AMRO hạ dự báo lạm phát năm 2023 cho ASEAN+3

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vừa cắt giảm dự báo lạm phát năm 2023 đối với các nền kinh tế ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), nhờ sự sụt giảm giá hàng hóa toàn cầu và bình thường hóa chuỗi cung ứng.

Giá hàng hóa giảm giúp giảm nhẹ nỗi lo lạm phát ở khu vực ASEAN+3. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Giá hàng hóa giảm giúp giảm nhẹ nỗi lo lạm phát ở khu vực ASEAN+3. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trong bản cập nhật hàng quý vừa được công bố ngày 11/7, AMRO dự báo lạm phát chung của khu vực ASEAN+3 – ngoại trừ Lào và Myanmar – dự kiến sẽ ở mức vừa phải là 3%, giảm so với mức dự báo trước đó là 3,4% được đưa ra hồi tháng 4.

Tuy nhiên, tổ chức giám sát kinh tế vĩ mô này lưu ý rằng một số nền kinh tế, chẳng hạn như Philippines và Singapore, sẽ tiếp tục chứng kiến lạm phát toàn phần vượt quá 5%, do áp lực chi phí trong nước tăng cao.

Về triển vọng tăng trưởng, AMRO giữ nguyên dự báo hồi tháng 4 và vẫn kỳ vọng khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng “mạnh mẽ” 4,6% trong năm nay, mặc dù tổ chức này đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng đối với ASEAN.

Tăng trưởng trong khu vực ASEAN dự kiến sẽ giảm xuống còn 4,5%, giảm 0,4% so với mức 4,9% được dự báo trong quý II. Nhà kinh tế trưởng Khor Hoe Ee của AMRO cho biết dự báo mới nhất hôm nay (11/7) có tính đến số liệu tổng sản phẩm quốc nội yếu trong quý đầu tiên của Singapore và Việt Nam - những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy yếu từ nhu cầu bên ngoài trong lĩnh vực sản xuất.

Ngược lại, AMRO nâng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lên 4,6%, từ mức 4,5% trước đó. Theo Tiến sĩ Khor, điều này chủ yếu là nhờ kết quả kinh tế quý I tăng trưởng mạnh, phản ánh sự phục hồi mạnh trong du lịch nội địa và nhu cầu trong nước ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Tiến sĩ Khor cho biết kể từ bản cập nhật hàng quý gần đây nhất hồi tháng 4, các rủi ro suy giảm đối với khu vực đã giảm bớt phần nào, nhưng vẫn còn ở mức “đáng kể”, và các nhà hoạch định chính sách vẫn nên thận trọng.

Một trong số những cú sốc cần đề phòng là khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ và châu Âu. Lạm phát cao liên tục ở hai nền kinh tế lớn này sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ(FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải duy trì chi phí đi vay cao hơn trong một thời gian dài, AMRO lưu ý.

Đồng thời, “việc khôi phục sự ổn định về giá có thể phải đánh đổi bằng việc gây ra suy thoái kinh tế, điều đó có nghĩa là nhu cầu bên ngoài đối với các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của khu vực sẽ yếu hơn”, nhà kinh tế trưởng của AMRO cho biết thêm.

Ngoài ra, một rủi ro tiêu cực khác cần đề phòng là tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc. “Chúng tôi thực sự nghĩ rằng khả năng xảy ra điều này là khá thấp. Nhưng nếu nó trở thành hiện thực thì sẽ gây ảnh hưởng đến thương mại, đặc biệt là thương mại du lịch”, Tiến sĩ Khor cho hay.

Đáng lưu ý, chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ có nguy cơ gây ra “hiệu ứng lan tỏa tài chính” (tức các sự kiện không lường trước tại một quốc gia lại gây ảnh hưởng đối với nền kinh tế của các quốc gia khác), mặc dù AMRO xếp hạng khả năng xảy ra tình huống này chỉ ở mức “trung bình”.

“Chi phí đi vay tăng cao kéo dài ở Mỹ có thể gây ra một giai đoạn căng thẳng tài chính khác… Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ cũng có thể gây áp lực lên bất động sản thương mại và các lĩnh vực có đòn bẩy cao khác, từ đó có thể đe dọa sự ổn định tài chính thông qua tính liên kết của hệ thống tài chính”, dự báo mới nhất của AMRO nêu rõ.

Do vậy, một đợt căng thẳng tài chính khác ở Mỹ có thể làm tăng tâm lý e ngại rủi ro toàn cầu, với tác động lan tỏa tiêu cực đến khu vực ASEAN+3 dưới dạng phí bảo hiểm rủi ro và chi phí tái cấp vốn cao hơn, cũng như dòng vốn chảy ra, đặc biệt là ở các nền kinh tế có danh mục đầu tư của người không cư trú ở mức cao, AMRO cho biết.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/amro-ha-du-bao-lam-phat-nam-2023-cho-asean-3-129860.html