Án chưa có hiệu lực đã tự ý thi hành
Dù bị đơn kháng án và đã được TAND tỉnh Lâm Ðồng chấp thuận, nhưng nguyên đơn vẫn tự ý thi hành bản án chưa có hiệu lực pháp luật của cấp sơ thẩm. Khi bị đơn có yêu cầu, TAND tỉnh Lâm Ðồng đã ra quyết định áp dụng biện pháp tạm thời khẩn cấp và Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Lâm Ðồng ra quyết định thi hành quyết định này nhưng phía nguyên đơn vẫn bất chấp pháp luật, dùng nhiều biện pháp sai trái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị đơn.
Tự ý thi hành án
Từ ngày 5/6/2019, ông Nguyễn Xuân Vĩnh (ngụ tại Thôn 1, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) đã cho 3 người và một nhóm “bảo kê” vào khu vườn mà vợ chồng ông Phạm Văn Thắng (ngụ tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã thuê của ông Vĩnh trước đó để ồ ạt cắt sầu riêng. Khi người làm công của ông Thắng phản ứng thì nhóm người này đã đe dọa đòi hành hung. Nghiêm trọng hơn, ông Vĩnh đã trực tiếp đánh một công nhân là phụ nữ đang làm việc tại đây. Sự vụ đã được người phụ nữ này tố cáo lên Công an huyện Đạ Huoai về hành vi hành hung người khác của ông Vĩnh.
Ba khu vườn trồng sầu riêng, măng cụt, chôm chôm nói trên có tổng diện tích hơn 10 ha tại xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai) được vợ chồng ông Thắng thuê lại của vợ chồng ông Vĩnh từ tháng 7/2016. Theo hợp đồng thì thời hạn thuê khoán trong 5 năm (từ 12/7/2016 đến 30/8/2021) với tổng số tiền thuê là 7,2 tỷ đồng và trả tiền từng năm khi vào mùa vụ. Tuy nhiên, vì cho rằng phía thuê vườn không chăm sóc tốt khiến sầu riêng bị chết nhiều, hệ thống đường ống tưới tiêu bị hư hỏng nên bên cho thuê đã khởi kiện ra tòa yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ngày 11/4/2019, TAND huyện Đạ Huoai đã đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm và đã tuyên án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc “chấm dứt hợp đồng dân sự thuê khoán tài sản trên đất” giữa vợ ông Vĩnh và vợ chồng ông Thắng kể từ sau vụ sầu riêng năm 2019 và vợ chồng ông Thắng có trách nhiệm trả tiền thuê vụ mùa năm nay vào đầu vụ thu hoạch sầu riêng. Tuy nhiên, dù bản án sơ thẩm tuyên vào ngày 11/4, nhưng TAND huyện Đạ Huoai lại lấy ngày 31/5/2019 làm mốc thời gian kết thúc vụ sầu riêng 2019. Do đó, dù phía ông Thắng đã thanh toán cho vợ chồng ông Vĩnh số tiền 1,5 tỷ đồng cho niên vụ năm 2019, nhưng căn cứ vào thời hiệu ghi trên bản án sơ thẩm phía ông Vĩnh đã tự ý thi hành bản án.
Bất chấp lệnh của tòa
Như đã nêu trên, Quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” của TAND tỉnh Lâm Đồng ký ngày 7/6 nêu rõ: “Cấm vợ chồng ông Vĩnh (bà Thảo) thực hiện hành vi thu hoạch, chặt phá, đốt bỏ vườn cây sầu riêng, chôm chôm tại các thửa đất (số 25, tờ bản đồ 06; số 08, tờ bản đồ 09 và lô A1, khoảnh 1, Tiểu khu 591) Thôn 1, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai”. Cũng trong ngày 7/6, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định “Thi hành án chủ động” đối với ông Vĩnh (bà Thảo) về việc thi hành quyết định của TAND tỉnh Lâm Đồng nêu trên.
