Âm vang xứ sở Chăm

Trong tiếng kèn Saranai, trống Baranâng, trống Ginăng hòa quyện tạo nên âm thanh lúc mạnh mẽ, khi trầm lắng, các bài hát, bài thơ, đồng dao, những điệu múa gắn với nghi lễ của dân tộc Chăm đã được giới thiệu tới đông đảo khán giả. Mượn âm nhạc để kết nối, lan tỏa, những bạn trẻ người Chăm đã tự hào quảng bá văn hóa của mình.

Hòa vào lễ hội Chăm qua âm nhạc

“Chúng tôi cùng ở Hà Nội và mọi người chuẩn bị chuyển ra Nha Trang để làm việc. Nhân dịp mấy bạn còn ở đây, tôi muốn giới thiệu văn hóa Chăm, vì một mình tôi khó mà làm được. Vì vậy, chúng tôi nhanh chóng luyện tập, tổ chức buổi diễn. Thông qua biểu diễn âm nhạc và trò chuyện với khán giả, chúng tôi mong muốn giới thiệu về văn hóa, lễ tục Chăm tới bạn bè, người quan tâm ở Hà Nội và khán giả trực tuyến” - anh Trượng Văn Sô, thành viên Mạng lưới Tiên phong Việt Nam chia sẻ về chương trình “Âm vang xứ sở Chăm - từ Panduranga ra Hà Nội” diễn ra cuối tuần qua.

Ý tưởng ấy nhanh chóng được các thành viên Mạng lưới Tiên phong Việt Nam và Liên minh Sáng kiến văn hóa Việt Nam hưởng ứng. Chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, đồng sáng lập Liên minh Sáng kiến văn hóa Việt Nam cho biết, chương trình là hoạt động khá hiếm hoi về nghệ thuật Chăm được biểu diễn tại Hà Nội. Các nghệ sĩ trẻ muốn giới thiệu văn hóa của mình tới mọi người và buổi biểu diễn được chuẩn bị khá nhanh, chỉ khoảng một tuần. Chương trình đi từ chất nghệ sĩ của các bạn diễn, đều là những người đã thực hành âm nhạc tín ngưỡng ở cộng đồng, qua quá trình trưởng thành, đến nay đưa vào sáng tạo trẻ và độc đáo.

Chương trình được tổ chức còn để chào đón Lễ xứ sở Chăm - Rija Nagar sắp diễn ra vào tháng 1 lịch Chăm (tháng 5 dương lịch), mở đầu cho hàng loạt lễ hội trong năm của đồng bào Chăm. Theo anh Trượng Văn Sô, khi mùa hè chớm nở ở xứ Panduranga, tiếng kèn Saranai, trống Ginăng lại vang lên, ông Ka-ing (chủ lễ) lại “đùa chơi với lửa” để đạp tắt cái nắng xứ sở hanh hao, mong cho mưa thuận gió hòa, cộng đồng được bình an bắt đầu bước vào năm mới.

Người Chăm có nền âm nhạc phát triển từ xa xưa, gắn liền với đời sống và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng. Trong đó, bộ nhạc cụ kèn Saranai, trống Baranâng, trống Ginăng vô cùng quan trọng. “Người Chăm xem ba nhạc cụ này tượng trưng cho các bộ phận của cơ thể con người. Trong đó, kèn Saranai tượng trưng cho phần đầu, trên thân kèn có 7 lỗ biểu thị cho thính giác, thị giác, khứu giác và vị giác, loại nhạc cụ này được làm từ lõi cây me. Nghệ sĩ không ngắt hơi và vận dụng kỹ thuật bù hơi vào khoang miệng để thổi kèn” - nghệ sĩ trẻ Ngọc Hữu cho biết. Với Hữu, âm thanh kèn Saranai, trống Ginăng đã in sâu vào tâm trí từ nhỏ khi theo ông nội đi xem lễ tục trong cộng đồng. Với những ký ức như thế, niềm đam mê nhạc cụ thôi thúc Hữu tìm học nhạc cụ truyền thống, sau khi thành thạo đã chơi nhạc trong lễ Rija.

