Ăn dè và chơi…dè
Thế hệ sinh những năm 60 như chúng tôi hai tiếng 'ăn dè' lúc nào cũng vẳng bên tai. Có miếng thịt trên bát để dành đến tận cuối bữa; có cái bánh cái kẹo cất cho kỹ, thi thoảng đem ra ngắm nghía hít hà rồi lại giấu đi...
Nhiều lúc tôi vẫn tâm sự với bè bạn rằng hình như lũ trẻ hôm nay không biết hai chữ “ăn dè”. Rất có thể hai từ này sẽ không còn xuất hiện trong đời sống ngôn ngữ. Bản thân người lớn chúng ta đôi lúc cũng vứt nó ra khỏi đầu, thậm chí căm nghét mỗi khi phải giục giã, động viên, cầu cạnh con cháu cố ăn cái này cái kia.
Chả bù ngày xưa, thế hệ sinh những năm 60 như chúng tôi hai tiếng “ăn dè” lúc nào cũng vẳng bên tai. Có miếng thịt trên bát để dành đến tận cuối bữa; có cái bánh cái kẹo cất cho kỹ, thi thoảng đem ra ngắm nghía hít hà rồi lại giấu đi. Khi chúng bạn anh chị em ăn hết mình mới lôi ra ăn, vừa ăn vừa lên mặt khoe.
Thời đó mười nhà thì bảy nhà khốn khó. Gia đình nào đông con, đang tuổi ăn tuổi lớn, đứa nào “nhỡ” tay gắp thêm miếng đậu rất dễ bị lườm. Thằng em tố thằng anh gắp quá tiêu chuẩn, con chị giằng tay đứa em khỏi miếng đậu vừa gắp, nước mắt nước mũi chan cơm, cứ inh ỏi. Bố mẹ bỗng dưng lên chức quan tòa, nuốt nước mắt vào trong, nói thôi, cứ để em ăn, phần của bố mẹ đấy.
Chỉ đến Tết mới không phải ăn dè. Nhìn chung không phải “dè” bất cứ cái gì, có thể ngủ muộn hơn, đi chơi lâu hơn và chén thỏa thích. Có vẻ như cái sự “dè” cả năm góp phần làm cho Tết trở nên đặc biệt; chiếc áo mới, như mới hơn; miếng ăn ngon, như ngon hơn; bữa ăn không sợ bị lườm khiến cánh tay đưa ra gắp tự tin hơn, không khí thoải mái vui vẻ hơn.
Bây giờ tôi đoán trẻ con thị thành hầu hết không phải ăn dè và không biết ăn dè. Thực ra đôi lúc cũng muốn nhắc lại chuyện cũ để chúng biết một thời khốn khó để trân trọng hơn cái chúng có hôm nay. Nhưng nói chúng nó cũng chả để tâm nên cứ nghĩ chữ “dè” biến mất hẳn rồi.
Thế nhưng không phải! Mấy hôm trước đi chợ chọn cành đào cắm tết, mình mua bán ào ào nhưng tụi nhỏ lại kỹ, đứa nào cũng chọn cành nhiều nụ để chơi được lâu. Trước Tết, gặp mấy hôm trời ấm, đào nở bung toe toét, tụi nhỏ thi thoảng lại chạy ra nhìn cành đào lo lắng, nói bố ơi, nở hết thế này thì làm sao.
À! Hóa ra bọn trẻ vẫn muốn hoa nở đúng Tết! Thế hệ chúng không phải “ăn dè” nữa nhưng vẫn “chơi dè”. Không khác nhau nhiều. Xưa mình đói khổ, Tết cứ lấy cái ăn cái mặc làm tham chiếu mà chả chịu để ý Tết còn bao sự háo hức, bao niềm đam mê. Xưa mình để dành miếng ngon thì giờ chúng níu giữ cái đẹp; mình lo cho cái bụng giờ chúng lo cho tâm hồn. Tất cả vì ba ngày Tết để vui Tết, chơi Tết vẫn còn y nguyên, chỉ có điều mỗi người trong chúng ta có chịu tìm, chịu thay đổi và nâng niu nó hay không mà thôi./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/blog/an-de-va-choide-836919.vov