Tuy nhiên, vợ chồng ông Vĩnh vẫn “bất chấp” lệnh của tòa, thuê người ngang nhiên vào hái sầu riêng tại cả 3 vườn do vợ chồng ông Thắng đang quản lý hợp pháp. Ông Phạm Văn Thắng cho biết: “Ngày 5/6, khi tôi và những công nhân đang làm tại vườn thì ông Vĩnh đưa người vào đe dọa, đuổi công làm của tôi ra khỏi vườn. Sau khi lời qua tiếng lại, ông Vĩnh đánh chị Nguyễn Thị Ngọc Liên đang làm công cho tôi. Lúc này, đi cùng ông Vĩnh còn có 1 nhóm “bảo kê” hơn chục người hỗ trợ nên chúng tôi không dám chống cự. Không chỉ đánh người, ông Vĩnh còn ngang nhiên lấy đi hơn 400 kg sầu riêng tôi vừa hái. Trước hành động coi thường pháp luật của ông Vĩnh, tôi đã trình báo với Công an huyện Đạ Huoai để can thiệp. Khi công an có mặt, ông Vĩnh vẫn cho rằng, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực nên cứ làm. Để đảm bảo quyền lợi, Công an huyện đã có ý kiến cho gia đình tôi theo dõi, thống kê sản lượng sầu riêng mà ông Vĩnh cắt hàng ngày. Từ ngày 5/6 đến ngày 9/6, ông Vĩnh đã cắt tổng cộng gần 10 tấn sầu riêng, trị giá khoảng 700 triệu đồng. Trong đợt cắt sầu riêng này, tôi đã hợp đồng bán 15 tấn sầu riêng với bạn hàng, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Theo hợp đồng đã ký, giờ không có sầu riêng giao, tôi phải đền hợp đồng gấp đôi, tương đương 2,1 tỷ đồng. Nhìn sầu riêng bị cắt vô tội vạ, lại phải đền hợp đồng với khách hàng, tôi rất đau xót”.
Theo ông Thắng, hợp đồng thuê vườn sầu riêng trước đây là do ông Vĩnh soạn thảo, trong đó có điều khoản tự mỗi bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bên kia vi phạm các điều khoản. “Năm đầu tiên khi tôi nhận vườn, do sầu riêng quá xấu, ông Vĩnh đã bớt cho tôi 300 triệu đồng để đầu tư phục hồi vườn. Thế nhưng, khi sầu riêng cho năng suất ngày càng cao thì ông Vĩnh kiện lấy lại vườn. Nguyên nhân sâu xa mà ông Vĩnh khởi kiện chấm dứt hợp đồng với vợ chồng tôi là vì giá sầu riêng hiện tại lên quá cao so với giá của thời điểm mới thuê vườn”. Cũng theo ông Thắng, bản án sơ thẩm mà TAND huyện Đạ Huoai đã tuyên kết thúc vụ sầu riêng năm 2019 lấy mốc thời gian 31/5 là bất hợp lý. Vì vụ thu hoạch sầu riêng hàng năm sẽ kéo dài đến hết tháng 9, đầu tháng 10 nên tòa không thể ấn định thời gian cụ thể như vậy. Tại thời điểm này đang bước vào vụ thu hoạch chính, tòa tuyên như vậy sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình.
Theo luật sư Nguyễn Phương Đại Nghĩa, người đại diện hợp pháp cho vợ chồng ông Thắng thì việc vợ chồng ông Vĩnh, bà Thảo dùng vũ lực để tước đoạt đi quyền hưởng hoa lợi, lợi tức của vợ chồng anh Thắng, chị Hạnh là trái với quy định của pháp luật. Bởi, Điều 483 Bộ Luật Dân Sự hiện hành quy định “Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê”. Hơn nữa, tại Điều 257 BLDS hiện hành còn quy định về “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/201906/an-chua-co-hieu-luc-da-tu-y-thi-hanh-2950531/