Amazon vẫn vang vọng lời kêu cứu sau cái chết của nhà báo Anh

Dom Phillips và Bruno Araujo Pereira hẳn đã biết những rủi ro mà họ phải đối mặt khi khởi hành đến thung lũng Javari xa xôi nhưng vô cùng nổi tiếng trong khu rừng nhiệt đới Amazon. Một chuyến đi đã kết thúc trong bi kịch, sau khi nhà chức trách Brazil cho biết hôm thứ Sáu (17/6) rằng họ đã bị sát hại.

Một công việc nguy hiểm

Hôm thứ Tư vừa rồi, một nghi phạm thú nhận đã giết nhà báo Dom Phillips và chuyên gia người bản địa Bruno Araujo Pereira. Theo lời khai của nghi phạm, cảnh sát đã tìm được nơi chôn thi thể của 2 nạn nhân, bị những kẻ thủ ác sát hại, chặt xác và chôn giấu trong rừng. Chỉ một phần cơ thể của 2 nạn nhân được tìm thấy, các cuộc điều tra đang tiếp tục để tìm những phần còn lại.

Nhà báo người Anh Dom Phillips trong một chuyến đi đến Amazon trước đây. Ảnh: CNN

Theo Điều phối của Tổ chức Người bản địa, được gọi là UNIVAJA, 2 nạn nhân lần đầu được báo cáo mất tích là vào ngày 5 tháng 6, đã bị dọa giết trước khi họ khởi hành. Họ cũng đều hiểu về tình trạng bạo lực đáng sợ của khu vực này, đến từ những kẻ săn bắn bất hợp pháp, lâm tặc và cả buôn bán ma túy. Tuy nhiên, mong muốn vạch trần các hoạt động phạm pháp đang tàn phá khu vực hoang sơ và bảo vệ các bộ lạc nơi đây vẫn thôi thúc Phillips và Pereira thực hiện chuyến đi.

Pereira, ông bố 41 tuổi của ba đứa con, đã dành phần lớn cuộc đời mình để phục vụ người thổ dân ở Thung lũng Javari, vốn rất nổi tiếng với các bộ lạc sống biệt lập với bên ngoài, từng được thế giới biết đến thông qua những phóng sự đặc biệt và những bức hình chụp từ trên máy bay ghi lại các hoạt động sinh hoạt như những người cổ xưa. Đó là những giá trị bản sắc cần được lưu giữ và bảo vệ, không chỉ với Brazil, mà với cả những người có trách nhiệm trên thế giới nói chung. Ý nghĩ đó cũng đã thôi thúc ông Pereira bắt đầu làm việc cho cơ quan bản địa của chính phủ Brazil (FUNAI) vào năm 2010.

Trong khi đó, Phillips, 57 tuổi, một nhà báo người Anh được kính trọng rộng rãi từng sống ở Sao Paulo và Rio de Janeiro, nổi tiếng với các bài báo về các vấn đề môi trường ở Amazon, được đăng trên những tờ báo hàng đầu thế giới như Financial Times, The Washington Post, The New York Times và đặc biệt là The Guardian.

Pereira đã xin nghỉ phép ở FUNAI khi ông muốn sát cánh cùng nhà báo Phillips để hỗ trợ ông nghiên cứu cho một cuốn sách mới. Cuốn sách dự kiến sẽ có tiêu đề "Làm thế nào để cứu Amazon"!

Trong một đoạn video được quay vào tháng 5 tại một ngôi làng Ashaninka ở phía tây bắc bang Acre và được phát hành bởi hiệp hội Ashaninka, có thể nghe thấy Phillips giải thích về nỗ lực của mình: "Tôi đến đây (...) để tìm hiểu với bạn, về văn hóa của bạn, cách bạn xem khu rừng, cách bạn sống ở đây và cách bạn đối phó với các mối đe dọa từ những kẻ xâm lược, những kẻ đào vàng và mọi thứ khác".

Javari, từ nơi bảo tồn trở thành vùng đất của tội phạm

Từng là nơi sinh sống của nhiều bộ tộc người không tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong hàng nghìn năm qua, Thung lũng Javari rộng lớn của Brazil là một tập hợp các con sông và rừng rậm khiến việc tiếp cận rất khó khăn. Song trong những năm gần đây, nó đã trở thành vùng đất trú ẩn của những kẻ phạm tội, sống ngoài vòng pháp luật tại Brazil.

Thung lũng Javari rất nổi tiếng với những bộ tộc người sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Ảnh: Internet

Một bộ tộc người sống trong những mái nhà lá đơn sơ nhưng tự do và đầy bản sắc trong một khu rừng tại thung lũng Javari.

Một nhóm người người thổ dân đang săn bắn hái lượm tại thung lũng Javari.

