Ăn bỏng ngô nghi tẩm cần sa mua trên mạng, người phụ nữ 56 tuổi nguy kịch
Chiều 5/12, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đang điều trị cho một bệnh nhân nữ (56 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.
Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 29/11, chị P.T.C có ăn hai miếng bỏng ngô (do con chị đặt mua trên mạng). Sau một tiếng, chị C cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, tối 29/11, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Qua khai thác được biết, bỏng ngô mà bệnh nhân ăn được con đặt mua trên mạng internet. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên đã qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, hiện có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới các dạng truyền thống như dạng viên, dạng bột, dạng tem…, mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống. Trước đó, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Đây là lần đầu tiên ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô được phát hiện.
“Hiện nay có rất nhiều loại ma túy, không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà còn len lỏi phổ biến công khai vào đời sống hàng ngày, liên tục thu hút lôi kéo mở rộng số người tham gia sử dụng và nghiện. Lý do là các loại ma túy đó được đưa vào thuốc lá điện tử chưa bị cấm, các đồ ăn thức uống và ở các tụ điểm giải trí... Việc quản lý mua bán online chưa đạt khiến việc phát tán rất nhanh chóng”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thông tin.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh, cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển. Việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng. Tuy nhiên, hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, được kẻ xấu thay đổi và tạo mới hàng ngày.
Để nhận diện ma túy núp bóng tinh vi dưới vỏ bọc của các loại đồ ăn, thức uống thông thường, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chỉ ra một vài điểm nhận diện chung:
Các chất kích thích này thường được bán ở những địa điểm vui chơi giải trí, có nguy cơ cao tiềm ẩn những hành vi không lành mạnh như quán karaoke, pub, quán bar.
Các sản phẩm này thường có nhãn hiệu, cách đóng gói, màu sắc rất đặc biệt, trên bao bì thường xuất hiện nhiều hình thù, thông tin kỳ quái và không chính thống.
Nhận diện dựa vào một số cụm từ đặc biệt xuất hiện trên bao bì như: “mạnh quá”, “nóng hổi”, “cay”… có thể bằng tiếng Việt hoặc các ngôn ngữ khác nhưng mang nghĩa tương tự.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo, dù được biến tướng với rất nhiều hình thức sử dụng như: hút, hít, tiêm, thức ăn, đồ uống nhưng bản chất đã là ma túy đều có độc tính rất mạnh, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và chỉ với một liều rất nhỏ đã có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể, thậm chí là tử vong.