'An cư lạc nghiệp' cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo: Chung tay tháo gỡ khó khăn

Để đồng bào DTTS nghèo yên tâm lao động, sản xuất, ổn định nơi ở cần lắm sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các cấp, ngành, địa phương, trong đó triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho đồng bào DTTS&MN. Phóng viên Báo Thanh Hóa có dịp phỏng vấn các bà: Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh; Trương Thị Huyên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát; Tôn Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng phòng Chính sách và Tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh xung quanh nội dung trên.

Cần có cơ chế, giải pháp chuyển đổi đất sản xuất đối với các địa phương khó khăn về quỹ đất

- PV: Xin bà chia sẻ những kết quả đạt được trong thực hiện hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn huyện Như Thanh và những đề xuất, kiến nghị của địa phương?

- PV: Xin bà chia sẻ những kết quả đạt được trong thực hiện hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn huyện Như Thanh và những đề xuất, kiến nghị của địa phương?

- Bà Lê Ngọc Hoa:

Thời gian qua, để thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, huyện Như Thanh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, các mục tiêu của các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Từ đó, nâng cao nhận thức của Nhân dân, đặc biệt là người DTTS trong việc triển khai thực hiện chương trình. Các nguồn vốn, kinh phí hỗ trợ đều được sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước một cách có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn. Huyện đã lồng ghép có hiệu quả 3 chương trình MTQG trong tổ chức thực hiện nhằm tăng cường cao hơn hiệu quả của các chương trình, tránh chồng chéo, lãng phí; Thường xuyên rà soát nhu cầu thực tế các đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ tại các địa phương để bổ sung và thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất một cách kịp thời và hiệu quả. Huyện cũng mong muốn Nhà nước nâng mức hỗ trợ đất ở để các hộ nghèo có khả năng tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép tại các địa phương, đồng thời đề nghị tỉnh có cơ chế, giải pháp chuyển đổi đất sản xuất đối với các địa phương khó khăn về quỹ đất để bố trí thực hiện nội dung giao đất sản xuất theo các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đạt hiệu quả, mang đến quyền, lợi ích trực tiếp cho đồng bào.

Tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tự làm”

- PV: Huyện Mường Lát đã và đang thực hiện giải pháp nào nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, thưa bà?

- PV: Huyện Mường Lát đã và đang thực hiện giải pháp nào nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, thưa bà?

- Bà Trương Thị Huyên:

Nhìn chung, việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS mới chỉ dừng lại ở chính sách hỗ trợ, giải quyết tình thế, chưa phải là chính sách dài hạn, đầu tư phát triển nhằm khai thác lợi thế của vùng, giữ ổn định đất đai. Để chính sách của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, thiết thực với đồng bào DTTS đòi hỏi phải có sự linh hoạt, đa dạng trong giải quyết tình trạng thiếu đất cho đồng bào. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải đồng bộ, thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tự làm”, phát huy mạnh mẽ nội lực của người dân, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Cần quy hoạch và xây dựng các điểm định canh, định cư cho đồng bào DTTS không có hoặc thiếu đất sản xuất. Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng như: Phát triển kinh tế cửa khẩu; phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sự tham gia của hộ đồng bào DTTS nhằm trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế cho các hộ tham gia. Thành lập các trung tâm đào tạo nghề đặc thù cho đồng bào DTTS, có chương trình đào tạo riêng (có thể bằng tiếng dân tộc) phù hợp với trình độ của đồng bào. Đồng thời kết nối được các cơ sở tiếp nhận lao động, giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định cho bà con.

Đảm bảo chính sách được thực hiện công bằng, thống nhất, minh bạch

- PV: Xin bà cho biết tiến độ triển khai thực hiện Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” của Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa?

- PV: Xin bà cho biết tiến độ triển khai thực hiện Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” của Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa?

- Bà Tôn Thị Minh Nguyệt:

Là cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì triển khai thực hiện Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” thuộc Chương trình 1719. Ban Dân tộc đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các huyện đồng thời tham mưu cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí thực hiện Dự án 1 cho các huyện. Cụ thể, từ năm 2022-2024, đã phân bổ hơn 142 tỷ đồng cho các nội dung của Dự án 1 (chưa bao gồm kinh phí dành cho việc xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung). Sau khi kinh phí được phân bổ cho các huyện (11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn, bản thuộc vùng DTTS&MN), Ban Dân tộc đã hướng dẫn các huyện triển khai thực hiện việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định. Kết quả đã thực hiện hỗ trợ cho 338 hộ xây dựng nhà ở (theo nguồn kinh phí năm 2022). Hiện nay, các huyện đang triển khai thực hiện xây dựng nhà ở cho các hộ theo nguồn kinh phí năm 2024 với tổng số hộ dự kiến được hỗ trợ là 536 hộ. Đối với nội dung nước sinh hoạt phân tán, thực hiện hỗ trợ cho hơn 17.000 hộ, hiện nay đang tiếp tục thực hiện các bước hỗ trợ theo nguồn kinh phí năm 2024. Đối với nội dung đất ở, chuyển đổi nghề cho các hộ chưa có hoặc thiếu đất sản xuất, hiện nay các huyện đang rà soát đối tượng.

- PV: Việc thực hiện Dự án 1 tại tỉnh Thanh Hóa có những thuận lợi, khó khăn như thế nào thưa bà? Ban Dân tộc tỉnh có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn hiện nay để việc thực hiện hỗ trợ đạt hiệu quả cao?

- Bà Tôn Thị Minh Nguyệt:

Được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương trên địa bàn vùng DTTS&MN của tỉnh vì tính nhân văn của dự án, do đó quá trình thực hiện có được sự đồng thuận, đảm bảo chính sách được thực hiện công bằng, thống nhất, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, việc thực hiện Dự án 1 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Đối với nội dung hỗ trợ đất ở, để mua, chuyển nhượng đất ở cần chi phí lớn, trong khi các hộ nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện hỗ trợ về đất lại khó khăn về kinh phí để mua đất mặc dù đã được hỗ trợ 40 triệu đồng. Đối với nội dung hỗ trợ nhà ở, công tác rà soát đối tượng hỗ trợ nhà ở gặp khó khăn, còn chồng chéo do nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở đang triển khai thực hiện trên cùng địa bàn; nhiều hộ có nhà ở lâu năm trên một số loại đất không có trích lục đất ở, mặc dù có nhu cầu xây dựng nhà nhưng không đủ căn cứ pháp lý để hỗ trợ. Đối với nội dung hỗ trợ đất sản xuất, do địa bàn chủ yếu đồi núi, diện tích đất canh tác ít, không có quỹ đất nên các huyện không thể thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất cho người dân, khi chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề thì việc xác định phương án chuyển đổi nghề của các hộ gặp nhiều khó khăn như học nghề gì để có thể áp dụng vào thực tế trong đời sống, mua loại máy móc gì để phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương...

Trong thời gian tới, để góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Dự án 1, Ban Dân tộc sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu cho tỉnh các giải pháp tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại; đồng thời sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương để sửa đổi nội dung, cách làm phù hợp với thực tế vùng DTTS&MN nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung hỗ trợ của Dự án 1.

Thảo Nguyên (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/an-cu-lac-nghiep-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ngheo-nbsp-chung-tay-nbsp-thao-go-kho-khan-33149.htm