An cư cho công nhân khu công nghiệp
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt 'Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030'. Hơn 1 năm trôi qua, tuy đã có những tiến triển nhất định, song tiến độ cũng như hiệu quả đầu tư chưa được như mong muốn.
Nhu cầu rất lớn
Bà Nguyễn Thị Xuân thong thả dắt cháu từ lớp mẫu giáo về khu nhà ở của gia đình chỉ cách đó chừng 100m. Con gái và con rể bà đều làm công nhân ở Khu công nghiệp (KCN) Bảo Minh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Căn hộ gia đình bà thuê có diện tích hơn 50m2, giá thuê 1,2 triệu đồng/tháng, có điều hòa, bình nóng lạnh. Căn hộ được thiết kế thêm gác lửng nên tuy chưa thật rộng rãi, nhưng với một gia đình nhỏ, thế đã là đủ cho một tổ ấm thuận hòa. Bà Xuân kể, cháu nhỏ đi học rất gần nên chỉ mất 1,8 triệu đồng/tháng. Thu nhập của 2 vợ chồng con bà mỗi tháng bình quân khoảng 15 triệu đồng, tháng tăng ca thì cao hơn. Khéo chi tiêu, có thể dành dụm được đôi ba triệu mỗi tháng. May mắn nhất là họ có thể yên tâm gửi con rất gần, không phải tốn tiền xăng xe đi lại.
Tuy nhiên, không phải gia đình công nhân nào cũng có cuộc sống suôn sẻ như vậy.
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, cả nước đã có 416 KCN được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 26 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu được thành lập ở 21 địa phương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000ha; 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 địa phương với diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871.523ha. Đó là chưa kể hơn 1.000 cụm công nghiệp với diện tích hơn 31.000ha, trong đó, có 748 cụm công nghiệp với tổng diện tích 23.950ha đã đi vào hoạt động.
Theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 558 KCN với tổng diện tích đất sử dụng 205.800ha và 1.500 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 50.000ha. Mặc dù nhiều ngành công nghiệp được cơ giới hóa, “số hóa”, không còn cần đến số lượng công nhân nhiều như trước đây, song tổng số công nhân làm việc tại các KCN, KKT tập trung này vẫn rất lớn. Ước tính có 4,5 triệu người lao động làm việc trực tiếp trong các KCN, KKT, trong đó, có tới 2 triệu người lao động cần có nhà ở.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối với công nhân làm việc ngoài các KCN, số có nhu cầu nhà ở còn lớn hơn. Khảo sát của tổ chức công đoàn cho thấy, hơn 60% công nhân lao động thuê nhà trọ tại các khu nhà thiếu tiện ích, không bảo đảm môi trường sống, thậm chí thiếu an toàn.
Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc. Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, đặt mình vào vị trí của người khác, “trong tôi có anh, trong anh có tôi”, đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.
Gỡ các “nút thắt”
Trăn trở với vấn đề này đã lâu, ông Chu Đức Tâm, Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA), cho biết, vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đề án quy hoạch phát triển KCN Sài Đồng A đã được lập trên diện tích 400ha, trong đó có 100ha đất “vùng đệm xanh” để xây các căn hộ, nhà ở, khu thương mại… nhằm phục vụ cho người làm việc trong KCN. Bản đề án này đã được Chính phủ đánh giá rất cao về tính đồng bộ và hiệu quả quy hoạch. Tuy nhiên, càng về sau, càng ít KCN được quy hoạch “hào phóng” như thế. Một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế. Một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.
“Đã từ lâu, chúng tôi luôn nung nấu ý tưởng quy hoạch tổ hợp KCN với hệ sinh thái KCN phát triển đồng bộ: nhà máy - văn phòng công ty - nhà ở cho công nhân - khu thương mại phục vụ người làm việc trong KCN - khu công viên hồ điều hòa - khu vui chơi giải trí cho người lao động. Ý tưởng và mong muốn là vậy, nhưng các nhà đầu tư KCN rất khó thực hiện vì cơ chế, chính sách, quy định và cả thủ tục cũng còn nhiều bất cập”, ông Chu Đức Tâm chia sẻ.
Từ thực tế nhu cầu và thu nhập của người lao động, theo ông Chu Đức Tâm, cần gia tăng loại hình nhà cho thuê và mua trả góp với những điều kiện ưu đãi khác biệt hơn so với các chương trình hiện nay; đồng thời cho phép các doanh nghiệp tổ chức cho người lao động của mình được thuê nhà.
Bên cạnh đó, việc phát triển quỹ nhà ở xã hội là giải pháp quan trọng, đã được Luật Nhà ở 2023 mở lối. Tuy nhiên, để nhanh chóng phát huy tác dụng thì các nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cần sớm được ban hành song song với việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về thuế…
“Và, cũng cần hạ lãi suất cho vay và đơn giản hóa thủ tục vay vốn đối với nguồn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng để phù hợp với điều kiện thực tiễn”, ông Chu Đức Tâm nêu ý kiến.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/an-cu-cho-cong-nhan-khu-cong-nghiep-post737619.html