Ăn để sống và ăn để chết
Một đám nhà giàu nứt đố đổ vách, người trở thành tài phiệt nhờ bán phân, người làm giàu nhờ buôn lựu đạn, mèng nhất cũng là người nổi tiếng trên mạng xã hội, cùng trèo lên một chiếc du thuyền sang trọng.
Trong tiệc tối cùng thuyền trưởng với những món ăn fine-dining nào là bạch tuộc xông khói với chanh caramel, nào là trứng cá tầm Nga với hàu, nào là nhum biển với nấm truffle, thế nhưng chỉ một lúc sau, lần lượt từng quý bà quý ông bắt đầu nôn thốc nôn tháo vì say sóng lên những bộ đầm xinh đẹp, nôn lên bàn tiệc và nôn vào mặt nhau, trong khi những người phục vụ vẫn tiếp tục bưng lên các món ăn mới bội phần sang chảnh. Cuối cùng, chiếc du thuyền lật nhào, và bởi ai, bởi một gã thuyền trưởng vô trách nhiệm tự nhận chỉ thích ăn hamburger cùng khoai tây chiên. Một đám nhà giàu dạt vào một hòn đảo nơi người duy nhất có đủ kỹ năng sinh tồn là một bà da vàng sồ sề chuyên quét dọn vệ sinh.
Đáng ra là nơi những kẻ siêu giàu phô bày sự duyên dáng, tao nhã và gu ẩm thực sành sỏi của mình, bữa tiệc hào nhoáng trong bộ phim “Triangle of Sadnes” cuối cùng lại trở thành một trong những thước phim lỗ mãng và thô tục nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tác phẩm của Ruben Ostlund, tiếp đà của “Parasite” năm 2019 – một bộ phim chế nhạo người giàu khác, với sự nổi dậy của đám “ký sinh trùng” đã biến một bàn tiệc thanh nhã thành một bàn tiệc máu - cuối cùng giành giải cao nhất của Liên hoan phim Cannes năm nay.
Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cuối năm mà ai ai cũng một tuần bảy ngày kín lịch ăn tất niên, để rồi mỗi đêm về bụng kêu ọc ạch vì ứ khó tiêu, tôi lại chợt nghĩ đến những bữa ăn từ tồi tệ đến thảm họa trong tiểu thuyết và phim ảnh, mà “Triangle of Sadness” tuy xuất sắc, nhưng cũng chỉ là sự tiếp bước truyền thống vốn đã phong phú của phép ẩn dụ bàn tiệc như sự lụn bại không thể hồi cứu.
Đó là bữa tiệc sinh nhật của bạo chúa Herod trong trong Kinh Tân Ước, nơi đứa con gái riêng của hoàng hậu vợ y sau khi múa một điệu đã đòi chặt đầu Thánh Giôn Tẩy Giá. Đó là bữa tiệc xa hoa tại gia mà tướng Titus trong vở “Titus Andronicus” của Shakespeare tự tay giết chết con gái mình vì nàng đã bị cưỡng hiếp, còn những kẻ cưỡng hiếp nàng bị ông lấy thịt đem nướng bánh mời mẫu thân của chúng là Nữ hoàng Tamora. Một bữa tiệc bắt đầu ê chề kết thúc thảm thê khác của Shakespeare, chẳng gì khác, là bữa tiệc mà Macbeth thiết đãi quần thần sau khi ám sát nhà vua và soán ngôi quân chủ, nhưng rồi trong không khí tiệc rượu linh đình ấy, vị dũng tướng không sợ trời không sợ đất bỗng lại bị hồn ma bóng quế của Banquo làm cho hoảng loạn đến phát điên.