Các loại hoạt động tội phạm thường xuyên diễn ra tại đây, từ săn bắn thú rừng bất hợp pháp, chặt phá rừng, tàn phá môi trường, đào vàng cho đến buôn bán ma túy. Rất nhiều cuộc đụng độ giữa những kẻ tội phạm với người dân bản địa và cơ quan quản lý đã diễn ra, thậm chí kết thúc bằng những cuộc xung đột đẫm máu.

Vào tháng 9 năm 2019, nhân viên phụ trách vấn đề bản địa Maxciel Pereira dos Santos đã bị sát hại tại cùng một khu vực, theo Văn phòng Công tố Brazil. Trong một tuyên bố, một nhóm công đoàn FUNAI đã viện dẫn bằng chứng cho thấy việc giết chết Dos Santos là để trả đũa cho nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp ở thung lũng Javari.

Trên khắp Brazil, việc chống lại hoạt động bất hợp pháp ở Amazon đã gây ra rất nhiều cái chết. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), từ năm 2009 đến 2019, hơn 300 người đã thiệt mạng ở Brazil trong bối cảnh xung đột đất đai và tài nguyên ở Amazon.

Những người chỉ trích đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro làm ngơ cho các mạng lưới tội phạm liên quan đến việc khai thác tài nguyên bất hợp pháp. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2019, ông Bolsonaro đã làm suy yếu các cơ quan môi trường liên bang, gián tiếp tạo điều kiện cho các tổ chức ma quỷ xâm chiếm và khai thác vùng đất của những bộ tộc người bản địa. Ông lập luận rằng đó là vì lợi ích của chính các bộ tộc - với lời kêu gọi "phát triển", “thuần hóa" và "hòa nhập" Amazon.

“Chúng tôi không sợ hãi”

Pereira năm ngoái đã than thở về tình trạng cắt giảm các cơ quan bảo vệ môi trường và bản địa của Brazil dưới thời Bolsonaro làm tổng thống. Nhưng ông cũng nhìn thấy một mặt sáng, khi nói với CNN rằng ông nghĩ sự thay đổi này sẽ thúc đẩy các bộ lạc thổ dân của Thung lũng Javari vượt qua những chia rẽ lịch sử và thành lập liên minh để bảo vệ lợi ích chung của họ.

Các hoạt động chặt phá rừng và khai thác tài nguyên bất hợp hợp pháp khác của các băng nhóm tội phạm đang tàn phá Amazon và xâm chiếm đất đai của người thổ dân tại Thung lũng Javari. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn khác với CNN, vào cuối năm đó, ông đã cẩn trọng hơn về những mối nguy hiểm. Vừa trở về sau chuyến đi trong rừng nhiệt đới, chân tay chằng chịt vết muỗi đốt, Pereira đã kể về những hành động táo tợn của những nhóm tội phạm.

Pereira nói: "Các cuộc tuần tra đã khiến chúng tức giận. Chúng nghĩ rằng kể từ khi chính phủ rút khỏi các hoạt động, chúng sẽ được tự do ra vào khu vực", Pereira nói. Nhưng cả Pereira và Phillips đều muốn tiếp tục bảo vệ Amazon bằng tiếng nói và ngòi bút của mình.

"Dom biết những rủi ro khi đến Thung lũng Javari, nhưng ông ấy nghĩ rằng câu chuyện đủ quan trọng để chấp nhận những rủi ro đó", Jonathan Watts, biên tập viên môi trường toàn cầu của Guardian, nói với CNN.

"Chúng tôi biết đó là một nơi nguy hiểm, nhưng Dom tin rằng có thể bảo vệ thiên nhiên và sinh kế của người dân bản địa", chị gái anh, Sian Phillips, cho biết trong một video tuần trước khi thúc giục chính quyền Bolsonaro tăng cường tìm kiếm em mình và chuyên gia người Brazil.

Hôm thứ Tư, Jaime Matsés, một lãnh đạo bản địa khác ở Thung lũng Javari, nói với CNN rằng gần đây ông đã gặp Pereira để thảo luận về một dự án tiềm năng mới giám sát hoạt động bất hợp pháp trong lãnh thổ cộng đồng của ông. "Anh ấy có vẻ hạnh phúc. Anh ấy không sợ phải làm điều đúng đắn. Chúng tôi coi anh ấy là một chiến binh", Matsés nhớ lại.

Và nếu việc sát hại những người đang muốn bảo vệ Amazon nhằm mục đích gây ra nỗi sợ hãi cho những người sẽ tiếp bước họ, thì điều đó đã phản tác dụng. Kora Kamanari, một lãnh đạo địa phương khác, nói với CNN hôm thứ Tư vừa rồi: "Chúng tôi sẽ không sợ hãi. Chúng tôi sẽ còn đoàn kết hơn trước và sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi người bản địa cuối cùng bị giết"!

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/amazon-van-vang-vong-loi-keu-cuu-sau-cai-chet-cua-nha-bao-anh-post199809.html