Án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 1,06%
Số liệu được nêu trong báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của các Tòa án trong năm 2020 trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10 sáng nay (26/10).
Trình bày Báo cáo tóm tắt, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, về cơ bản, công tác của các Tòa án trong năm qua đã đáp ứng các yêu cầu, chỉ tiêu cơ bản mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc vượt chỉ tiêu, yêu cầu; chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 1,06%, thấp hơn 0,44% chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Tỷ lệ hòa giải thành tiếp tục được duy trì ở mức cao (51,06%).
Công tác xây dựng pháp luật đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu; công tác hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật có nhiều chuyển biến rõ nét. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được đổi mới, tập trung vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và các chức danh tư pháp.
Các Tòa án đã thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm được tiến hành kịp thời, nghiêm minh. Công tác tương trợ tư pháp, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế được tăng cường.
Tập trung nguồn lực giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là 16.205 đơn/vụ; đã giải quyết được 9.188 đơn/vụ; đạt 56,7%.
Trong tổng số 9.188 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 8.708 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 94,8%; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 480 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 5,2%.
Theo Chánh án TANDTC, hoạt động của các Tòa án trong năm qua còn có hạn chế, thiếu sót là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Số lượng biên chế thiếu nhiều so với tình hình gia tăng, diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm và nhiệm vụ, thẩm quyền của các Tòa án. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ, Thẩm phán giữa các Tòa án (nhất là điều chuyển về miền núi, vùng sâu, vùng xa) còn gặp khó khăn…
Các hạn chế, thiếu sót nêu trên là do: số lượng các loại vụ việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp trong khi đó số lượng cán bộ, Thẩm phán của một số Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Tòa án, chưa làm hết trách nhiệm trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện ủy thác tư pháp… Mặt khác, do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đại dịch Covid-19 nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các loại vụ việc.
Để tăng hiệu quả công tác, Chánh TANDTC đề nghị UBDN các cấp tăng cường phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ, cung cấp tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính; tích cực phối hợp với Tòa án nhằm giúp giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật các vụ án hành chính.
Đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, trong đó nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc bảo đảm nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Làm tốt công tác hòa giải, đối thoại các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Tập trung giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có chất lượng và tỷ lệ cao.
Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, Tòa án các cấp nhất là các chức danh tư pháp trong sạch, vững mạnh.Đổi mới công tác đào tạo, đề cao kỷ cương, kỷ luật, tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, thực chất, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các Tòa án sau Đại hội Đảng các cấp. Đẩy mạnh xây dựng, hướng dẫn pháp luật và phát triển án lệ...
Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, phải tạm dừng xét xử trong 01 tháng, nhưng các Tòa án đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,4%); so với năm 2019, số vụ việc đã giải quyết tăng 44.243 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 1,06%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra (thấp hơn 0,44% so với chỉ tiêu của Quốc hội là 1,5%).
Để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn tổ chức xét xử theo trình tự rút gọn, xét xử giãn cách, nhận đơn trực tuyến, xét xử các tội danh liên quan đến dịch bệnh như: lan truyền dịch bệnh, làm hàng giả, tổ chức nhập cảnh trái phép, lan truyền thông tin xấu độc,…