Ấn Độ bắt đầu tiêm vắc xin Sputnik V của Nga cho người dân

Vắc xin Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. Nguồn: THX/TTXVN

* Nhật Bản viện trợ khẩn cấp cho Ấn Độ và Myanmar nhằm ứng phó đại dịch

Ngày 14/5, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo Ấn Độ đã bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga cho người dân.

Theo RDIF, việc tiêm vắc xin Sputnik V bắt đầu được triển khai tại thành phố Hyderabad. Đây là loại "vắc xin đầu tiên do nước ngoài sản xuất được sử dụng tại Ấn Độ".

Lô vắc xin đầu tiên của Sputnik V đã được đưa tới Ấn Độ vào ngày 1/5 vừa qua và dự kiến lô thứ hai sẽ được chuyển giao cho quốc gia Nam Á này trong những ngày tới.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev cho biết quỹ này sẵn sàng hỗ trợ các đối tác của Ấn Độ sớm triển khai tiêm phòng vắc xin Sputnik V trên diện rộng.

Một số nhà sản xuất thuốc hàng đầu có trụ sở tại Ấn Độ, trong đó có Virchow Biotech và Hetero Biopharma, đã thỏa thuận sản xuất Sputnik V tại nước này nhằm sản xuất hơn 850 triệu liều mỗi năm.

Theo RDIF, vắc xin Sputnik V đã được đăng ký tại 65 quốc gia.

Ngày 12/5, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận vắc xin Sputnik V của Nga an toàn và đạt hiệu quả trong phòng ngừa bệnh COVID-19.

Tổng Thư ký Guterres đã nhấn mạnh vai trò "then chốt" của vắc xin Sputnik V trong chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Ông cũng cho biết nhiều nhân viên Liên Hợp Quốc đã được tiêm vắc xin này.

Các chuyên gia kỹ thuật của WHO và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang tiến hành vòng đánh giá tiếp theo về vắc xin Sputnik V của Nga, từ ngày 10/5 đến tuần đầu của tháng Sáu.

Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh các nỗ lực của Nga trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa vắc xin Sputnik V vào Danh sách Sử dụng khẩn cấp.

Tháng trước, nhà khoa học Nga Denis Logunov - người được xem là nhà phát triển hàng đầu vắc xin Sputnik V, cho biết trong bản đánh giá dựa trên dữ liệu của 3,8 triệu người, loại vắc xin này đạt hiệu quả tới 97,6% trong việc ngăn chặn COVID-19.

Tỉ lệ trên cao hơn so với mức 91,6% đã được công bố trong báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet hồi tháng 3 năm nay.

* Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại họp báo thường kỳ ngày 14/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, nước này đã quyết định cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại khẩn cấp trị giá 22,5 triệu USD cho Ấn Độ và Myanmar.

18,5 triệu USD sẽ được hỗ trợ cho Ấn Độ đối phó với tình trạng lây lan dịch bệnh COVID-19 và 4 triệu USD để giúp hỗ trợ người dân Myanmar khắc phục tình trạng thiếu lương thực do tác động của bất ổn chính trị tại đây.

Trước đó, ngày 30/4, phía Nhật Bản cho biết, sẽ gửi đến Ấn Độ 300 máy thở và 300 máy tạo oxy. Tiếp đó, ngày 5/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi trong trao đổi với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, đã khẳng định Nhật Bản sẵn sàng cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại tối đa lên đến 50 triệu USD trên cơ sở nhu cầu ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của Ấn Độ.

Với khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 18,5 triệu USD lần này, Nhật Bản sẽ cung cấp ngay cho Ấn Độ 300 máy thở thông qua Văn phòng Các dịch vụ dự án của Liên Hợp Quốc (UNOPS). Sau đó, cũng thông qua UNOPS, 500 máy thở và 500 máy tạo ôxy sẽ tiếp tục được chuyển đến Ấn Độ, cũng trong khuôn khổ gói viện trợ 50 triệu USD mà Nhật Bản đã cam kết.

Dự kiến sẽ có khoảng 800 máy thở và 800 máy tạo ôxy sẽ được Nhật Bản viện trợ cho quốc gia Nam Á này, với hi vọng sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng y tế, giúp Ấn Độ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành nghiêm trọng tại đây.

Trong khi đó, đối với Myanmar, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ lương thực trị giá 4 triệu USD cho người dân nước này, chủ yếu ở TP Yangun, nơi người dân đang gặp nhiều khó khăn để duy trì mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của bất ổn chính trị. Khoản viện trợ này dự kiến sẽ được chuyển đến người dân Myanmar vào cuối tháng này thông qua Chương trình Lương thực thế giới (WFP).

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255673/an-do-bat-dau-tiem-vac-xin-sputnik-v-cua-nga-cho-nguoi-dan.html