An cư trên 'làng nổi' ven sông

Sông Cầu hiền hòa chảy qua, mang theo phù sa bồi đắp cho những cánh đồng trù phú, nhưng cũng chính dòng sông này, đã để lại nỗi lo thường trực về sự an toàn cho người dân đang sinh sống ở trong hành lang đê Hữu Cầu, khu phố Vạn Phúc (còn gọi là 'làng nổi' ven sông), phường Vạn An, TP Bắc Ninh.

Sông Cầu hiền hòa nhìn từ trên cao của TP Bắc Ninh.

Sông Cầu hiền hòa nhìn từ trên cao của TP Bắc Ninh.

Ước mong mới

"Sông Cầu nước chảy lơ thơ” như lời ru êm đềm của quê hương, thấm đượm nỗi niềm của người Kinh Bắc xưa và nay. Là “chứng nhân” lịch sử, sông Cầu với chiến thắng Như Nguyệt vào mùa Xuân năm 1077, đánh bại quân Tống xâm lược còn mang trong mình những tên gọi nên thơ, sông Như Nguyệt, sông Nguyệt Đức… hay "dòng sông quan họ".

Thế nhưng, cũng chính “dòng sông quan họ” hiền hòa ấy, khi nổi giận, đã cuộn trào dữ dội, nhấn chìm biết bao ngôi nhà dân trong hành lang đê Hữu Cầu vào tháng 4 vừa qua. Chưa kịp khắc phục để ổn định cuộc sống thì họ lại phải oằn mình hứng chịu thêm "cơn thịnh nộ" của bão Yagi ập đến. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng gần 40 năm qua. Trở lại thăm “làng nổi” ven sông vào những ngày đông chớm về, tôi được gặp gỡ những hộ dân nơi đây, lắng nghe họ chia sẻ về cuộc sống, với những tâm tư, nguyện vọng khi Tết đang cận kề.

Ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1950), quê ở bên kia sông (làng Nguyệt Đức, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) - một người dân sinh sống hơn 40 năm tại làng nổi ven sông xúc động nói: “Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng tại khu vực trong hành lang đê Hữu Cầu, chính quyền đã nhanh chóng triển khai thi công, làm việc ngày, đêm bất kể thời tiết mưa rét để gia cố lại đê. Tuy nhiên, do sự thay đổi của thiên nhiên, khiến tình hình sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, buộc 13 hộ gia đình phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn, trong đó có gia đình tôi”.

Được biết, ông Chiến có mảnh đất gần 500 m2, xây dựng được 3 ngôi nhà cho các con thì một ngôi nhà đã bị nhấn chìm bởi dòng sông, ngôi nhà thứ hai buộc phải tháo dỡ do bị sụt lún, đổ nghiêng, sắp tới cũng sẽ phải tháo dỡ căn thứ ba do nằm trong chỉ giới của dự án phải tháo dỡ di dời. Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương, chính sách của tỉnh và thành phố về các dự án sẽ triển khai, ông Chiến chia sẻ: “Tôi cũng như bà con sinh sống ở đây rất ủng hộ. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn chính quyền đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, sớm có giải pháp tái định cư, bồi thường thỏa đáng, để người dân ổn định cuộc sống “an cư lạc nghiệp”, đặc biệt là khi sắp tới mưa phùn, gió bấc, trời rét buốt, trẻ nhỏ, người già sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có nơi ở ổn định”.

Sinh sống nhiều năm ở khu phố Vạn Phúc tại “làng nổi” ven sông, nơi chôn rau cắt rốn của nhiều thế hệ trong dòng họ Đỗ, bà Nguyễn Thị Bắc (sinh năm 1951), có 4 người con, 2 trai, 2 gái, nghẹn ngào: “Chồng bà đã mất hơn 10 năm, ngôi nhà của bà buộc phải tháo dỡ do sự cố sụt lún, đổ nghiêng vừa qua. Hiện bà đang sống một mình trong lán cất tạm ở vườn sau nhà của người con trai út”.

Căn nhà 2 tầng 1 tum của ông Đỗ Lê Vinh (sinh năm 1973) - người con trai cả của bà Bắc cũng bị sạt lở, đổ nghiêng, buộc phải tháo dỡ. Trước mùa Xuân mới đang tới gần, ước mong của bà Bắc thật giản dị: Bà mong chính quyền sớm có khu tái định cư để bà cũng như các hộ dân ở đây sớm có được mái nhà che mưa, che nắng và mong chính quyền sẽ có những chính sách bồi thường một cách công bằng nhất.

