Ấn Độ bội thu khi EU, Mỹ mua tàu chạy bằng năng lượng xanh
Giống như vận chuyển than tới Newcastle, Ấn Độ đã bắt đầu cung cấp 'tàu xanh' cho các quốc gia đóng tàu truyền thống là Na Uy, Đức và Mỹ, thúc đẩy tham vọng trở thành một trung tâm vận chuyển toàn cầu.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh môi trường quốc tế tập trung vào ngành vận tải biển. Mặc dù các con tàu chịu trách nhiệm vận chuyển phần lớn hàng hóa trên khắp thế giới, chúng cũng thải ra một lượng đáng kể khí nhà kính.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine gây ra, làm dấy lên mối quan tâm mới trong việc chế tạo 'tàu xanh' - những con tàu thường chạy bằng nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn như metanol, điện, hydro xanh và pin lai.
Gần đây, Cochin Shipyards Ltd (CSL) do nhà nước Ân Độ điều hành đã bàn giao hai phà chở hàng chạy hoàn toàn bằng điện cho Na Uy. Diễn biến này đánh dấu sự đảo ngược bất ngờ đối với chiến lược trước đó của Ấn Độ là tìm nguồn cung ứng tàu xanh từ châu Âu và Mỹ. CSL cũng đã ký hợp đồng đóng hai tàu từ các khách hàng châu Âu sẽ chạy bằng metanol.
Ngoài ra, nhà máy đóng tàu đã ký hợp đồng với khách hàng Na Uy để đóng hai tàu container chạy bằng hydro xanh. Một hợp đồng khác cung cấp tám ‘tàu vận tải sinh thái’ cho Tập đoàn HS Schiffahrts (Đức).
Động thái này đánh dấu sự gia nhập của CSL vào thị trường vận tải đường biển ngắn, bao gồm các cảng ở châu Âu. Khu vực tư nhân cũng đang giúp tăng cường sản xuất hàng hải trong nước. Chowgule and Co có trụ sở tại Goa (Ấn Độ) đã ký hợp đồng đóng tám tàu chở hàng hybrid chạy điện từ các khách hàng châu Âu.
Trong khi đó, công ty Mint đã báo cáo vào tháng 1 năm 2022 về việc Ấn Độ đang thực hiện một kế hoạch độc đáo để chạy tàu hoàn toàn bằng năng lượng xanh.
Bộ trưởng Vận tải biển Sarbananda Sonowal trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Mint cho biết, nhiều đơn đặt hàng như vậy dự kiến sẽ được đặt bởi các khách hàng châu Âu với các nhà máy đóng tàu Ấn Độ.
“Hầu hết nước tiên tiến đang đặt hàng tàu với các công ty Ấn Độ. Đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng 'sản xuất tại Ấn Độ' đang trở nên thành công và sáng kiến Atmanirbhar Bharat đang được củng cố,” ông Sonowal nói.
Ngoài Na Uy và Đức, các công ty đóng tàu Ấn Độ gần đạt được những thỏa thuận nổi bật với các công ty ở Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch và Tây Á. Gần hơn, các hợp đồng cũng đang được xem xét từ Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar.
Bộ trưởng cho biết Na Uy và Ấn Độ sẽ hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng để sản xuất tàu chở khách và tàu chở hàng xanh sẽ được sử dụng cho cả thị trường trong nước và toàn cầu.
Về phần mình, trung tâm đang cung cấp vốn đầu tư thông qua Chính sách Hỗ trợ Tài chính Đóng tàu (SBFA) cho các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ nhằm biến Ấn Độ thành điểm đến được săn đón đối với những con tàu xanh có công nghệ tiên tiến.
Theo Tầm nhìn Hàng hải Ấn Độ – 2030, một lộ trình rõ ràng đã được đưa ra để mang lại sự cải thiện toàn diện, có thể là trong lĩnh vực hiện đại hóa và tự động hóa cảng, vận tải ven biển, đóng tàu, sửa chữa tàu, chuyển đổi sang Năng lượng tái tạo, tăng thị phần của Ấn Độ.
Trọng tâm cũng là phát triển và vận hành Đường thủy nội địa để cải thiện khả năng kết nối và tạo môi trường cho sự chuyển đổi phương thức tích cực từ đường bộ và đường sắt sang đường thủy.
Khánh Vy (Theo Oilprice)