Trong lịch sử văn chương nghệ thuật, thức ăn thường là biểu tượng cho sự kết nối ở mức cơ bản nhất. Đơn giản, vì có ai không phải ăn? Mọi sự khác biệt biến mất khi ta cùng nhau ăn một cái gì đó. Không phải ngẫu nhiên chúa Jesus mời các tông đồ ăn bánh mì – thịt của Người, và uống rượu vang – máu của Người. “Ăn là một điều nhỏ bé tốt đẹp trong thời khắc thế này”, người thợ bánh trong tác phẩm “A small, good thing” của bậc thầy truyện ngắn Raymond Carver nói với một cặp vợ chồng vừa mất đi đứa con. Ông an ủi họ bằng cách cho họ ăn những chiếc bánh quế cuộn vừa mới ra lò, cho họ nếm một chiếc bánh mì đen thơm hơn cả hoa, kể với họ về nỗi cô đơn của ông, mỗi ngày đều bắt đầu bằng những mẻ bánh đầy ắp và kết thúc khi mẻ bánh trống rỗng, trong khi họ nhấm nháp vị hạt thô và đường molasse, cái vị ấy trong khoảnh khắc đó sao ngon thế, an ủi thế. Họ nói chuyện đến tờ mờ sáng mà chẳng ai muốn rời đi.
Nhưng khi bữa ăn không còn đơn thuần là chiếc bánh mì, là cốc cà phê, là ly rượu, khi bữa ăn biến thành một bữa dạ yến lộng lẫy, khi ăn không chỉ là ăn mà còn là làm màu, thì bữa ăn lại trở thành hiện trường của những án mạng suy đồi và sự lên đỉnh về mặt quyền lực lại đánh dấu sự thoái trào về mặt đạo đức. Ăn vốn dĩ để sống, nhưng điều ấy chỉ đúng khi người ăn đủ, ăn vừa, còn khi bữa ăn trở nên thừa mứa, tràn trề, lúc này ăn không còn để sống nữa, mà ăn để chết.
Ăn để chết. Một câu ngắn gọn lỏn đủ miêu tả một trong những bộ phim khủng khiếp nhất về sự ăn, “La Grande Bouffe”, một bộ phim thập niên 70 của đạo diễn người Ý Marco Ferreri. Bốn người đàn ông trung niên thành đạt trong sự nghiệp, người làm bếp trưởng kiêm chủ nhà hàng, người là phi công, người là thẩm phán nổi tiếng, người làm nhà sản xuất truyền hình, quyết định thuê một biệt thự vùng ngoại ô, nơi họ dự định vui chơi cùng những cô gái điếm rồi ăn đến chết.
Cả bộ phim, bốn gã đàn ông gần như chỉ làm tình và ăn. Những liễn thức ăn khổng lồ, những bàn tiệc ê hề chất chồng. Hàng tá thịt được vận chuyển tới để bốn kẻ hùng hục ăn, ăn không ngơi nghỉ, chỉ nghỉ giữa hiệp để chung chạ những người đàn bà với bộ ngực khổng lồ. Đáng lẽ, được xem ai đó ngồi bên bàn ăn phải mang tới cảm giác nhẹ nhõm, chẳng phải “trời đánh còn tránh miếng ăn?”, Ăn luôn là giờ phút bình yên nhất trong ngày, nhưng không, xem “La Grande Bouffe” khiến ta không ăn cũng muốn ói trước thức ăn. Ba cảnh làm ta sởn gai ốc nhất: cảnh một người đàn ông đánh cú rắm ồ ồ dài mấy phút vì đầy bụng, cảnh chiếc bồn cầu vỡ tung và đống phân từ bể phốt bắn tung tóe khắp căn biệt thự - mà đống phân là gì nếu không phải “hóa thân” của những bữa ăn đám người kia tống vào bụng mình, và cảnh một kẻ nằm dài vừa được bạn xúc cho ăn, vừa đi vào cõi chết vì bội thực.
Xã hội hiện đại, người ta không chết vì đói nữa, người ta chết vì no. Sự no đủ từ một giấc mơ nhân bản hóa ra lại thành một cơn ác mộng. Đoạn tay thẩm phán béo ịch tiểu đường ăn chiếc bánh ngọt đến khi gục ngã vào lòng nhân tình giữa khu vườn xanh mướt là sự nên thơ sa đọa, sự đủ đầy chết chóc. Con người suy thoái thành một tảng mỡ bốc mùi và hư hỏng.
