Ấn định thời gian hoàn thành chuyển đổi rừng làm cao tốc kết nối rừng - biển

Thủ tướng chính phủ yêu cầu trước ngày 30/6, các địa phương phải hoàn thành chuyển đổi rừng tại dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Đắk Lắk có gần 170 héc-ta rừng cần chuyển đổi để phục vụ dự án cao tốc kết nối rừng - biển này.

Ngày 3/6, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh có gần 170 héc-ta rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (dự án gồm 3 thành phần). Diện tích rừng cần chuyển đổi thuộc 5 huyện: Krông Pắc, Ea Kar, Cư Kuin, M’đrắk và Krông Bông.

Đối với diện tích rừng thuộc dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định chuyển đổi mục đích. Tổng diện tích rừng được chuyển đổi hơn 135 héc-ta, trong đó, hơn 45 héc-ta rừng tự nhiên sản xuất, còn lại rừng trồng sản xuất.

Còn khoảng 35 héc-ta rừng thuộc dự án thành phần 3 (do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư), theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đã trình UBND tỉnh, đang lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn.

Công nhân thi công cao tốc.

Công nhân thi công cao tốc.

Về phía các địa phương có rừng chuyển đổi để làm cao tốc kết nối rừng-biển, cũng đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục khai thác lâm sản theo đúng quy định.

Ông Lê Đình Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar, cho biết, địa phương có gần 25 héc-ta rừng phải chuyển đổi. Trong đó, hơn 9 héc-ta rừng thuộc diện bồi thường, UBND huyện đã phê duyệt giá khởi điểm, hoàn tất hồ sơ lựa chọn nhà thầu, phát hành hồ sơ mời thầu để khi có quyết định chuyển đổi mục sử dụng rừng của UBND tỉnh sẽ tiến hành khai thác. Đối với diện tích rừng của người dân thuộc diện hỗ trợ, họ sẽ tự khai thác khi có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Về phía huyện Krông Bông, có hơn 75 héc-ta rừng, đã được UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong diện tích này, có hơn 40 héc-ta rừng tự nhiên sản xuất. Ông Nguyễn Ngọc Pháp - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho hay, địa phương đã chọn phương án bán "cây đứng” để xử lý số tài sản là gỗ trên.

Qua đo đạc cũng như kết quả phúc tra của đoàn liên ngành, tổng trữ lượng gỗ của hơn 40 héc-ta rừng trên khoảng 8.000 khối, gỗ nhóm 5,6,7, không có gỗ quý. Địa phương đang đợi kết quả thẩm định giá đối với số gỗ trên để tiến hành đấu giá.

Liên quan đến dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tại Công điện số 54 ngày 28/5 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác rừng, đấu giá, thu hồi rừng trước ngày 30/6.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 dài khoảng 117,5km, điểm đầu tại nút giao quốc lộ 26B và quốc lộ 1 (khu vực Cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa); điểm cuối giao nhau với đường Hồ Chí Minh (phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Dự án có tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, dự kiến khai thác năm 2027.

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/an-dinh-thoi-gian-hoan-thanh-chuyen-doi-rung-lam-cao-toc-ket-noi-rung-bien-post1642939.tpo