An cư cho người thu nhập thấp

Có thể được sở hữu một căn nhà sau nhiều năm bôn ba, không phải thuê trọ là mơ ước của nhiều công nhân, gia đình trẻ thu nhập thấp tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) đến năm 2030 đã thắp lên niềm tin cho công nhân - người lao động có thu nhập thấp về một nơi 'an cư lạc nghiệp' như những gì tư lệnh ngành xây dựng bày tỏ.

Để ai cũng có mái ấm riêng mình

Câu chuyện nhà ở công nhân, NƠXH được xây dựng cách đây hơn một thập kỷ. Những chính sách đầu tiên ra đời được hiện thực bằng hàng nghìn căn hộ NƠXH trên khắp cả nước, đặc biệt là những khu đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM khi tốc độ đô thị hóa cao, giá nhà ngày càng đắt đỏ. Việc phát triển NƠXH là một bài toán khó với cơ quan quản lý nhà nước nhưng dù chưa đạt được mục tiêu nhưng đã phần nào giúp nhiều gia đình có thêm mái ấm.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, việc chăm lo, giải quyết nhà ở cho nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng việc đẩy mạnh phát triển NƠXH để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách, cũng như các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Hiện thực hóa điều này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về NƠXH, nhà ở dành cho công nhân và phê duyệt Đề án “Phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH đến năm 2030” với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện.

Dự án NƠXH tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với hơn 3.000 căn hộ Ảnh: Như Ý

Dự án NƠXH tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với hơn 3.000 căn hộ Ảnh: Như Ý

Dẫu sẽ còn nhiều việc phải làm, nhiều nghị quyết, hướng dẫn phải ban hành, nhưng trong bối cảnh phát triển nhà ở xã hội là một bài toán khó và thị trường luôn thiếu trầm trọng nguồn cung NƠXH, thì đây sẽ là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội từng năm, từng giai đoạn; quan tâm, dành đủ nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn tới.

Và quan trọng hơn, ý nghĩa hơn, đề án này của Thủ tướng đã thắp lên niềm tin cho công nhân - người lao động có thu nhập thấp về một nơi “an cư lạc nghiệp”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ, Quốc hội xem xét và đưa ra nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy việc phát triển NƠXH, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và của từng địa phương, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Theo Bộ trưởng Nghị, gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều quy định mới đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, trong đó đã bổ sung các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội, giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong phát triển NƠXH hiện nay như vấn đề về cư trú, vấn đề về ưu đãi, về quỹ đất xây dựng NƠXH…

“Bộ Xây dựng hiện đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật để trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Các chính sách mới này sau khi đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo động lực mới cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tạo cơ sở vững chắc hơn nữa để thực hiện thành công Đề án”, Bộ trưởng Nghị nói.

Những con số biết nói

Là công nhân khu công nghiệp tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), anh Đức Thắng gần 10 năm gắn bó tại khu NƠXH Đặng Xá (Gia Lâm). Anh Thắng chia sẻ: “Tôi mua căn hộ cách đây hơn 8 năm với giá 8 triệu đồng/m2 và được vay ưu đãi. Đến giờ vẫn không nghĩ là có ngày một người ở nông thôn như tôi có thể mua chung cư ở Hà Nội. Thời điểm đó, không có NƠXH, với số tiền ít ỏi tôi không thể mua nhà đất thổ cư hay bất kỳ căn hộ thương mại nào và cũng không được vay ưu đãi giá rẻ. Đúng là giấc mơ có thật”.

Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, để đề án trên “về đích” như kỳ vọng, việc quan trọng là cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thủ tục, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành 317 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 159.000 căn, với tổng diện tích hơn 8,1 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 419 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.500 căn với tổng diện tích khoảng 22,6 triệu m2 . Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong giai đoạn 2021-2025, theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030”, phấn đấu đến năm 2025 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ nhà ở xã hội. Về thực tế triển khai, trên địa bàn cả nước hiện nay mới hoàn thành 46 dự án NƠXH, quy mô xây dựng 20.210 căn. Đã cấp phép hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư 419 dự án với quy mô xây dựng là khoảng 413.000 căn.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/an-cu-cho-nguoi-thu-nhap-thap-post1604719.tpo