Chỉ vào chỗ mình đang ở, bà Bắc xúc động: Chỗ này đợt lũ vừa rồi ngập hết, giường, tủ, đệm, các đồ dùng bị ngập vẫn còn mốc meo và hỏng hóc. Bà chỉ mong sớm được an cư để tuổi già đỡ cực.

Chưa hết bàng hoàng sau sự cố ngôi nhà tích cóp mua được hơn 10 năm trước của vợ chồng con trai Phan Đình Hòe bị sạt lở, đổ nghiêng - mẹ anh Hòe vẫn bần thần: Đồ đạc của gia đình vẫn còn trong nhà mà chưa lấy được gì. Nhưng gia đình tôi cảm thấy may mắn vì được hỗ trợ sơ tán từ gần 1 tháng trước về nhà văn hóa của phường. Nếu không chúng tôi cũng không biết đi đâu. Cảm ơn chính quyền đã hỗ trợ chỗ ăn, ở; các nhà hảo tâm đã đến và quan tâm bà con thời gian qua cả về vật chất lẫn tinh thần. Sau sự cố ngôi nhà bị sụt lún, gia đình anh Hòe gồm 6 người (mẹ, hai vợ chồng và 3 người con), cùng một số hộ gia đình khác, được chính quyền thu xếp, sinh sống ở tạm tại nhà văn hóa của phường Vạn An và một số địa điểm khác.

Đồng cảm với các hộ dân, ông Chu Văn Khang - Trưởng khu phố Vạn Phúc cho biết: Có khoảng 26 hộ dân buộc phải di dời đến nơi ở mới với khoảng 125 nhân khẩu. Họ ở đây từ đời này qua đời khác, giờ phải di dời, biết bao nhiêu kỷ niệm gắn bó với mảnh đất này. Tuy rất lo lắng, nhưng họ cũng hiểu đây là việc cần thiết để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình. Thay mặt cho bà con, tôi mong muốn dự án sớm được triển khai để cải thiện cảnh quan môi trường, tạo không gian sống xanh, sạch, đẹp hơn cho người dân.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1950) sinh sống hơn 40 năm tại “làng nổi” ven sông Cầu.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1950) sinh sống hơn 40 năm tại “làng nổi” ven sông Cầu.

Chính quyền kiến tạo, Nhân dân đồng lòng

Mong muốn mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân tại “làng nổi” ven sông, TP Bắc Ninh đã phê duyệt phương án triển khai Dự án di dân tái định cư vùng sạt lở và tạo cảnh quan môi trường khu Vạn Phúc, phường Vạn An.

“Dự án Khu nhà ở tái định cư ven sông Cầu có tổng mức đầu tư hơn 32 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 2 năm, trên khu đất rộng 2,618 ha thuộc phường Vạn An. Hiện Ban quản lý dự án đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng tư vấn thiết kế. Hồ sơ thiết kế hoàn thiện vào tháng 12/2024, sau đó lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công vào quý I/2025, hoàn thành trong quý II/2025. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho bà con” - ông Nguyễn Trung Thành -Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng TP Bắc Ninh thông tin.

Đánh giá vai trò của dự án, Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu cho hay: “Dự án là giải pháp cấp thiết để bảo vệ cuộc sống, tài sản của Nhân dân, cải thiện cảnh quan môi trường và giải quyết tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các tuyến hành lang đê Hữu Cầu, thuộc địa phận phường Vạn An. Đây cũng là sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền tỉnh, thành phố đối với cuộc sống của người dân, mang đến một bức tranh tươi sáng hơn, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố”.

Hiện, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Hà bắc qua sông Cầu, kết nối xã Vân Hà, thị xã Việt Yên (Bắc Giang) với phường Hòa Long (TP Bắc Ninh). Đây là tin vui cho người dân đang sinh sống ở hai bên bờ sông Cầu. Bởi họ sẽ không còn phải di chuyển bằng xà lan qua sông như trước. Khi đó, đường trở về thăm quê hương của gia đình ông Chiến sẽ thuận lợi hơn. Dự kiến cây cầu sẽ khởi công trong năm 2025, hoàn thành vào năm 2026 với mục tiêu hoàn thiện hệ thống giao thông, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai tỉnh.

Thiên tai qua đi, “dòng sông quan họ” đã hiền hòa trở lại, một mùa Xuân mới đang cận kề, mong rằng, với sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo tỉnh, TP Bắc Ninh, các Sở, ban ngành, sự đồng lòng ủng hộ của người dân và toàn xã hội, ước mong về một mái ấm an toàn, một cuộc sống ổn định, một mùa Xuân "an cư" sớm trở thành hiện thực.

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/an-cu-tren-lang-noi-ven-song-393444.html