An dân, giữ đất biên cương (Bài 1)

Bây giờ, đi dọc biên giới Long An, hình ảnh khói lam chiều là đà trên những mái nhà tạm của cư dân biên giới trước kia đã được thay bởi những căn nhà khang trang. Xen lẫn cánh đồng lúa trải dài là màu xanh của những trang trại cây trái sum suê như bưởi, mít, xoài, ruộng sen ngát hương. Ở những địa phương biên giới, những chốt dân quân thường trực đứng sừng sững, tạo thành điểm tựa vững chắc, bảo vệ bình yên biên giới.

Bài 1: Chốt dân quân thường trực - điểm tựa vững chắc ở vùng biên

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Long An luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị trên tuyến biên giới. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh chú trọng phát huy vai trò xung kích của lực lượng dân quân tại các xã biên giới.

Lực lượng dân quân tuần tra, bảo vệ an ninh, trật tự địa bàn biên giới

Lực lượng dân quân tuần tra, bảo vệ an ninh, trật tự địa bàn biên giới

Luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ

Là chốt điểm của tỉnh, những năm qua, Chốt dân quân thường trực biên giới Mỹ Bình (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Quá trình huấn luyện luôn bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”. Có mặt tại chốt vào một buổi sáng sớm, chúng tôi chứng kiến tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của các chiến sĩ dân quân.

Sau một hồi kẻng báo động kèm theo khẩu lệnh của chốt trưởng, các chiến sĩ Chốt dân quân thường trực biên giới Mỹ Bình nhanh chóng lấy vũ khí, trang bị. Chỉ trong thời gian ngắn, các chiến sĩ dân quân đã mang, mặc chỉnh tề quân phục, công cụ hỗ trợ. Theo tình huống giả định “trong lúc tuần tra, kiểm soát, phát hiện đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật”, các chiến sĩ dân quân kịp thời có mặt làm nhiệm vụ. Dưới sự chỉ huy của Chốt trưởng Đặng Quốc Dương, các chiến sĩ dân quân khẩn trương triển khai đội hình chữ A, sau đó sử dụng khiên chắn và gậy cao su khép chặt vòng vây, khống chế đối tượng.

Giữa tiết trời oi bức của miền biên viễn, dù chỉ một buổi huấn luyện nội dung “Tổ dân quân tuần tra, canh gác xử lý tình huống” nhưng các chiến sĩ dân quân vẫn hăng say tập luyện. Chốt trưởng Chốt dân quân thường trực biên giới Mỹ Bình - Đặng Quốc Dương nói: “Đây là nội dung huấn luyện khó, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều yếu tố bất ngờ xảy ra, đòi hỏi dân quân phải linh hoạt, mưu trí để xử lý các tình huống thực tế, vừa góp phần bảo vệ an toàn cho bản thân, vừa bảo vệ vững chắc các mục tiêu được giao”.

Chốt dân quân Thường trực biên giới xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường được xây dựng khang trang

Chốt dân quân Thường trực biên giới xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường được xây dựng khang trang

Chốt dân quân xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường ra đời vừa là "người lính" đứng gác một góc biên cương, vừa là điểm tựa của người dân biên giới. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: "Từ khi có chốt dân quân, người dân an tâm tập trung sản xuất". Từ chỗ tạm bợ, đơn sơ ngày đầu thành lập, năm 2018, chốt dân quân được Bộ Quốc phòng, Bộ CHQS tỉnh đầu tư xây dựng mới trên khuôn viên doanh trại rộng 23.000m2, trong đó có 5.000m2 ao nuôi cá, tổng kinh phí xây dựng khoảng 4,5 tỉ đồng. Việc xây dựng Chốt dân quân Bình Tân góp phần cùng các lực lượng khác khép kín địa bàn, gắn với cụm điểm tựa của bộ đội địa phương và đồn, trạm, chốt hỏa lực của bộ đội biên phòng.

Theo Đại tá Trần Đình Hưng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, để cụ thể hóa đề án của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về việc xây dựng chốt chiến đấu của dân quân thường trực biên giới, Bộ CHQS tỉnh xây dựng Kế hoạch về việc xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới đất liền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền trong tình hình mới giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Bộ CHQS tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh bảo đảm kinh phí; phối hợp 6 huyện, thị xã biên giới quy hoạch, bố trí đất để xây dựng chốt dân quân biên giới.

