Ðàn chiêng gió của người S'tiêng

Dinh krieng hay Ring rơng là loại đàn được chế tác bằng ống lồ ô, loại cây luôn sẵn có trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Dinh krieng là dụng cụ tạo âm vừa được xem là vật trang trí trong nhà, vật treo trên cây nêu trong ngày cúng mừng lúa mới, cúng thần linh, mừng năm mới hay trong các nghi lễ như đám cưới, lễ đặt tên của người S'tiêng. Dinh krieng còn được treo trên rẫy để mỗi khi gió thổi lay các ống sẽ tạo âm thanh đuổi chim, thú ăn lúa, ăn cây... Loại đàn này hiện nay vẫn phổ biến trong đời sống, sinh hoạt, được treo tại cửa sổ, cửa nhà của đồng bào S'tiêng và là sản phẩm du lịch.

Âm thanh của Dinh krieng thường được tạo tác để tượng trưng cho dàn chiêng. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng có nhạc cụ gần giống Dinh krieng: người Bahnar gọi là ching kial, có nghĩa là “đàn chiêng gió”; người Êđê, Jrai… cũng có những nhạc cụ cùng loại, chỉ khác là thay cho chiếc vòng làm giá treo bằng quả bầu khô, gọi là chuông gió. Loại nhạc cụ này cũng xuất hiện nhiều ở các nước châu Á, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan… gọi chung là đàn gió nếu có các thanh treo làm bằng gỗ, ống tre và gọi là chuông gió nếu thay các thanh bằng chuông hoặc ống bằng kim loại…

Ông Điểu Kiêu ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập giới thiệu cách kích âm cho đàn Dinh krieng

Ông Điểu Kiêu ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập giới thiệu cách kích âm cho đàn Dinh krieng

Dinh krieng của người S’tiêng còn gọi là đàn gió, được cấu tạo bởi các bộ phận sau: Giá treo là 1 chiếc vòng bằng nan tre uốn hoặc ống nứa nhỏ uốn tròn, đường kính khoảng 20cm, trên vòng cột 8 sợi dây cân đối nhau, phần dây túm lại 1 điểm cho cân để treo vòng lên.

6 ống lồ ô (bộ phận chính phát âm) được làm từ duy nhất 1 cây lồ ô để giúp âm thanh đồng nhất. Người làm đàn gió thường chọn cây lồ ô rừng, cây vừa già, cao, thẳng, nhiều lóng (hơn 6 lóng). Sau khi chặt đem về thì phơi nắng trong 1 tuần cho vừa khô, cắt theo lóng cây để lấy được 6 ống thông (không vướng các mắt cây lồ ô), thẳng, dài ngắn khác nhau. Khoét một lỗ thoát âm ở khoảng giữa thân ống. Ở mỗi đầu ống dùi một lỗ nhỏ để xỏ dây treo. Thông thường ống nứa dài nhất khoảng 45-50cm, đường kính 4-5cm và ống ngắn nhất khoảng 25-30cm, đường kính 2,5-3cm. Tùy theo ống dài ngắn, to nhỏ sẽ cho các âm thanh khác nhau. 6 ống lồ ô được cột vào giá treo sao cho ống dài nhất ở giữa, các ống còn lại xung quanh tượng trưng các con ở quanh mẹ và thay cho âm thanh 6 chiếc chiêng trong dàn chiêng của người S’tiêng.

Người S’tiêng còn treo một miếng nong đan (tre) làm vật cản gió vào đầu dưới của ống lồ ô dài nhất. Miếng nong đan có kích thước ngang chừng 60cm, ngắn khoảng 10cm… để khi gió thổi nhẹ cũng đủ sức lay chiếc ống to nhất khiến các ống va vào nhau thành tiếng vang.

Ở một vài nơi, người ta không treo thêm nong đan làm vật cản gió mà nối dài phần dây của giá treo để khi gió thổi, các ống lay, quay và các sợi dây xoắn vào nhau đến một độ nào đó sẽ tự động trả trở lại và làm các ống va đập vào nhau thành tiếng vang không ngừng. Khi cắt khúc, tạo âm, nhiều nghệ nhân cũng cẩn thận vát miệng ống để có âm thanh khác biệt, gần giống với thanh âm của dàn chiêng. Gió thổi càng mạnh thì tiếng kêu càng to, khô và giòn như một dàn chiêng bằng tre lồ ô hòa tấu.

Cách kích âm đàn Dinh krieng là do gió thổi qua, xô đẩy các ống va đập vào nhau mà tạo nên âm thanh. Cách kích âm này khiến nhạc cụ được phân loại vào nhóm tự thân vang thuộc chi tự va đập, lắc, rung… Người có kinh nghiệm treo Dinh krieng vào nơi có gió tạo chuyển động xoay tròn làm phần dây trên giá xoắn vào nhau đến một độ nhất định, nó sẽ tự nhả vòng xoắn theo chiều ngược lại. Cứ như vậy các ống lồ ô liên tục quay tròn lần lượt theo chiều gió rồi lại nhả ra theo chiều ngược lại theo quán tính tạo nên âm thanh trong, vang, khô giòn như tiếng đàn T’rưng của đồng bào Êđê…

Dinh krieng của người S’tiêng dễ làm, mang đặc trưng văn hóa dân tộc nên có thể bảo tồn và phát huy trong nhiều lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật, du lịch và đời sống… Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nhạc khí khác, Dinh krieng đang thưa dần trong đời sống sinh hoạt của người S’tiêng. Thời gian tới, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nhạc cụ độc đáo của dân tộc.

Điểu Lành

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/139138/dan-chieng-gio-cua-nguoi-s-tieng