An cư hay hưởng thụ?

Nếu như nhiều người trong độ tuổi 30-40 đang xoay vần hàng tháng để trả nợ mua nhà, thì lứa người trẻ hậu sinh làm mọi cách để hưởng thụ cuộc sống tự do, không gắn mình với gánh nặng an cư - lạc nghiệp.

Gen Z - “Tôi là một, là riêng, là duy nhất” - là cách mà nhận thức của xã hội đã đặt để cho các bạn và các bạn cũng chọn con đường định vị trở thành trung tâm trong trục đa chiều của cuộc sống. Lối suy nghĩ này thể hiện rất rõ trong một gia đình, khi cần đưa ra lựa chọn cho lịch trình chung của gia đình, người trẻ thường sẽ đưa ra quyết định dựa trên sự ưu tiên và nhu cầu của bản thân, thay vì chọn “hy sinh” hay nhường nhau như cha mẹ.

Khi trò chuyện về quan điểm an cư - lạc nghiệp, một nhân viên PR sinh năm 1998 nói thẳng: “Khi xảy ra dịch Covid-19, có ai ngờ một đêm ngủ thức dậy có thể mất người thân, có thể không còn gì cả… Ai cũng chỉ được sống một lần trong đời, nếu dành một lần sống đó cắm cúi làm việc để trả món nợ nhà cửa thì không còn là sống. Khi phù hợp, em sẽ ra riêng khởi nghiệp, chứ không mua nhà ra riêng”.

Người trẻ muốn dành thời gian hữu hạn để thỏa đam mê khám phá và hoàn tất những ước mơ. Sự ưu tiên này biến khái niệm an cư lạc nghiệp trở nên lỗi thời. Đây là thời đại mà người ta có thể học xong mà không phải đi làm ở bất kỳ công ty nào, có thể làm việc ở nhà, hoặc bay đến một nước khác chỉ để trải nghiệm 1 năm GapYear (tạm nghỉ làm)… Tùy vào tình hình kinh tế, hay đơn giản chỉ là tùy sở thích ngay lúc đó, công việc sẵn sàng dịch chuyển nên việc mua nhà để ổn định lại trở thành bất tiện.

Trong hành trình chọn sống cho mình ở thì hiện tại, không ít bạn trẻ lại đẩy khái niệm tận hưởng thành hưởng thụ quá đà. Thước đo giá trị cuộc sống thay đổi đến mất cân bằng, lệch lạc. Khi mọi thứ được vật chất hóa, các giá trị thành hữu hình thực dụng. Có bạn đang là sinh viên đã nghĩ về việc làm sao để hưởng thụ cao cấp nhất, có thể ăn mì gói để dành hết tiền cha mẹ cho đi học để mua mỹ phẩm xịn, sở hữu những bộ trang phục hợp thời, check-in những địa điểm thời thượng và sành điệu… không thua chị kém em.

Có bạn trẻ có thể ở trong căn nhà trọ xuề xòa nhưng phải chạy Vespa, SH. Sự lựa chọn này sẽ chẳng có gì sai nếu đi bằng con đường đúng, không đánh mất nhiệt huyết lao động, chí phấn đấu và sự cống hiến.

Xã hội châu Á vẫn coi trọng mối quan hệ và trách nhiệm cá nhân với gia đình, cộng đồng. Cuộc sống hưởng thụ dĩ nhiên rất tuyệt, nhưng cũng không thể ngó lơ trách nhiệm khi người thân ốm đau, hay có việc cần kíp. Đó là chưa kể, sự phòng thân để khi chính bạn ốm đau, gặp tai nạn, hoặc mất việc cũng không phải là sự lo lắng dư thừa. Lúc đó, bạn có đủ tiền để đi du lịch, để thuê những căn hộ cao cấp nữa không, hay chỉ cần có một cái “ổ” của riêng mình để trú thân, hoặc phải quay về bám víu người thân?

Dịch bệnh, thiên tai vẫn không vì bạn thiếu chuẩn bị mà không xảy ra, các tập đoàn công ty phá sản, hay sa thải nhân viên hàng loạt cũng không cần chờ đến khi bạn tích lũy đủ. Chọn một cuộc sống tức thời, hay có đường lui là do bạn.

GIA TUỆ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//an-cu-hay-huong-thu-863571.html