'Thoát án' trừng phạt, Syria có sẵn sàng để hồi sinh?

Động thái bất ngờ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump mang lại sự phấn khích tại Damascus, mở ra kỳ vọng phục hồi cho nền kinh tế Syria sau 14 năm chìm trong nội chiến. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ các rào cản có thể diễn ra đủ nhanh, để công cuộc tái thiết quốc gia bị tàn phá này đủ sức hấp dẫn các 'ông lớn' đầu tư toàn cầu hay không, vẫn còn là câu hỏi lớn.

Mỹ bất ngờ gỡ trừng phạt Syria sau hơn một thập kỷ chiến tranh, mở ra cơ hội đầu tư, tái thiết kinh tế hàng trăm tỷ USD. Liệu Syria có sẵn sàng để hồi sinh? Trong ảnh: Khung cảnh ngổn ngang ở cảng Latakia của Syria. (Nguồn: Getty Images)

Mỹ bất ngờ gỡ trừng phạt Syria sau hơn một thập kỷ chiến tranh, mở ra cơ hội đầu tư, tái thiết kinh tế hàng trăm tỷ USD. Liệu Syria có sẵn sàng để hồi sinh? Trong ảnh: Khung cảnh ngổn ngang ở cảng Latakia của Syria. (Nguồn: Getty Images)

Từ lâu, Syria đã bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vì cuộc nội chiến kéo dài, mối quan hệ thân cận với Iran và bị xếp vào danh sách “quốc gia bảo trợ khủng bố” từ năm 1979. Những biện pháp trừng phạt này khiến kinh tế Syria gần như tê liệt: xuất khẩu bị cấm, tài sản bị phong tỏa, hệ thống thanh toán quốc tế bị cắt đứt. Theo Liên hợp quốc, 90% người dân Syria hiện sống dưới mức nghèo khổ.

“Tới lúc Syria tỏa sáng”

Trong chuyến công du Trung Đông, tại điểm dừng chân Saudi Arabia (ngày 13/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt khắt khe áp đặt lên Syria — một sự thay đổi chính sách lịch sử của Washington sau hơn một thập kỷ xung đột đẫm máu.

Bất chấp lo ngại an ninh từ phía Israel – liên quan mối quan hệ cũ giữa Syria với Iran và lực lượng Hezbollah – Tổng thống Trump bất ngờ quyết định nới lỏng các biện pháp cấm vận.

Từ Riyadh, ông Trump tuyên bố Syria hiện có một chính phủ mới, "với hy vọng sẽ ổn định đất nước và gìn giữ hòa bình". Do đó, ông cho biết sẽ "ra lệnh chấm dứt các lệnh trừng phạt để cho họ một cơ hội phát triển vĩ đại".

“Tới lúc Syria tỏa sáng”, Tổng thống Trump đã phát biểu như vậy, đồng thời kêu gọi chính quyền lâm thời ở Damascus “chứng minh họ có thể làm điều gì đó thật đặc biệt”.

Ông chủ Nhà Trắng cho biết, quyết định này được đưa ra sau các cuộc thảo luận với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan – hai nhân vật có ảnh hưởng lớn sau khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ vào cuối năm ngoái.

Chính phủ lâm thời hiện do ông Ahmad al-Sharaa – từng là lãnh đạo của nhóm đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) – đứng đầu. Tuy nhiên, Tổng thống lâm thời Syria al-Sharaa vẫn đang phải vật lộn hàng ngày để kiểm soát toàn bộ đất nước trong bối cảnh bạo lực sắc tộc chưa chấm dứt.

Thông tin từ người đứng đầu nước Mỹ đã khiến người dân Syria phấn khích, đổ ra đường ăn mừng. Tại nhiều thành phố, pháo hoa sáng rực bầu trời đêm. Các nghị sĩ Mỹ, cả Dân chủ và Cộng hòa, cùng các quan chức Liên hợp quốc đều bày tỏ ủng hộ động thái này.

Giống như Iran, Triều Tiên và Cuba, Syria là một trong những quốc gia bị cô lập kinh tế nghiêm trọng nhất thế giới. Sau chiến tranh, cơ sở hạ tầng tan hoang – từ đường sá, bệnh viện đến mạng lưới điện – khiến việc cung cấp dịch vụ cơ bản trở nên cực kỳ khó khăn.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, Syria đã thiệt hại khoảng 800 tỷ USD do chiến tranh. Một báo cáo khác cho rằng, chi phí tái thiết sẽ cần từ 400 đến 600 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 1.000 tỷ USD.

Việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ mở đường cho các tổ chức nhân đạo tăng tốc phân phối lương thực, thuốc men và hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, các nước láng giềng giàu có như Saudi Arabia, Qatar và UAE sẽ có thể đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và công nghiệp, góp phần ổn định khu vực.

Theo bà Natasha Hall, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhiều quốc gia trước đây lo sợ bị Mỹ phản ứng nếu giao thương với Syria, nay đã “nôn nóng” muốn quay lại.

"Điều này sẽ có lợi cho cả khu vực. Các nước như Lebanon, Jordan sẽ có thể nối lại thương mại với Syria – điều rất có ích cho việc phát triển kinh tế của họ", bà Natasha Hall nói với DW.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ mong muốn đầu tư vào ngành dầu khí của Syria, đặc biệt ở các vùng phía Bắc do nước này kiểm soát. Trong khi đó, Đức – thông qua ngân hàng phát triển KfW – từng hỗ trợ tài chính cho Syria trước chiến tranh và thành lập Quỹ tái thiết Syria (SRTF) trong thời gian xung đột.

Pháp hiện đã có hợp đồng dài hạn vận hành và hiện đại hóa cảng Latakia – cửa ngõ hàng hải chính của Syria – và được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư.

Chưa rõ liệu Mỹ và EU có trực tiếp đầu tư vào Syria hay không, nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ tái thiết.

Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới (WB) cũng được kỳ vọng sẽ dẫn đầu các nỗ lực tài trợ cho nhà ở, y tế, giáo dục và hạ tầng.

Cộng đồng người Syria ở nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng, với dòng kiều hối, các dự án cộng đồng và đội ngũ chuyên gia – từ kỹ sư đến bác sĩ – sẽ góp phần hồi sinh đất nước.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Anwar al-Qassem của Financial Times, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, Syria vẫn sẽ cần một "phép màu kinh tế".

Ông nhận định: “Không ngoa khi nói rằng kinh tế Syria – vốn đã mất 85% giá trị – sẽ cần từ 20 đến 25 năm để quay lại một nửa mức trước chiến tranh”.

Gỡ trừng phạt – nói thì dễ, làm mới khó

Việc tuyên bố gỡ trừng phạt mới chỉ là bước đầu tiên. Giờ đây, các quan chức Mỹ sẽ phải xác định những biện pháp trừng phạt nào có thể dỡ bỏ ngay và đâu là những rào cản cần điều kiện cụ thể từ phía Syria.

Chuyên gia Hall từ CSIS nhấn mạnh, có “nhiều lớp trừng phạt chồng chéo” bao gồm cả các lệnh cấm liên quan đến khủng bố và cũng không phải tất cả đều có thể được gỡ bỏ ngay. “Cần có thời gian. Mấu chốt sẽ nằm ở những chi tiết cụ thể”.

Tiến sĩ Ziad Ayoub Arabash, giảng viên kinh tế tại Đại học Damascus, cho rằng Bộ Tài chính Mỹ sẽ là đơn vị quyết định phạm vi đình chỉ các biện pháp trừng phạt. Ông lưu ý, chưa rõ liệu các lệnh nới lỏng sẽ chỉ áp dụng với viện trợ nhân đạo hay sẽ bao gồm cả việc gỡ phong tỏa tài chính, cho phép Ngân hàng Trung ương Syria hoạt động trở lại với hệ thống quốc tế.

TS. Arabash nhận định, nếu các lệnh trừng phạt nhanh chóng được dỡ bỏ, cơ hội cho Syria sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo tham nhũng và thể chế yếu kém trong nước sẽ là trở ngại lớn nhất cho đại dự án tái thiết này.

Một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Jusoor có trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dự đoán, kinh tế Syria sẽ hồi phục mạnh mẽ nếu được dỡ bỏ trừng phạt, với các lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu thô, viễn thông và công nghệ là những mũi nhọn tiên phong.

Sau hơn một thập kỷ chìm trong lửa đạn và đói nghèo, ánh sáng hy vọng đang le lói tại Syria. Tuy nhiên, việc khơi thông dòng vốn đầu tư và viện trợ sẽ chỉ là bước đầu – tương lai của Syria vẫn còn phụ thuộc vào khả năng vượt qua những rào cản nội tại để xây dựng lại từ đống tro tàn.

(theo DW, FT)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoat-an-trung-phat-syria-co-san-sang-de-hoi-sinh-314405.html