Ấn Độ bình luận về công nghệ vũ khí nước ngoài mà Pakistan đang sở hữu

Ngày 14/5, Ấn Độ tuyên bố ưu thế về công nghệ của mình so với vũ khí nước ngoài của Pakistan, đặc biệt nhắc đến các hệ thống phòng thủ của Trung Quốc mà quân đội Pakistan đã sử dụng trong các cuộc đụng độ gần đây.

Tên lửa PL-15E của Trung Quốc. Ảnh: defencesecurityasia.com

Tên lửa PL-15E của Trung Quốc. Ảnh: defencesecurityasia.com

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), đây cũng là thông báo chính thức đầu tiên của New Delhi về việc Trung Quốc có "liên quan gián tiếp" đến cuộc xung đột quân sự ngắn ngày giữa Ấn Độ với Pakistan.

Trong tuyên bố của cơ quan thông tin về Chiến dịch Sindoor chống Pakistan, Ấn Độ nhấn mạnh rằng không quân nước này đã vượt qua và gây nhiễu các hệ thống phòng không do Trung Quốc cung cấp cho Pakistan.

Chiến dịch Sindoor được triển khai vào ngày 7/5, khi Ấn Độ tấn công 9 căn cứ khủng bố ở Pakistan để trả đũa cho vụ sát hại 26 khách du lịch vào ngày 22/4 ở Kashmir - một khu vực mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ đã đổ lỗi cho Pakistan về vụ tấn công, gọi đó là hành động khủng bố, trong khi Pakistan phủ nhận cáo buộc.

Các cuộc không kích ngày 7/5 nhanh chóng làm leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á. Pakistan đáp trả bằng cách phóng hàng trăm thiết bị bay không người lái vào lãnh thổ Ấn Độ. Trong khi, Ấn Độ tấn công các cơ sở quân sự của Pakistan. Lực lượng không quân của cả hai bên đã tham gia vào các cuộc không kích trong 3 ngày tiếp theo. Theo các quan chức Ấn Độ, toàn bộ các hoạt động này đều nằm trong khuôn khổ chiến dịch Sindoor.

Giữa áp lực quốc tế ngày càng gia tăng và lo ngại về khả năng leo thang một cuộc chiến hạt nhân, Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí ngừng bắn vào 11/5. Tuy nhiên, New Delhi mô tả đó chỉ là thỏa thuận không chính thức và là một "sự tạm dừng".

"Vào sáng ngày 8/5, lực lượng vũ trang Ấn Độ đã nhắm mục tiêu vào radar và hệ thống phòng không tại nhiều địa điểm ở Pakistan. Một hệ thống phòng không ở Lahore đã bị vô hiệu hóa", tuyên bố của phía Ấn Độ nêu rõ.

Tuyên bố cũng cho biết thêm rằng nhiệm vụ tấn công vào các căn cứ không quân của Pakistan, bao gồm căn cứ không quân Nur Khan ở Rawalpindi, đã hoàn thành "chỉ trong 23 phút", cho thấy "lợi thế công nghệ" của Ấn Độ. Rawalpindi là nơi đặt trụ sở cơ quan đầu não quân sự của Pakistan cũng như bộ chỉ huy hạt nhân của quốc gia này.

Tuyên bố lưu ý việc thu được các mảnh vỡ tên lửa PL-15 (có nguồn gốc từ Trung Quốc) là bằng chứng cho thấy các công nghệ thù địch bị hệ thống của Ấn Độ vô hiệu hóa.

"Những thứ này đã được thu lại và xác định cho thấy rằng bất chấp những nỗ lực của Pakistan nhằm khai thác vũ khí tiên tiến do nước ngoài cung cấp, mạng lưới phòng không và tác chiến điện tử nội địa của Ấn Độ vẫn vượt trội hơn", tuyên bố nhấn mạnh.

Trong tuyên bố phát đi, phía Trung Quốc hầu như chỉ kêu gọi cả hai bên hành động vì lợi ích lớn hơn của hòa bình và ổn định, đồng thời nói thêm rằng nước này sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng vì mục đích này.

Tuy nhiên, việc Pakistan triển khai vũ khí Trung Quốc trong cuộc xung đột đã thu hút sự chú ý đáng kể của quốc tế, nhất là trong bối cảnh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, bày tỏ sự quan ngại trước những tiến bộ về mặt quân sự của Trung Quốc và sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuần trước, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã phát lại cảnh quay về dây chuyền sản xuất tự động tên lửa không đối không tiên tiến PL-15E. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Pakistan tuyên bố đã sử dụng loại vũ khí này để bắn hạ máy bay chiến đấu của Ấn Độ.

Phía Pakistan đã thừa nhận triển khai máy bay chiến đấu J-10 do Trung Quốc sản xuất trong cuộc xung đột kéo dài 4 ngày với Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ chưa xác nhận việc bất kỳ tổn thất nào về máy bay. Tuy nhiên, hãng tin Reuters đã trích dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết rằng ít nhất 2 máy bay của Ấn Độ đã bị bắn trúng.

Đoạn video trên của Trung Quốc là một phần trong chương trình giới thiệu về PL-15E - phiên bản xuất khẩu của tên lửa PL-15 được phát triển cho mục đích chiến đấu trên không tầm xa. Với tầm bắn hơn 200km và được thiết kế để tích hợp với máy bay chiến đấu do Trung Quốc sản xuất, loại tên lửa này được xem như một vũ khí chủ lực của Trung Quốc và là đối thủ cạnh tranh với các hệ thống tên lửa không đối không của phương Tây.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, vũ khí Trung Quốc chiếm 81% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan trong 5 năm qua. Trong thời gian này, Pakistan là khách hàng quân sự lớn nhất của Trung Quốc, tiếp nhận 63% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/an-do-binh-luan-ve-cong-nghe-vu-khi-nuoc-ngoai-ma-pakistan-dang-so-huu-20250515095028875.htm