Không phải ngẫu nhiên mà trong “Án giả”, một novella xuất sắc của văn học Đức thế kỷ 20, kịch tác gia người Thụy Sĩ Friedrich Dürrenmatt lại để cho những ông già hưu hắt trong ngành luật pháp rủ một vị khách trung niên chơi trò tòa án ngay giữa một bàn ăn tưởng như cứ hết lại đầy. Chỉ có thể là tại một bàn ăn xa hoa nơi những chai rượu được rót ra như suối và những món ăn được bưng lên liên tục, vị khách thoạt nhìn tuy không mẫu mực song cũng chẳng làm gì nên tội mới dần lộ chân tướng là một kẻ tham lam, một kẻ đố kỵ, một kẻ mưu mô, một kẻ bịp bợm, một kẻ thông dâm, và hơn hết, một kẻ giết người.
Dung lượng sách chẳng đến trăm trang, vậy mà tác giả dường như luôn mô tả những món đồ ăn thức uống kỹ hơn cần thiết, rượu thì phải có tên hãng, đôi khi là cả niên vụ, món ăn phải cụ thể thành phần: súp nấm kem khổng lồ, thịt bê quay, rượu Neuchâtel, rượu Marêchaux, rượu Château Pavie 1921, cùng hàng chục món ăn và chai rượu khác. Bàn tiệc không chỉ là một sân khấu, một bối cảnh, bàn tiệc còn là một nhân vật tham gia vào trò chơi hiểm họa ấy, đẩy trò chơi ấy đi xa nhất, đến khi nó không còn là một trò chơi nữa mà trở thành sự kết án chung cuộc. Bàn ăn chính là thần chết. Trò chơi sẽ không thể diễn ra nếu bàn ăn chỉ là những lát bánh mì thô mộc. Và chính là khi uống chai cognac quý ủ từ năm 1893 mà vị khách thú nhận đã mượn tay giết ông sếp của mình để soán ngôi và nghe bản kết án tử hình từ phía những nhà hành pháp về hưu, để rồi đêm ấy hắn tự thắt thòng lọng treo cổ hành hình. Nếu như trong “A good, small thing”, cho ai đó ăn là một hành động hào hiệp và rộng lượng biết bao nhiêu, thì ở đây, cho ai đó ăn lại là đưa kẻ đó xuống vực thẳm. Hắn giết người, hắn phải chết - đó cũng là một kiểu đạo lý, nhưng những gã thẩm phán, luật sư và công tố viên kia, những kẻ đã không buồn thực hành đạo lý khi còn tại vị, những kẻ đã làm giàu nhờ nô dịch cho cái ác, những kẻ đó cũng chẳng vô can.
Tôi nghĩ về tất cả những tác phẩm ấy khi ngồi cùng bạn bè ăn một bữa buffet với những đĩa thịt và hải sản tưởng như là vô tận. Nhưng người ta có thể thoát khỏi chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa hưởng thụ không kiểm soát ấy được hay không? Tôi những muốn đứng lên, đi về, nhưng không sao làm được, sợ bất lịch sự, sợ vô duyên, sợ... mình chưa ăn đủ số tiền buffet mình đã bỏ ra, sợ đủ thứ. Và trong giây phút ấy, bỗng nhiên tôi nhận ra mình đã phần nào hiểu được bộ phim siêu thực quái đản “The Exterminating Angels” của Luis Bunuel, trong đó một đám người tụ tập ăn uống vui chơi tại một ngôi biệt thự để rồi không ai bước ra khỏi được căn biệt thự đó. Chẳng có hàng rào hay vật cản nào ngăn họ bước ra, nhưng họ cứ đứng lên, đứng trước thềm nhà, rồi lại đi vào. Họ có thể đi ra cơ mà, có ai cấm họ đâu, nhưng họ không làm được, không sao làm được.
Cuối cùng, con người cũng chỉ là tôi tớ cho sự phù phiếm của mình đấy thôi.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/an-de-song-va-an-de-chet-i679768/