Amazon quyết thống trị thị trường đông dân thứ 2 thế giới
Gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon quyết tâm trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất tại Ấn Độ.
CEO Jeff Bezos tham dự sự kiện của tập đoàn thương mại điện tử Amazon tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ vào thứ Tư vừa qua. (Nguồn: CNN)
Theo tỷ phú Jeff Bezos, CEO của Amazon, tập đoàn thương mại điện tử này mong muốn hỗ trợ những nhà sản xuất, nhà bán lẻ, các cửa hàng và nhãn hiệu tại Ấn Độ. Hiện tại, có hơn 550.000 người bán hàng đang tận dụng nền tảng thương mại điện tử của Amazon tại Ấn Độ, trong khi đó hơn 60.000 nhà sản xuất Ấn Độ xuất khẩu hàng hóa đến các quốc gia trên thế giới nhờ vào nền tảng này.
Thương vụ đầu tư tỷ USD
Ngày 15/1, trong một sự kiện của Amazon tại thủ đô New Delhi, CEO Jeff Bezos tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này trong vòng 5 năm tới. Amazon dự kiến đưa hơn 10 triệu cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp lên nền tảng trực tuyến vào năm 2025. Tỷ phú Bezos còn nói rằng khoản đầu tư này có thể giúp những thương nhân xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD giá trị hàng hóa “sản xuất tại Ấn Độ” trong vòng 5 năm tới. Bước đi này của CEO Amazon được xem sự hưởng ứng chiến dịch “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Narendra Modi.
Khoản đầu tư 1 tỷ USD lần này là bước đi gần đây nhất của gã khổng lồ Amazon trong việc giành lấy thị phần béo bở tại đất nước đông dân thế hai thế giới. Cho đến thời điểm này, Amazon đã đầu tư hơn 5 tỷ USD để phát triển tại thị trường Ấn Độ. Jeff Bezos khẳng định: “Chúng tôi cam kết trở thành một đối tác lâu dài tại Ấn Độ. Và hành động ý nghĩa hơn lời nói".
Thách thức không nhỏ
Trong những năm gần đây, Amazon phải tham gia vào một cuộc chiến khốc liệt với đối thủ Flipkart nhằm thống trị thị trường bán lẻ trực tuyến tại Ấn Độ. Đến năm 2027, thị trường bán lẻ trực tuyến tại Ấn Độ được dự kiến đạt giá trị 200 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường bán lẻ tại Ấn Độ được dự đoán có giá trị hơn 670 tỷ USD.
Tập đoàn bán lẻ Walmart đã mua Flipkart vào năm 2018 với giá 16 tỷ USD. Và từ đó đến nay, nhãn hiệu này đã chiếm giữ vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Ấn Độ.
Amazon hiện đang nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình trên khắp Ấn Độ nhằm đánh bật các đối thủ. Vào tuần trước, tập đoàn này đã đạt được thỏa thuận với Future Retail, công ty Ấn Độ sở hữu một mạng lưới cửa hàng rộng lớn tại nước này. Sự hợp tác này sẽ biến Amazon trở thành kênh mua bán trực tuyến chính thức cho hàng trăm cửa hàng, cũng như cho phép khách hàng nhận sản phẩm mà họ mua trên Amazon từ những cửa hàng này.
Không chỉ chiến đấu với người đồng hương Walmart, Amazon hiện còn phải đối đầu với nhà bán lẻ lớn nhất Ấn Độ: Reliance Retail của người đàn ông giàu nhất Ấn Độ, tỷ phú Mukesh Ambani. Reliance sở hữu gần 11.000 cửa hàng trên khắp Ấn Độ, bán mọi thứ từ điện thoại thông minh đến các đồ gia dụng. Tập đoàn này gần đây đã cho ra mắt nhà bán lẻ trực tuyến Jio Mart với dịch vụ giao hàng miễn phí tận nhà cho hàng nghìn loại sản phẩm. Tỷ phú Ambani không giấu diếm tham vọng đối đầu với hai gã khổng lồ Mỹ: Amazon và Walmart.
Ngoài sự cạnh tranh với các đối thủ, Amazon hiện còn đang phải đối mặt với các thách thức khác. Vào thứ Hai tuần trước, cơ quan chống độc quyền của Ấn Độ đã mở một cuộc điều tra với Amazon và Flipkart với cáo buộc cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp địa phương. Hiện Amazon và Flipkart đã bác bỏ cáo buộc này.
Không những thế, Ủy ban cạnh tranh của Ấn Độ cũng đang xem xét cáo buộc của một hiệp hội doanh nghiệp tại New Delhi cho rằng Amazon và Flipkart dành sự ưu đãi cho một số người bán hàng trên nền tảng của họ.
Trong buổi gặp gỡ vào thứ Tư vừa rồi, tỷ phú Jeff Bezos cũng nhận được một sự chào đón không mấy lạc quan. Liên minh các thương nhân Ấn Độ, một tổ chức thương mại lớn đại diện cho hàng triệu cửa hàng trên khắp Ấn Độ, đã tổ chức những cuộc phản đối trên khắp đất nước chống lại Amazon và nhà sáng lập của nó.
Tổ chức này cho rằng các doanh nghiệp nhỏ tại Ấn Độ đang bị chèn ép bởi chính sách giảm giá sâu của các tập đoàn lớn như Amazon.