Trống Ginăng được xem tượng trưng cho đôi chân, còn Baranâng là thân thể. Vừa chơi hai nhạc cụ trên, nghệ sĩ Thuận Ngọc Hòa vừa giải thích: Tất cả có 72 điệu trống, tùy theo điệu nhạc mà nghệ nhân mỗi làng có cách phối âm khác nhau để tạo sắc thái - âm điệu cho phù hợp. Không đưa các điệu trống này vào buổi diễn, các nghệ sĩ chọn 2 bài cơ bản làm nền tảng và phát triển câu chuyện riêng để giới thiệu tới khán giả.

Trong ánh lửa bập bùng, tiếng kèn, tiếng trống ngân lên, nâng đỡ các điệu múa, mang tới âm hưởng linh thiêng, khiến khán giả như được hòa mình vào không khí lễ hội của đồng bào Chăm.

Buổi diễn giới thiệu âm nhạc, văn hóa Chăm tới công chúng Hà Nội và khán giả trực tuyến

Buổi diễn giới thiệu âm nhạc, văn hóa Chăm tới công chúng Hà Nội và khán giả trực tuyến

"Đóng băng" hay "khơi nguồn" truyền thống?

“Âm nhạc gắn liền với các nghi lễ, lễ tục của người Chăm, như lễ tục đầu năm mới, lễ tục dòng họ. Từ xưa đến nay, người Chăm chỉ dùng nhạc cụ gắn với các lễ tục. Chúng tôi suy tư rằng nếu duy trì như vậy, âm nhạc Chăm có bị đóng băng không? Nên giữ như vậy hay khơi nguồn dòng chảy, dựa vào truyền thống để làm mới phù hợp với cuộc sống hơn, có sự kết hợp giữa truyền thống và đương đại?” - anh Trượng Văn Sô trăn trở.

Anh Sô cho rằng, cần dựa vào truyền thống, từ chủ thể ở cộng đồng để khơi thông dòng chảy này. Bởi văn hóa là chỉnh thể, nếu cắt sửa không đúng thì không còn là của mình. Nếu chỉnh sửa không dựa trên nội tại sẽ khó được cộng đồng chấp nhận. Tuy nhiên, ở thế kỷ XXI, cũng phải “mở” để âm nhạc dân tộc phát triển, đến được với mọi người.

Học trống từ nhỏ và từng theo thầy đi đánh tại lễ ở các làng Chăm, Thuận Ngọc Hòa tham gia biểu diễn nghệ thuật ở Hội An, Hà Nội nhưng vẫn nghĩ về việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc mình. “Trong 3 năm hoạt động nghệ thuật, tôi nhận được nhiều câu hỏi từ cộng đồng rằng tại sao dùng nhạc cụ không đúng với truyền thống. Học nhạc cụ từ 10 - 20 năm trước, tôi thấy nếu hôm nay tiếp tục như vậy sẽ không phù hợp với môi trường mình đang sống. Tôi chọn cách chơi mới, thể hiện tính cá nhân, sao cho phù hợp với đương thời. Tất nhiên, sự phát triển đó phải dựa trên việc nắm chắc truyền thống, nếu không biết về nhạc Chăm hoặc biết khơi khơi mà sáng tạo sẽ thành phá hoại”.

“Hiện tại các bạn trẻ có tinh thần học nhạc cụ, nhưng không gian để sử dụng quá ít. Nếu chơi nhạc trong các lễ tục thì lâu lâu mới có một lần. Cần tạo không gian mới để giới trẻ có thể sử dụng, lưu giữ, đánh thức truyền thống nhiều hơn... Hy vọng sẽ có nhiều hơn các buổi biểu diễn âm nhạc thúc đẩy tự hào, tự tin, tự chủ trong các bạn trẻ dân tộc thiểu số. Khi tự hào về văn hóa, các bạn trẻ học âm nhạc Chăm, tìm hiểu về văn hóa Chăm sẽ tự tin biểu diễn, nói về bản sắc của mình. Sau này có tiếp biến văn hóa cũng sẽ chủ động thay đổi, làm cho nó phù hợp”- anh Trượng Văn Sô mong muốn.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/am-vang-xu-so-cham-zeiarcib0j-81442