Hiện nay, 20 chốt dân quân đều được xây dựng cơ bản, nhiều chốt đưa vào sử dụng gắn nhà ở khang trang với công trình chiến đấu liên hoàn, vững chắc. Lực lượng dân quân tại chốt duy trì bảo đảm 100% quân số theo quy định, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trong những năm qua, dân quân thường trực tại các chốt biên giới là lực lượng chủ chốt, đi đầu phối hợp bộ đội biên phòng trong các hoạt động tuần tra, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật Việt Nam tại vùng biên được lực lượng dân quân phát hiện, phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ.

Dân phòng phối hợp các lực lượng tuần tra, bảo vệ biên giới (Trong ảnh: Các lực lượng thực hiện nghi thức chào cột mốc trong quá trình tuần tra biên giới)

Dân phòng phối hợp các lực lượng tuần tra, bảo vệ biên giới (Trong ảnh: Các lực lượng thực hiện nghi thức chào cột mốc trong quá trình tuần tra biên giới)

Thực hiện quan điểm của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tập trung lãnh đạo, thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực trong việc xây dựng lực lượng dân quân gắn với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Theo đó, các cấp chú trọng tạo nguồn, kết nạp đảng viên tại chốt để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tại cơ sở.

Công tác giáo dục chính trị, quân sự theo chương trình cơ bản gắn với giáo dục tình hình nhiệm vụ và phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ dân quân. Lực lượng dân quân ở 20 xã biên giới của tỉnh đều được tuyển chọn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và có bản lĩnh chính trị vững vàng. Các hoạt động phối hợp tuần tra và tuần tra độc lập của lực lượng dân quân để giữ vững an ninh biên giới, nhất là hoạt động xâm lấn, vượt biên trái phép, phòng, chống dịch Covid-19 luôn được duy trì, thực hiện chặt chẽ.

Chăm lo đời sống cho dân quân

Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy vai trò xung kích của lực lượng dân quân, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chú trọng chăm lo, ổn định đời sống lực lượng dân quân, nhất là dân quân thường trực trên địa bàn biên giới. Gia đình dân quân thường trực Nguyễn Thành Trung, Chốt dân quân biên giới xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, là một trong những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Vợ chồng anh có gần 1ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, do đất khô cằn nên lúa đạt năng suất thấp. Vợ không có việc làm ổn định, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp của dân quân Nguyễn Thành Trung. Thấu hiểu hoàn cảnh của anh Trung, vừa qua, Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ gia đình 60 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa quân - dân.

Vui mừng khi mọi người đến dự lễ bàn giao nhà, dân quân Nguyễn Thành Trung bày tỏ: “Căn nhà mới giúp gia đình tôi che mưa, che nắng, các con có điều kiện để học hành. Gia đình tôi sẽ chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Riêng tôi luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ dân quân”.

Còn gia đình chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Định, Chốt dân quân biên giới Thái Bình Trung (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng), là một trong những hộ dân được Quân khu 7, Bộ CHQS tỉnh và các cấp, các ngành tỉnh Long An hỗ trợ xây dựng nhà tại Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới của xã. Từ ngày có nhà gần chốt, anh Định không chỉ có điều kiện chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn thực hiện tốt nhiệm vụ tại chốt. “Tôi luôn nỗ lực, phấn đấu, góp phần bảo vệ bình yên biên giới” - anh Định bộc bạch.

Theo Đại tá Trần Vinh Ngọc - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Long An, lực lượng dân quân trên các chốt biên giới thường đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết vùng biên, nước nhiễm phèn nên điều kiện sống khó khăn. Để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các chiến sĩ dân quân, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh về chính trị, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại đơn vị.

Bộ CHQS tỉnh đầu tư kinh phí cải tạo đất, xây dựng hệ thống nhà lưới, hỗ trợ con giống để các chốt dân quân biên giới tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều chương trình như chiến dịch Hành quân xanh, Thanh niên tình nguyện hè,... nhằm thăm hỏi, động viên lực lượng dân quân làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới./.

(còn tiếp)

Lê Đức - Quốc Cường

Bài 2: AN CƯ TRÊN TUYẾN ĐẦU TỔ QUỐC

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/an-dan-giu-dat-bien-cuong-bai-1--a143903.html