sưa tập luyện và có nhiều đóng góp để CLB ngày càng phát triển. CLB Trống hội quê hương xã Hồng Thuận không chỉ biểu diễn trong các sự kiện, lễ hội dịp đầu xuân năm mới mà còn biểu diễn trong các sự kiện văn hóa, chính trị - xã hội với các bài biểu diễn chủ đề như “Giao Thủy trên con đường đổi mới xây dựng nông thôn mới nâng cao, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”, ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, hào khí Việt Nam... Tiếng trống trầm hùng và những màn múa uyển chuyển, đẹp mắt của hội viên phụ nữ CLB không chỉ cổ vũ, động viên mỗi người cố gắng vươn lên trong cuộc sống đời thường mà còn thúc giục những bước chân tìm về với cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn tới các bậc tiền nhân đã có công với dân với nước, đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa của miền quê Giao Thủy anh hùng.

Tiếng trống âm vang, rộn ràng là một phần không thể thiếu trong lễ hội hay các sự kiện văn hóa, thể thao dịp đầu xuân năm mới ở nhiều miền quê. Những thanh âm hào hùng, lúc trầm lúc bổng, lúc nhẹ nhàng, lúc dồn dập như sợi dây vô hình kết nối quá khứ và hiện tại, nhắc nhớ về cội nguồn, thôi thúc ước nguyện cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Diệu Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/am-vang-trong-hoi-ngay-xuan-2dc13ca/